29/08/2011 05:00 GMT+7

8 điểm cũng đậu đại học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Nhiều trường ĐH, CĐ đang tìm đủ cách xin được áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh để hạ mức điểm chuẩn. Có hàng chục trường khắp cả nước đang “khoe” đã được áp dụng quy định này để lôi kéo thí sinh.

Thậm chí ngay cả trường mang danh quốc tế cũng có “phao” này.

9ud03bEi.jpgPhóng to
Khó khăn trong tuyển sinh đầu vào là nguyên nhân để các trường tìm mọi cách được áp dụng điều 33. Trong ảnh: một phụ huynh tìm hiểu Trường ĐH quốc tế Miền Đông, trường này có rất ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển - Ảnh: Như Hùng

Bệnh “đói” thí sinhĐăng ký xét tuyển NV 2: Thí sinh được tặng điểmMuốn áp dụng điều 33, phải có cam kết của UBND tỉnh

Đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 trong kỳ tuyển sinh năm nay đang khá căng thẳng không chỉ đối với thí sinh mà cả với nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, vì số thí sinh trúng tuyển NV1 quá thấp. Vì vậy hàng loạt trường ồ ạt xin Bộ GD-ĐT cho áp dụng điều 33.

Thực chất điều 33 là nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng và các ĐH đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu cũng như phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Cho nên khi các trường áp dụng điều 33 đồng nghĩa mức điểm chuẩn tuyển sinh sẽ được hạ xuống.

“Phao” 33 cho nhiều trường

Các trường được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng điều 33 ngoài một số trường thuộc vùng Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ là các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh... Không ít trường ngoài công lập được bộ cho “phao” này như: ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), ĐH Phú Xuân (Huế), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), ĐH Tây Đô (Cần Thơ)...

Lượng tăng, chất giảm

Đến nay Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố đầy đủ danh sách các trường được áp dụng điều 33 nên mạnh trường nào trường nấy “khoe”. Thậm chí có trường không thuộc diện được sử dụng quy chế này cũng tự cho mình được quyền áp dụng...

Trường ĐH Lương Thế Vinh là một trong những trường vừa được bộ cho áp dụng điều 33. Cụ thể là mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực (KV) kế tiếp được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1 điểm đối với các ngành của trường là nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật và thú y. Thí sinh nộp hồ sơ vào ba ngành trên ở bậc ĐH có điểm ưu tiên KV tăng thêm 0,5 điểm so với quy định chung ở các KV tương ứng.

Trong thông báo xét tuyển NV2, Trường ĐH Phú Xuân cho biết “trường đã báo cáo xin ý kiến bộ” thí sinh được cộng thêm điểm ưu tiên KV và đối tượng vào điểm thi để đăng ký xét tuyển. Theo đó, điểm ưu tiên KV: thí sinh KV2 được cộng thêm 1 điểm, KV2-NT được cộng thêm 2 điểm, KV1 được cộng thêm 3 điểm; điểm ưu tiên đối tượng: nhóm đối tượng ưu tiên 1 (đối tượng 1-4) được cộng thêm 2 điểm, nhóm đối tượng ưu tiên 2 (đối tượng 5-7) được cộng thêm 1 điểm.

Những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Phạm Văn Đồng các ngành công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí và ngôn ngữ Anh (bậc ĐH) được áp dụng điểm chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng ưu tiên liên tiếp là 1 điểm và chênh lệch giữa hai KV ưu tiên liên tiếp là 1 điểm.

Trường ĐH Tiền Giang cũng thông báo điểm xét tuyển NV2 bậc ĐH, CĐ có mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai KV kế tiếp là 1 điểm. Trong khi Trường ĐH Lạc Hồng công bố tin đặc biệt: “do nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương, nhà trường được áp dụng điều 33 nên thí sinh sẽ được nhân đôi điểm ưu tiên KV”.

Khi các trường được áp dụng điều 33, một thí sinh có thể hưởng ưu tiên cộng thêm đến 5 điểm. Như thế, thí sinh chỉ cần 8 điểm để trúng tuyển vào khối A, D và 9 điểm để vào khối B, C (với những trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn). Bài toán về chỉ tiêu xem ra đã có lời giải nhưng mặt trái khi vận dụng quy chế này: lượng tăng lên nhưng chất lại giảm.

Trường quốc tế cũng có “phao 33”

Điều đáng ngạc nhiên là trong số các trường được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng điều 33 năm nay lại có một trường mang danh quốc tế. Đó là Trường ĐH quốc tế Miền Đông (EIU) - tuyển sinh năm đầu tiên đã được bộ cho áp dụng điều 33 đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương. Trong khi học phí của trường này thuộc hàng “khủng”: nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ: 20 triệu đồng/năm, điều dưỡng: 15 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo nhà trường: “Việc bộ cho phép áp dụng điều 33 là vì trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu nguồn nhân lực của các khu công nghiệp tại Bình Dương”.

Theo đó, thí sinh tại tỉnh Bình Dương được xét tuyển NV2 như sau (chưa tính điểm ưu tiên KV và đối tượng): điểm xét trúng tuyển cho khối thi A, D1: 10 điểm (KV1), 11 điểm (KV2-NT), 12 điểm (KV2) và 13 điểm cho KV còn lại. Điểm xét trúng tuyển cho khối thi B: 11 điểm (KV1), 12 điểm (KV2-NT), 13 điểm (KV2) và 14 điểm cho KV còn lại.

Như vậy, theo như thông báo của Trường EIU, nếu thí sinh tại tỉnh Bình Dương tính luôn cả điểm ưu tiên thì chỉ cần đạt 8 điểm cả ba môn thi khối A, D1 và 9 điểm cả ba môn thi khối B là có thể trúng tuyển vào trường. Rõ ràng giữa đầu vào với mục tiêu đào tạo theo chương trình tiên tiến, chất lượng cao theo mô hình quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực ngành công nghệ cao cho sự phát triển của Bình Dương liệu có hợp lý khi phải xin áp dụng điều 33 để vớt những thí sinh điểm thấp vào trường.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên