14/09/2023 17:37 GMT+7

Vẽ tranh Phật theo phong cách chibi để làm thiện nguyện

Sư cô Thích Nữ Chân Thường khởi xướng dự án vẽ tranh Phật theo phong cách chibi để làm thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo.

Hình ảnh Đức Bồ tát Địa Tạng được vẽ theo phong cách chibi - Ảnh: HỒ LAM

Hình ảnh Đức Bồ tát Địa Tạng được vẽ theo phong cách chibi - Ảnh: HỒ LAM

Trong Phiên chợ Khuyến đọc lần 4 đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM (từ ngày 13 đến 17-9), bạn đọc chú ý đến gian hàng có những bức tranh Phật được thể hiện theo phong cách chibi, bên cạnh đó là các món quà lưu niệm.

Gian hàng này đang thực hiện dự án Dream and Draw (Vẽ tranh cho em), với mục đích chính là hướng về trẻ em khó khăn.

Sư cô Thích Nữ Chân Thường (chùa Vạn Quang, quận Tân Bình) là người khởi xướng và điều hành dự án. Đây là dự án thiện nguyện tiếp theo mà sư cô theo đuổi, sau thành công của dự án Cuốn lịch yêu thương vào tháng 9 năm ngoái.

Vẽ tranh Phật để giúp người

Sư cô Chân Thường có năng khiếu vẽ tranh và đam mê hội họa từ nhỏ. Với tâm niệm "học là phải hành", sư cô đã dùng nét vẽ của mình để làm nên nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa.

Sư cô Chân Thường bên những bức tranh Phật do cô vẽ theo phong cách chibi - Ảnh: HỒ LAM

Sư cô Chân Thường bên những bức tranh Phật do cô vẽ theo phong cách chibi - Ảnh: HỒ LAM

Những bộ lịch tự tay sư cô vẽ trong dự án Cuốn lịch yêu thương thu được 155 triệu đồng giúp cho các em nhỏ tại huyện biên giới Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị. Đó là động lực để sư cô tiếp nối hành trình Vẽ tranh cho em.

Những bộ tranh số hóa Phật giáo mang phong cách chibi, những chiếc túi nhỏ, những món quà lưu niệm đều do sư cô tự làm, từ lên ý tưởng đến vẽ và in.

Với sư cô, vẽ tranh cũng là một cách chữa lành tâm hồn. Khi người mua tô tranh số hóa thì cũng là một cách để tập trung, thiền và tĩnh lặng trong suy nghĩ.

Bức tranh thiền sư Thích Nhất Hạnh được sư cô Chân Thường lên ý tưởng và vẽ trong 3 ngày - Ảnh: HỒ LAM

Bức tranh thiền sư Thích Nhất Hạnh được sư cô Chân Thường lên ý tưởng và vẽ trong 3 ngày - Ảnh: HỒ LAM

"Tôi rất thích tô tranh số hóa, đặc biệt ý tưởng tô tranh Phật giáo rất hay. Nó giúp tôi sống chậm lại, cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống, đúng với triết lý của nhà Phật. 

Và nếu có thể giúp đỡ một phần nào đó cho người khác thì tôi lại càng cảm thấy hạnh phúc hơn", một khách mua tranh bộc bạch với Tuổi Trẻ Online.

Dùng nghệ thuật để vẽ tương lai

Vì yêu mến trẻ nhỏ, sư cô Chân Thường lập ra dự án với mong mỏi dùng nghệ thuật xây đắp niềm hy vọng cho tương lai của các em.

Người xem thích thú với những sản phẩm của dự án Vẽ tranh cho em - Ảnh: HỒ LAM

Người xem thích thú với những sản phẩm của dự án Vẽ tranh cho em - Ảnh: HỒ LAM

Đối tượng chính của dự án Vẽ tranh cho em là trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em cơ nhỡ, tàn tật và bệnh nhi ung thư trên nhiều vùng miền của cả nước.

"Mình muốn giúp đỡ những đứa trẻ. Vì mình nghĩ khi một đứa bé lớn lên trong tình yêu thương của mọi người thì điều đó có thể thay đổi cả một tương lai phía trước của bé" - sư cô Chân Thường bày tỏ.

Vẽ tranh cho em có sự giúp sức của rất nhiều tình nguyện viên. Các bạn làm những công việc như trưng bày sản phẩm, bán hàng, gói hoa…

Anh Minh Đức (quận 10), một tình nguyện viên của dự án, tâm sự: "Hình ảnh một sư cô nhỏ bé luôn dốc lòng để lo cho những đứa trẻ đã khiến mình xúc động và truyền rất nhiều cảm hứng cho mình.

Mình muốn cùng góp một tay để hỗ trợ hoạt động ý nghĩa này, đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội".

Theo sư cô Chân Thường, 100% lợi nhuận từ việc bán tranh trong năm 2023 sẽ được dùng để tổ chức các buổi workshop vẽ tranh cho các trung tâm bảo trợ ở TP.HCM và được chia thành nhiều đợt.

"Với đợt 1, sẽ khởi chạy workshop vẽ tranh cho Làng trẻ em SOS ở Gò Vấp và trao tặng những phần quà thiết thực cho các bạn nhỏ nơi đây" - sư cô cho biết.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cấp bằng tiến sĩ đầu tiênHọc viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cấp bằng tiến sĩ đầu tiên

Ông Nguyễn Hữu Thắng, pháp danh Thích Đạo Tấn, vừa trở thành người đầu tiên được trao bằng tiến sĩ của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, xếp loại xuất sắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên