Thị trường điện ảnh Việt từng thiên về các thể loại phim hài, tình cảm lãng mạn hoặc kinh dị. Trong vài năm trở lại đây, phim hành động ngày càng được các nhà làm phim sản xuất nhiều hơn và cũng được khán giả ưa chuộng hơn. Một số phim gây chú ý với hình ảnh, chất liệu liên quan đến văn hóa truyền thống, đời sống của người Việt.
Gần đây nhất, phim Kẻ ẩn danh (Dan Trần đạo diễn, Kiều Minh Tuấn đóng chính) có màn võ thuật kết hợp với các yếu tố văn hóa đời sống Việt như áo bà ba, đòn gánh, tranh dân gian…
Võ thuật và văn hóa Việt
Trong Kẻ ẩn danh, đạo diễn Dan Trần cài cắm yếu tố văn hóa Việt vào các pha võ thuật, thông qua bối cảnh, đạo cụ, cách thiết kế mỹ thuật. Điều này thể hiện rõ nhất ở cảnh nhân vật xông vào nhà triển lãm nghệ thuật - hang ổ chính của tên trùm đường dây bắt cóc trẻ em.
Nhân vật Lâm (Kiều Minh Tuấn) lần lượt đối đầu với băng nhóm tội phạm ở ba gian phòng. Khi Lâm giao chiến với nhóm người giả ma nơ canh, màn hình xung quanh chiếu loạt danh lam thắng cảnh Việt.
Khi Lâm đối mặt bốn nữ sát thủ, đạo diễn lấy cảm hứng từ bộ tranh tứ bình Tố Nữ, để các nhân vật đánh nhau trên nền giai điệu nhạc cụ dân tộc.
Trường đoạn này là điểm nhấn trong phim, được dàn dựng kỹ càng nhưng còn nặng tính sắp đặt, khiên cưỡng. Những đạo cụ như đòn gánh, nón lá, áo bà ba… không mang đến sự hỗ trợ nhiều cho các thế võ.
Kẻ ẩn danh gợi liên tưởng tới phim Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt, do Ngô Thanh Vân đóng chính, từng thu về hơn 200 tỉ đồng năm 2019.
Hai phim có cùng mô típ, cùng thể loại, nhưng so về sự chân thực, gần gũi với đời sống Việt trong từng pha đánh đấm thì Hai Phượng ở một tầm cao hơn.
Phim gây sốt nhờ hình ảnh Ngô Thanh Vân mặc áo bà ba, đội nón lá, một mình "tả xung hữu đột" với nhóm buôn người khét tiếng.
Những cảnh quay miền Tây sông nước hiện lên dân dã, hồn nhiên, nhưng cũng chất chứa đầy sự bí bách của những kiếp người mưu sinh.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng khéo léo phô diễn những góc quay trong các con hẻm nhỏ ở Sài Gòn nhộn nhịp, bóc trần góc khuất của những người sống trong thế giới ngầm.
Chính nhờ lựa chọn bối cảnh hành động dựa trên cuộc sống thực, Hai Phượng mang đến cảm giác đời hơn.
Ưu điểm này tiếp tục được Ngô Thanh Vân phát huy trong Thanh Sói, tiền truyện của Hai Phượng khi nhóm "nữ quái" sống và có nhiều cảnh giao chiến trong khu chung cư cũ nhỏ hẹp, quen thuộc của Sài Gòn thời trước.
Phim hành động Lật mặt: 48h (năm 2021) của đạo diễn Lý Hải cũng chinh phục khán giả nhờ màu sắc địa phương, dân dã.
Phim kể về hành trình trốn chạy của vợ chồng Hiền (Võ Thành Tâm) khỏi sự rượt đuổi của đám giang hồ tàn ác, để tìm lại vật báu có giá hơn 2 triệu USD. Những cảnh hành động diễn ra liên tiếp, từ đánh đấm trên nóc nhà, đua xe trong hẻm Sài Gòn đến rượt đuổi trên sông nước miền Tây.
Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (năm 2020) của Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn có những cảnh hành động trên nền bối cảnh thực được quay ở Đà Lạt.
Thông qua các cảnh giao chiến của những người trong giang hồ, người xem không chỉ hiểu rõ hơn về tính cách các nhân vật, mà còn thấy được tình cảm họ dành cho nhau cũng giản dị như những người bình thường khác.
Chất riêng và chất phổ quát
Thể loại phim hành động ở Việt Nam khó so bì về mức độ đầu tư với phim Hollywood hay các nước.
Vì vậy, để thu hút khán giả, các dự án cần phải có màu sắc văn hóa, đời sống bản địa rõ nét, gần gũi, có tính phổ quát với người Việt, dành cho người Việt xem. Đây là điều mà các tác phẩm quốc tế không thể có được.
Đạo diễn Lý Hải từng thừa nhận anh thành công nhờ phong cách làm phim "lúa lúa", bình dân. Điều này được thể hiện qua hầu hết các bộ phim của anh, trong đó nổi bật là Lật mặt: 48h.
Nhưng bên cạnh những nét riêng của văn hóa đời sống Việt Nam, các phim hành động thành công thường có thông điệp phổ quát để khán giả dễ đồng cảm. Đây cũng là đặc điểm chung của dòng phim hành động trên thế giới.
Chẳng hạn, Lật mặt: 48h thể hiện tình cảm vợ chồng bền chặt, ý nghĩa của gia đình, tình bạn bè thân hữu và sự chất phác, phóng khoáng của người miền Tây. Đây đều là những thông điệp rất đời thường, dễ dàng gợi sự đồng cảm của phần đông công chúng.
Tương tự, Hai Phượng chinh phục khán giả nhờ câu chuyện về tình cảm gia đình nói chung, tình mẫu tử nói riêng.
Ở Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, thông qua hành trình giải cứu đồng đội, khán giả cảm nhận rõ hơn về giá trị của gia đình, tình bằng hữu.
Phim ảnh cũng như "cơm nhà mẹ nấu"
Biên kịch Nguyễn Thị Ngọc Bích (bút danh ToTo Chan của phim Mẹ chồng, Lô Tô, Hạnh phúc của mẹ) nói với Tuổi Trẻ:
"Những bộ phim có thể thu hút khán giả Việt là những bộ phim kích thích được sự tò mò của công chúng, cũng như mang đậm bản sắc dân tộc.
Người Việt Nam chúng ta có tiêu chuẩn đánh giá thức ăn rất hay là "cơm nhà mẹ nấu".
Người ta rất yêu cái bản sắc của mình, của dân tộc mình.
Cứ nấu ngon, đậm đà, gợi cho người ta hương vị và bản sắc quê nhà, người thưởng thức sẽ lập tức thích món bạn nấu. Và phim ảnh cũng vậy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận