21/08/2018 13:43 GMT+7

Ung thư ở người trẻ: Khi không ăn được bằng miệng

HỒNG PHƯƠNG
HỒNG PHƯƠNG

TTO - 70% người bệnh mắc ung thư lưỡi có hút thuốc hoặc uống rượu.

Ung thư ở người trẻ: Khi không ăn được bằng miệng - Ảnh 1.

Một bệnh nhân mắc ung thư lưỡi đang ăn bằng đường ống dẫn tại khoa xạ trị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Hồng Phương

Anh T.V.T. (34 tuổi, ngụ Long An) đang điều trị ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết khi mới xuất hiện bệnh, cảm giác như có một vật gì đó giống xương cá mắc ở lưỡi rất khó chịu, nhưng cũng nhất thời nên anh bỏ qua. Sau đó, tại vị trí đó trên lưỡi xuất hiện một vết loét, vết loét ngày một to khiến anh thường xuyên cảm thấy đau.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Khôi - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư lưỡi là một loại ung thư thường gặp nhất trong hốc miệng, chiếm khoảng 30-40% các trường hợp. Có đến 70% người bệnh mắc ung thư lưỡi có hút thuốc hoặc uống rượu.

Không có dấu hiệu rõ ràng

Tại một phòng của khoa xạ trị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có hàng loạt bệnh nhân mắc ung thư lưỡi gầy gò với khuôn mặt mệt mỏi. Tới giờ ăn, người bệnh phải dùng ống để truyền trực tiếp thức ăn vào bao tử bằng đường mũi, vì đường miệng đang trong giai đoạn hóa trị không thể ăn uống bình thường.

Ông N.V.L. (Đồng Tháp) điều trị tại khoa xạ trị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã gần một năm. Ông cho biết ban đầu lưỡi ông xuất hiện những đốm màu trắng, ông nghĩ mình bị nổi đẹn do nóng trong người, tuy nhiên một thời gian sau những đốm này ngày một to hơn, lở loét khiến ông cảm thấy đau đớn.

"Do đau đớn nên tôi đến một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM khám, tuy nhiên kết quả là tôi bị... amiđan. Sau đó tôi liên tục bị sốt kèm đau ở lưỡi và họng nên xin chuyển viện. Đến Bệnh viện Ung bướu mới chẩn đoán tôi mắc ung thư lưỡi".

TS.BS Nguyễn Anh Khôi cho biết hơn 90% bệnh nhân ung thư lưỡi trên 40 tuổi, tuy nhiên bệnh có xu hướng ngày càng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi, cả dưới 30 tuổi. Loại bệnh lý này có tỉ lệ di căn hạch cao, lên đến 30 - 50%. Nếu có di căn hạch thì tiên lượng bệnh sẽ xấu đi đáng kể.

Khi mắc ung thư lưỡi, người bệnh thường biểu hiện bằng một vết loét đau hoặc không đau, một khối sùi hoặc một vùng niêm mạc hơi sượng chắc. Vị trí thường gặp nhất là bên hông của lưỡi, nhưng cũng có thể gặp ở các phần còn lại.

Bệnh ung thư lưỡi không có dấu hiệu rõ ràng ở thời gian đầu cho đến khi bệnh phát tác. Do đó các bất thường của lưỡi nếu kéo dài hơn 4 tuần, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám.

70% tác nhân do rượu bia, thuốc lá

Theo BS Nguyễn Quang Huy - Bệnh viện Nhân dân 115, thời gian sống của bệnh nhân ung thư lưỡi phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan. Khi khối u phát triển, việc loét sẽ làm cho bệnh nhân trở nên đau đớn lúc nhai, nói, đi kèm là chứng khó thở, suy kiệt. Nếu khối u xâm nhiễm vào các mạch máu lớn vùng họng, nhất là động mạch lưỡi sẽ gây chảy máu ồ ạt, có thể dẫn đến tử vong.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Khôi, hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh 1,9 lần ở nam và 3 lần ở nữ. Uống bia rượu làm tăng tỉ lệ mắc bệnh 1,7 lần ở nam, và tăng lên đến 3 lần ở người uống nhiều. Đặc biệt, nếu một người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì tỉ lệ mắc bệnh gia tăng đến 35 lần.

Trong trường hợp giai đoạn sớm, bướu còn nhỏ và chưa có hạch di căn thì tỉ lệ điều trị khỏi bệnh có thể lên đến 75-80%. Tuy nhiên, ở giai đoạn trễ thì tỉ lệ này chỉ còn khoảng 40%. Bệnh nhân tại Việt Nam thường đi khám trễ, vì nhiều lý do, tỉ lệ giai đoạn trễ chiếm đến hơn 60% bệnh nhân.

BS Nguyễn Quang Huy cho biết bên cạnh các nguyên nhân như: gen di truyền, chế độ ăn uống thiếu hợp lý thì hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích như rượu bia là nguyên nhân quan trọng gây nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư lưỡi. Khói thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư miệng và cổ họng, và lưỡi là cơ quan không thể tránh khỏi. Việc lạm dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe và gây nhiều bệnh tật cho mọi người.

Hiện ung thư lưỡi và ung thư vòm họng (cùng với ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng...) nằm trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở VN.

Theo ông Trần Văn Thuấn - giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong các loại dưa, cà muối quá chua có nhiều nitrosamine là chất gây ung thư đường miệng.

L.ANH

Thuốc lá chứa 72 chất có thể gây ung thư

Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc lá chứa đến hơn 72 chất có thể gây bệnh ung thư, trong đó có đến 19 chất chắc chắn sẽ gây nên bệnh.

Các độc chất của thuốc lá kết hợp trực tiếp hoặc gián tiếp với ADN của tế bào người bệnh gây nên các đột biến không thể phục hồi, dẫn đến sự hình thành của khối tế bào ung thư.

Bốn chất sinh ung chủ yếu của thuốc lá bao gồm nitrosamines, PAH, benzene, 4-aminobiphenyl.

Người hút thuốc lá có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung bướu, mạch máu và hô hấp, và có tuổi thọ trung bình thấp hơn khoảng 10 năm so với người không hút thuốc lá.

Chúng ta đã có bằng chứng hút thuốc lá có liên quan đến ung thư bàng quang, cổ tử cung, đại trực tràng, thực quản, thận, thanh quản, bệnh bạch cầu dòng tủy, gan, phổi, hốc miệng, hầu, tụy và dạ dày.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu lớn kéo dài 25 năm tại Hoa Kỳ, nếu chúng ta ngưng hút thuốc trước 40 tuổi thì sẽ giảm được 90% nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Ung thư ở người trẻ: Không còn là cá biệt Ung thư ở người trẻ: Không còn là cá biệt

TTO - Khoảng 10-15 năm trước, rất hiếm khi gặp bệnh nhân mắc bệnh ung thư dưới 30 tuổi, còn ngày nay thì không còn là những trường hợp hiếm gặp nữa.

HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên