10/05/2015 09:22 GMT+7

​Ước có thêm một “chiếc cần câu”

A LỘC
A LỘC

TT - Dù tuổi già sức yếu hay trong người mang bệnh không thể lao động nặng được nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh, tìm mọi cách kiếm tiền lo cho con, cho cháu ăn học nên người.

Bà Trần Thị Cúc mong có điều kiện tốt hơn để chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập cho con -  cháu đến trường - Ảnh: A.Lộc

* “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Bình Thuận
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Thuận
* Tài trợ: Công ty cổ phần Greenfeed

Họ đang ước ao có thêm một “chiếc cần câu” để những nỗ lực này sẽ sớm thấy kết quả.

Ngoại cũng là “mẹ”

Bà Trần Thị Cúc (68 tuổi, ngụ thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) có tất cả tám người con. Chồng mất, một tay bà làm thuê làm mướn nuôi đàn con nhỏ. Thương mẹ, con trai đầu của bà Cúc từ nhỏ đã đi làm phụ mẹ nuôi các em.

Rồi lần lượt đứa lớn làm lo cho đứa nhỏ hơn. Đến khi tất cả con của bà lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của bà mới bớt được chút gánh nặng. Thế nhưng tai ương bất ngờ ập xuống gia đình chị Oanh, con gái thứ năm của bà Cúc.

Sau khi người chồng thứ hai bỏ đi, chị Oanh cũng qua đời vì bệnh tim để lại cho bà hai đứa cháu là Nguyễn Lương Hồng Yến (đang học năm nhất Trường trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn) và Phan Thành Trung (em cùng mẹ khác cha với Yến, học lớp 2D Trường tiểu học Võ Xu 1). Khi đó Trung chưa tròn 2 tháng tuổi, bà Cúc vừa là ngoại vừa là “mẹ” của hai đứa cháu từ ngày đó.

Bà Cúc kể lúc trước còn khỏe đi làm ruộng, làm mướn kiếm tiền nuôi hai cháu ăn học. Cách đây ba năm, trong một lần khám bệnh, bà được chẩn đoán bị bướu cổ gây hội chứng cường giáp, hằng tháng phải đi viện khám nhận thuốc uống.

Sức khỏe của bà từ lúc đó suy kiệt dần. Mọi chi phí trong gia đình đều phụ thuộc vào bầy heo, gà, vịt sau nhà. Nhưng không may heo và gà bị dịch bệnh chết gần hết, bà Cúc lại gánh thêm khoản nợ tiền mua cám của đại lý.

Trong căn nhà ọp ẹp xây từ hơn chục năm trước, mái ngói cũ ngả màu rêu có nhiều chỗ đã mục nát, mưa dột chảy vào nhà. Những hôm hết tiền mua rau, bà và cháu Phan Thành Trung ăn cơm với trứng gà vịt của nhà hàng tuần liền.

Có hôm nhà hết gạo, bà Cúc lấy xe đạp chở Trung vào chùa xin bữa cơm chay ăn qua ngày. Thương bà, Trung chịu khó học hành, nghe lời ngoại, mới 8 tuổi nhưng Trung đã biết phụ bà làm việc nhà. “Nó ngoan lắm, thầy cô bạn bè ai cũng quý. Năm học vừa rồi nó được xếp loại giỏi” - bà Cúc tự hào nói về đứa cháu.

Thế nhưng bà Cúc cũng nói: “Tôi giờ già rồi, sức khỏe không còn được như trước, lại hay đau ốm bệnh tật. Tôi lo sau này khi nằm xuống không có ai lo cho hai đứa cháu, đường học gãy ngang thì tội”.

Ông Nguyễn Như Phong mong có điều kiện tốt hơn để chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập cho con -  cháu đến trường - Ảnh: A.Lộc

Gà trống nuôi con

Trường hợp ông Nguyễn Như Phong (55 tuổi, ngụ xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cũng éo le không kém. Vợ mất vì căn bệnh ung thư, một mình ông Phong quần quật làm thuê làm mướn, nuôi heo để có tiền nuôi các con ăn học nên người theo di nguyện của người vợ.

Trong căn nhà gạch mái ngói đã cũ, người đàn ông gốc Thái Bình từng là bộ đội một thời giờ đây mái tóc đã bạc quá nửa. Ông Phong kể năm 1987, sau ba năm đi bộ đội tại Campuchia về, ông làm việc ở quê khoảng một năm rồi khăn gói vào Bình Thuận cùng gia đình.

Tại đây ông gặp và kết hôn với bà Hồ Thị Mão (sinh năm 1962), lúc đó đang công tác trong đội quân y đóng trên địa bàn. Sau lễ kết hôn, lần lượt bốn đứa con gái ra đời trong niềm vui sướng của đôi vợ chồng trẻ.

Hằng ngày ông Phong đi làm thuê làm mướn, còn bà Mão bán rau, nuôi heo, gà vịt. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng đủ nuôi gia đình sáu miệng ăn. Tuy nhiên vào năm 2011, bà Mão được chẩn đoán bị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, ông Phong chết điếng người, vội vã đưa vợ lên Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) chữa trị.

Cứ mỗi ba tuần ông Phong lại lên bệnh viện đưa vợ đi khám bệnh, lấy thuốc uống. Hai cô con gái của ông Phong là Nguyễn Thị Mỹ Phương (27 tuổi, khi đó là sinh viên Trường CĐ Bách Việt TP.HCM) và Nguyễn Thị Lan (24 tuổi, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP.HCM) thay nhau vào viện chăm sóc bà Mão.

Để có tiền chữa trị cho vợ, ông Phong phải bán dần đàn heo, gà, vịt rồi đất đai, đồng thời vay mượn thêm của bà con, hàng xóm. Thương chồng con, bà Mão nhiều lần khuyên chồng đừng phí tiền trị bệnh của bà mà dành tiền nuôi các con ăn học nhưng ông Phong nhất quyết không nghe. Đến đầu tháng 2-2015 bà Mão mất do bệnh tình quá nặng.

Sau khi làm ma chay cho vợ xong, tài sản trong nhà ông Phong chỉ còn lại con heo nái cùng vườn cao su non chưa đến tuổi thu hoạch. Ông Phong phải đi kéo gạch, làm thợ hồ, làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm tiền. “Các lò gạch bị giải tỏa gần hết cũng không còn nhiều việc để làm nữa, giờ ở nhà ai gọi gì làm nấy nhưng công việc không có đều”- ông Phong chia sẻ.

Mong đường học không đứt đoạn với con - cháu

Cuộc sống khó khăn là thế nhưng ông Phong vẫn quyết tâm cho các con học hành nên người. Ông Phong chia sẻ trước khi mất bà Mão đã dặn ông cố gắng nuôi nấng con cái ăn học đàng hoàng. Do đó dù có khó khăn thế nào ông cũng cố gắng xoay xở để lo cho các con học lên.

Hiện Mỹ Phương đã ra trường, đang đi làm bảo mẫu để có tiền nuôi Lan nay đã là sinh viên năm 3. Nguyễn Thị Khánh Vân (21 tuổi), con gái thứ ba của ông Phong, sau khi học hết lớp 9 đã nghỉ học do không thể học lên.

“Hồi đó con Vân sinh non phải nuôi trong lồng kính nên không được nhanh nhẹn. Ở nhà nó chỉ làm việc vặt, có bố chỉ cho mới biết làm. Nay tôi đang tập cho nó bán rau ngoài chợ để sau này có cái nghề mà sống” - ông Phong phân trần.

Đứa con út Nguyễn Thị Kiều My (lớp 8C Trường THCS Vũ Hòa), từ lớp 1 đến lớp 6 bé My đều đạt học lực giỏi, nhưng hai năm trở lại đây mẹ bệnh, gia đình gặp nhiều khó khăn nên việc học của My có phần giảm sút, chỉ đạt tiên tiến.

“Tuổi của tôi làm thuê làm mướn cũng không được bao lâu nữa, tôi chỉ mong có chút vốn mua thêm con heo nái về nuôi để cho mấy đứa nhỏ ăn học, không phải nghỉ ngang giữa chừng” - ông Phong cho biết thêm.

Giống như ông Phong, bà Cúc từ lâu đã mơ ước có một khoản vốn mở rộng chăn nuôi heo để có thêm tiền lo cho hai đứa cháu ăn học tới nơi tới chốn. “Tôi thất học nên một đời kham khổ, bây giờ phải ráng cho mấy đứa cháu đi học để sau này có cuộc sống tốt hơn tôi” - bà Cúc chia sẻ.

Chỉ về hướng đứa cháu trai đang chơi trước sân, bà Cúc buồn buồn nói: “Tôi sợ nó di truyền bệnh tim từ mẹ. Lâu nay tôi có ý định đưa nó đi khám nhưng chưa có điều kiện, khi nào có tiền nhất định sẽ đưa nó đi kiểm tra. Còn về bé Yến sau khi học xong, nếu cháu nó muốn học lên thì tôi sẽ cố gắng xoay xở cho nó ăn học”.

Tiếp sức cho 60 hộ nông dân Bình Thuận

Sáng nay 10-5 tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ nông dân của hai huyện Hàm Tân và Đức Linh.

Chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian hai năm (2015-2017) với tổng giá trị 1 tỉ 80 triệu đồng (gồm 900 triệu đồng bằng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi trị giá 180 triệu đồng) cho các hộ nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn, có con em vượt khó học giỏi. Ngoài ra, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng tổng trị giá 60 triệu đồng cho 60 học sinh sinh viên là con của các hộ nông dân tham gia chương trình.

TỐ OANH

 

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên