Khách xem ôtô tại một showroom ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo các chuyên gia, do áp lực cạnh tranh cao buộc các ngân hàng hạ lãi suất, tăng tỉ lệ giải ngân trên giá trị xe, giảm thời gian thẩm định, kéo theo nhiều hệ lụy sau đó.
Dù tính về tỉ lệ, số vụ người vay mua ôtô vướng nợ xấu không cao nhưng theo các ngân hàng, việc người vay gặp khó khăn về tài chính và tìm cách "bùng" nợ không còn hiếm.
Cạnh tranh gay gắt
Thời gian qua phân khúc cho vay mua ôtô được các ngân hàng đẩy mạnh vì lãi suất khá cao cùng với sự bùng nổ của chạy xe dịch vụ, một lượng đáng kể khách hàng vay mua ôtô vừa để sử dụng cho nhu cầu đi lại cá nhân vừa để kinh doanh.
Theo số liệu của Công ty chứng khoán Bản Việt, cho vay mua ôtô tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 38% trong giai đoạn 2012-2016 do tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, tầng lớp trung lưu gia tăng và sự phát triển của các ứng dụng gọi xe. Thị phần cho vay mua ôtô lớn nhất thuộc về 5 ngân hàng: VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.
Do cạnh tranh cao nên cơ chế xét duyệt của các ngân hàng khá thoáng, tỉ lệ cho vay trên giá trị xe cao. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các ngân hàng cho vay đến 70-80% giá trị xe, nếu được bảo đảm bằng chính chiếc xe, và lên đến 100% giá trị xe nếu được bảo đảm bằng tài sản khác như bất động sản.
Thời gian cho vay lên đến 5 năm, thậm chí cao hơn. Có trường hợp ngân hàng liên kết với doanh nghiệp bán xe để dành ưu đãi cho một dòng xe nhất định với lãi suất vay thấp hơn và thời gian cho vay lên đến 8 năm.
Lãi suất cho vay mua ôtô trên thị trường xoay quanh mức 12-13%/năm, cao hơn so với cho vay mua nhà. Trong thời gian đầu, một số ngân hàng áp lãi suất ưu đãi, dao động từ 7,9-9,5%/năm, tùy theo thời gian cố định lãi suất là 3 tháng hay 1 năm.
Tuy nhiên, thời gian cố định càng dài, lãi suất càng cao. Thủ tục cho vay mua ôtô tại các ngân hàng cũng khá thoáng, người vay chỉ cần có CMND, hộ khẩu, bảng lương, hợp đồng sơ khảo với hãng xe... Có ngân hàng quy định thu nhập để vay tối thiểu khoảng 8 triệu đồng/tháng, người vay từ 25 tuổi trở lên.
Đại diện VIB cho biết ngân hàng này nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay mua ôtô trên thị trường. "Nếu 50% số lượng người mua ôtô mới vay vốn ngân hàng thì VIB cho vay khoảng 27-28% trong số này, tức hơn một nửa" - ngân hàng này cho biết.
Còn ông Trịnh Bằng Vũ, giám đốc khối khách hàng bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam, cho hay tính đến hết quý 1, tỉ trọng của sản phẩm cho vay mua xe ôtô chiếm khoảng 20% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng giữ giấy, tiệm cầm đồ giữ xe!
Tuy nhiên, sau thời gian phình to về dư nợ cho vay, phân khúc này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt ở khâu xử lý nợ quá hạn. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), thừa nhận gần đây nhiều ngân hàng gặp phải trường hợp người vay mang xe đi cầm cố, nhưng ngân hàng chỉ phát hiện khi khoản vay quá hạn, bị chuyển nhóm nợ.
Theo ông Tùng, đây là hành vi trái phép và vi phạm pháp luật vì một tài sản không được phép cầm cố hai lần. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn cố tình lách luật.
"Xử lý những trường hợp này rất khó. Ngân hàng phải tố giác tội phạm cho công an để phối hợp xử lý, ngân hàng lấy lại tài sản. Do ngân hàng đã giữ bản chính giấy tờ xe nên nếu nhận cầm cố các xe đã thế chấp ở ngân hàng, tiệm cầm đồ cũng vi phạm pháp luật" - ông Tùng nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng có thế mạnh về cho vay mua ôtô có trụ sở tại TP.HCM cho hay ở thời điểm vay, dù ngân hàng xét duyệt đủ điều kiện mới giải ngân nhưng có thể sau một thời gian khách hàng vay gặp khó khăn nên đã tìm cách trốn nợ.
Khác với các tài sản bất động như nhà, đất, xe là tài sản di động nên khi khách hàng trốn nợ, ngân hàng phải truy tìm.
Vị lãnh đạo này dẫn chứng thời gian qua hàng loạt vụ "rượt nợ" đã lên báo như một trường hợp đang chạy xe trên đường, một nhóm người tự xưng là cán bộ của Ngân hàng V. (có trụ sở tại Hà Nội) chặn đường, đưa ra một quyết định của lãnh đạo ngân hàng và lấy đi chiếc ôtô.
Hay một trường hợp khác để xe trước cổng nhà bị ngân hàng niêm phong và thu hồi khi đi vắng. Chủ xe khiếu nại trong khi phía ngân hàng khẳng định ôtô đã thế chấp là tài sản của mình và có quyền thu hồi sau một thời gian dài khách không trả đúng hạn.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc niêm phong, thu hồi các tài sản là động sản (trường hợp này là ôtô) khá khó khăn bởi nhiều trường hợp khách hàng đã tìm cách tẩu tán những tài sản này trước khi ngân hàng đến.
Có trường hợp khách hàng sau khi dừng thanh toán đã chuyển nơi ở và không thông báo cho ngân hàng, đổi số điện thoại. Phải sau nhiều tháng truy tìm, ngân hàng mới biết được địa chỉ mới để xiết nợ.
Với các xe nằm ở tiệm cầm đồ, quy trình xử lý khá gian nan do chủ cửa hàng cầm đồ không chịu gặp trực tiếp, khách hàng thì trốn. Nhiều trường hợp khách hàng "bỏ" luôn xe ở tiệm cầm đồ. Với trường hợp này, do chỉ cầm các xe đã thế chấp tại ngân hàng bằng 10-15% giá trị nên sau đó cách xử lý của tiệm cầm đồ là rã xe ra để bán phụ tùng nhằm thu hồi vốn.
"Với trường hợp này ngân hàng cũng không biết xử lý làm sao. Trên thực tế ngân hàng có thể kiện người vay ra tòa nhưng quá trình này thường kéo dài, phức tạp nên ngân hàng thường chọn giải pháp thương lượng" - giám đốc khối kinh doanh một ngân hàng cho biết.
Trốn nợ sẽ chịu nhiều hệ lụy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết trước thực tế vừa qua các ngân hàng đã tự rút kinh nghiệm để quản lý rủi ro tốt hơn, cũng như sàng lọc, đánh giá cẩn trọng trước khi giải ngân. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cảnh báo rằng người vay sẽ gánh hệ quả nếu cố tình trốn nợ.
Cụ thể, những khách hàng này sẽ bị liệt vào danh sách đen tại Trung tâm quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (CIC) nên sẽ không thể tiếp cận được các khoản vay khác sau này. Đó là hậu quả mà khách hàng phải chịu trong tương lai. Ngoài ra, do ngân hàng đang giữ quyền chủ tài sản, nếu các tiệm cầm đồ tiếp tục nhận cầm cố là hành vi tiếp tay cho việc lách luật. Ngân hàng cũng đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng có cảnh báo đến các tiệm cầm đồ để chặn hành vi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận