23/08/2018 10:11 GMT+7

Ung thư ở người trẻ: Hãy thay đổi lối sống

T.DƯƠNG - A.HỒNG
T.DƯƠNG - A.HỒNG

TTO - Ít ăn ở nhà, ít ăn những món truyền thống, thức khuya... là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tần suất ung thư ở người trẻ tuổi hiện nay.

Ung thư ở người trẻ: Hãy thay đổi lối sống - Ảnh 1.

Chị K.P. (33 tuổi) điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nếu không thay đổi về lối sống thì sắp tới tỉ lệ mắc bệnh ung thư sẽ tăng cao ở những người dưới 40 tuổi. Hiện nay, các chuyên gia đều nhận định lối sống ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư

TS.BS Phạm Xuân Dũng

TS Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện nay, độ tuổi trung bình của người mắc bệnh ung thư trong nước trẻ hơn so với thế giới là 5 tuổi. Độ tuổi trung bình mắc bệnh ung thư ở nước ta là 55 tuổi, trong khi thế giới là 60 tuổi.

Ngày 22-8, báo Tuổi Trẻ cùng với Công ty TNHH bảo hiểm Prudential VN đã tổ chức buổi tọa đàm Ung thư gia tăng ở người trẻ: thực trạng và giải pháp.

Hạ thấp tuổi tầm soát

TS Nguyễn Hữu Thịnh, trưởng phòng khoa học và đào tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết trước đây Hiệp hội Ung thư của Mỹ khuyến cáo những người trên 50 tuổi mới cần đi tầm soát ung thư đại trực tràng, nhưng hiện nay độ tuổi được khuyến cáo cần đi tầm soát ở bệnh này đã được hạ xuống còn 45 tuổi. Cách hạ độ tuổi tầm soát ung thư này cho thấy có sự gia tăng tần suất ung thư ở người trẻ tuổi.

Theo TS Lê Tuấn Anh - phó giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, khi người trẻ có vấn đề về sức khỏe, cả bác sĩ và bệnh nhân đều ít nghĩ đến bệnh ung thư nên nhiều trường hợp không được chẩn đoán sớm.

Người trẻ tuổi có nhiều vấn đề cần quan tâm như gia đình, phấn đấu cho sự nghiệp... nên cũng ít quan tâm đến sức khỏe. Do vậy, khi nhận được thông báo mắc bệnh ung thư là họ suy sụp nhanh. Cuộc sống của những người này sẽ thay đổi hoàn toàn, không còn kiếm được tiền, sức khỏe giảm sút, dễ bị stress...

Ông Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, nhận xét người trẻ hiện có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư như ít ăn ở nhà, ít ăn những món ăn truyền thống, ăn nhiều món ăn có chất đường, chất béo, món nướng, uống nhiều rượu, bia, thức khuya, stress...

Nhiều người chủ quan không đi khám bệnh, đến khi mắc bệnh ung thư ở giai đoạn trễ thì các bác sĩ cũng bó tay.

Hàng loạt giải pháp

Nhiều giải pháp được các chuyên gia y tế đưa ra đối với những người trẻ là không hút thuốc, ăn uống lành mạnh, bớt uống rượu bia, không ăn nhiều thịt đỏ, ít ăn những thực phẩm chế biến sẵn, đồ nướng.

Tăng cường rau tươi, trái cây, kiểm soát cân nặng, tập thể dục (mỗi ngày ít nhất tập 20 phút đã giảm nguy cơ ung thư). Ngoài ra, cần đi khám định kỳ, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, văcxin ngừa ung thư cổ tử cung.

Có một thực tế là nhiều người trẻ chưa quen tích lũy, dự phòng cho ốm đau, bệnh tật nên khi đột ngột gặp sự cố về sức khỏe thì họ thường bối rối, ít có phương pháp an toàn về tài chính để xử trí, dẫn đến việc thường hay phải đối mặt với khó khăn.

Dẫn chứng từ thực tế, ông Ngô Trung Dũng, phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết tuy chưa có thống kê về chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người trẻ tuổi nhưng trong năm 2017, số tiền mà các công ty bảo hiểm tại Việt Nam chi trả quyền lợi cho khách hàng nói chung lên đến 14.000 tỉ đồng.

Tại một số công ty bảo hiểm, mức chi trả quyền lợi cho bệnh nhân ung thư chiếm tỉ lệ 51-52% trong tổng số tiền chi trả cho bệnh hiểm nghèo.

Chi phí chữa trị ung thư cũng ngày càng gia tăng. Theo các chuyên gia, ở những lĩnh vực có điều trị bằng miễn dịch tại Việt Nam, chi phí điều trị lên đến 160-180 triệu đồng/tháng chỉ với một loại thuốc miễn dịch. Như vậy, nếu người bệnh trước đó không tham gia bảo hiểm thì khó kham nổi chi phí để đeo đuổi quá trình điều trị.

Theo TS Phạm Xuân Dũng, hiện nhiều người trẻ chưa quan tâm lắm đến câu chuyện mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra. Nhiều người bỏ qua luôn việc này vì không đủ tiền, hoặc dành tiền cho các hoạt động khác. Luật lao động dù có quy định khám sức khỏe định kỳ, nhưng việc khám cũng không được chi tiết. Do vậy, cũng cần có các gói bảo hiểm khác để hỗ trợ trong trường hợp rủi ro xảy ra.

Dẫn câu chuyện một đồng nghiệp đã kịp mua bảo hiểm cho người con ba tháng trước khi phát hiện con bị bệnh ung thư máu và sau đó được chi trả đến 60% chi phí điều trị, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc phòng quản lý sản phẩm Prudential - cho biết có thực tế bảo hiểm bệnh hiểm nghèo nói chung và bảo hiểm ung thư nói riêng giống như là "khi có không cần, khi cần không thể có".

Nhiều người chưa mắc bệnh nghĩ mình còn trẻ, khỏe, ít có khả năng mắc bệnh nên không mua, nhưng khi phát hiện bệnh rồi thì không biết xoay xở ra sao, mới đi mua bảo hiểm nhưng lúc ấy mua rất khó.

Một khi số tiền dành dụm không đủ để theo đuổi việc điều trị, người bệnh có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và người thân. Người bệnh là trụ cột gia đình thì áp lực càng lớn. Nếu không có kế hoạch tài chính, khi rủi ro không may xảy đến, người trẻ sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư

Thay đổi thói quen của đường ruột, bọng đái, đau dai dẳng, không rõ nguyên nhân. Tiết dịch, xuất huyết bất thường ở cơ thể và bất kỳ chỗ nào trên cơ thể dày lên, có bướu, nuốt khó, ăn không tiêu, nốt ruồi thay đổi.

Ung thư ở người trẻ: Khi không ăn được bằng miệng Ung thư ở người trẻ: Khi không ăn được bằng miệng

TTO - 70% người bệnh mắc ung thư lưỡi có hút thuốc hoặc uống rượu.

T.DƯƠNG - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên