14/04/2015 09:09 GMT+7

​Ước mơ và nước mắt

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TT - Thí sinh trong màu áo tuổi học trò có bạn đã òa khóc, có bạn đã nức nở, có bạn nghẹn lời rất lâu...

Phạm Lê Quỳnh Trang (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, BR-VT) trong phần thi “Phỏng vấn đồng nghiệp tương lai” với đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân tại chung kết “Thực hiện ước mơ” 2015 - Ảnh: Q.Định

Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Thành đoàn TP. HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, Viện đào tạo quốc tế thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức đã qua mùa thứ ba. Mùa nào cũng có nước mắt...

Ai hưởng lợi từ ước mơ của trẻ?

Đấy là những giọt nước mắt của đau đớn, có khi là uất ức, có khi buồn tủi pha lẫn chất phản kháng, khi các em muốn trình bày cùng ông bà, cha mẹ vốn thường không có mặt trong những buổi thuyết trình này: các em đã phải gánh vác quá sức chịu đựng ước mơ không phải của chính mình mà là của cha mẹ, ông bà, và có khi là của cả dòng họ! Khi phải mang trên vai ước vọng của người khác, các em không còn là chính mình.

Chúng tôi từng gặp có em rất đam mê và thực tế đã đậu vào ngành kiến trúc, nhưng rốt cuộc vẫn phải theo học trường y dược, dù rằng: “Em sợ mình sẽ thành kẻ giết người hàng loạt!”.

Tại một khóa huấn luyện mang tên “Trước ngưỡng cửa cuộc đời” dành cho học sinh từ 14 - 18 tuổi, khi người huấn luyện hỏi: “Nếu như cha mẹ buộc bạn phải học theo ý định gia đình chứ không phải là ngành nghề mà bạn yêu thích, bạn sẽ làm gì?”.

Thực tế 2/3 trong số đó đã trả lời: “Thôi, con cũng sẽ ráng học cho xong để làm vui lòng bố mẹ rồi mới tính tiếp”.

Có thể một số bạn chưa dám nói thật, nhưng chỉ dựa vào điều các em nói đã thấy rõ ràng các em không được sống cho bản thân mình. Có bạn đi du học ngành tài chính trở về, rồi tìm cách quay lại học nghề đầu bếp mà mình mơ ước...

Thật ra còn một thứ áp lực khác, tưởng như vô hình nhưng có thật, luôn được thúc đẩy thông qua các nhóm xã hội và các thiết bị di động, bằng tiếng gọi của cái hào nhoáng, phô trương, cái nhãn mác khiến cho không ít bạn trẻ không cam tâm với “nghề bình thường”, không chấp nhận làm “người bình thường”, trong sự nhầm lẫn.

Thậm chí đó là sự đánh tráo khái niệm giữa thành công và sự nổi tiếng, giữa năng lực và sự hâm mộ, giữa phát triển bản thân và cuộc chạy đua nhanh chóng tìm kiếm danh lợi.

Vì thế có bạn quyết tâm đi làm báo, chẳng phải vì ngòi bút viết cho sự thật, mà vì “được lên sóng truyền hình cho bạn bè biết mặt!”. Cho nên mười mấy năm trước đã có một đơn vị văn hóa đứng ra “kinh doanh ước mơ” bằng khẩu hiệu “Ước mơ trong tầm tay” kèm theo lời cam kết nhanh chóng biến các bạn thành ngôi sao ca nhạc, với học phí hàng chục triệu đồng mỗi khóa.

Ai cũng thấy rõ là với thời gian và kiểu đào tạo như thế, làm sao các em có thể trở thành ca sĩ thật sự, nói chi là ngôi sao, nhưng có những thứ mà các bạn đã phải đánh đổi không chỉ là tiền bạc, mà còn là nước mắt của ảo tưởng, đặc biệt với các bạn gái trẻ.

Chưa hết, còn có một thứ áp lực rất “khủng” đằng sau cánh gà của mỗi cuộc hội thi: “mày/ em/ con/ cháu nhất định phải giành cho được chiến thắng bằng mọi giá”!

Xem ra chính người lớn mới là những người hưởng lợi nhiều nhất từ ước mơ của trẻ.

Giá trị của một nguyên lý

Chương trình “Thực hiện ước mơ” mấy năm qua đã cố gắng làm những gì có thể để giúp ngày càng nhiều hơn các bạn học sinh phổ thông cơ hội khám phá bản thân, xác định đúng đắn ước mơ nghề nghiệp, trang bị một số kỹ năng cá nhân để có thể biến ước mơ thành một quá trình chuẩn bị khả thi, tạo môi trường nghề nghiệp để một số bạn có thể tiếp cận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhưng có thể nói cái được có ý nghĩa của những người làm chương trình năm nay chính là sáng kiến của TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TP.HCM), vị giám khảo lần đầu tiên góp mặt.

Theo sáng kiến đó, cuộc thi không chấm dứt với việc thi tài và trao giải thưởng. Một số thí sinh, qua những gì bộc lộ từ cuộc thi lần này, cần được các chuyên gia tư vấn trực tiếp về tâm lý.

Đó là những bạn trẻ xây dựng ước mơ từ những đam mê cuồng nhiệt đến mức có thể đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống thực tế.

Đó là những bạn trẻ tự mình gánh vác bổn phận làm thay cho một ai đó, dù vì những điều tốt đẹp nhưng có thể trở thành ám ảnh bên trong ngăn cản mình là chính mình.

Đó là những bạn tìm kiếm động lực vươn lên từ những tổn thương bên trong gia đình bởi bạo hành, tệ nạn, thậm chí tội phạm, có thể dẫn đến sự phát triển lệch lạc sau này cho dù khát khao thoát khỏi nghịch cảnh là chính đáng...

Tất cả cần phải được chia sẻ, gợi mở, giải tỏa vì sự phát triển thật sự của mỗi bạn trẻ vốn đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách.

Sáng kiến đó dựa trên một nguyên lý: người lớn khi làm bất kỳ điều gì đều phải tự hỏi việc đó có ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của trẻ trong tương lai hay không?

Nguyên lý này nhắc nhở người lớn phải tự vấn trước mỗi bài báo, một cuộc game show, một chương trình truyền hình thực tế, một cuộc thi tìm kiếm tài năng: những gì chúng ta đang làm hôm nay có thể sẽ dẫn dắt các em đến với sai lầm, đau khổ, thất bại trong tương lai hay không?

Bởi suy đến cùng, hưởng lợi từ việc đẩy một ai đó vào một bi kịch đã được báo trước không chỉ là vô trách nhiệm, vô đạo đức, mà còn là tội ác nữa!

 

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên