14/03/2017 15:08 GMT+7

Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma: 'Các anh mãi như cây phong ba'

 TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chỉ huy Chính trị Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83 Quân chủng Hải Quân) đã nói như thế trong buổi tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma diễn ra sáng 14-3.

Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa ngày 14-3-1988” được thả xuống biển sáng 14-3 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trời vừa sáng, tại một căn nhà dưới chân cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tấp nập người ra vào.

Họ là những anh em trong Ban liên lạc công binh Hải quân, các cựu binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ có đồng đội hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma.

Không ai hẹn ai, đã 6 năm nay “bữa giỗ Gạc Ma” được tổ chức liên tục để nhớ những người ra đi vì Tổ quốc.

Sau phút mặc niệm, ông Hoàng Văn Hoan đã ôn lại cuộc đụng độ không cân sức giữa một bên là những bộ đội công binh chỉ đi giữ đảo và một bên là đạn pháo từ đối phương.

Đó là những người đồng đội, những thuộc cấp của ông. Trong đó, có những chàng trai mới tuổi đôi mươi được ông coi như con. Họ chỉ mang cuốc xẻng và cờ Tổ quốc ra Trường Sa giữ đảo, khẳng định chủ quyền. Ông Hoan nói chậm rãi, phía dưới mắt ai cũng đỏ hoe.

Những ngọn hoa đăng được thả xuống biển để tưởng nhớ anh linh 64 chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

“64 cán bộ chiến sĩ, là anh em của chúng ta đã dũng cảm đương đầu với quân Trung Quốc. Họ đã vĩnh viễn ra đi không trở về đất mẹ với bao ước vọng tuổi thanh xuân chưa kịp thực hiện.

Các anh đã chiến đấu ngoan cường và hi sinh anh dũng để hôm nay chúng ta vẫn còn nghe thấy tiếng các anh trên những con tàu lướt sóng giữa mênh mông trùng khơi.

Để hôm nay nhìn vào di ảnh các anh, chúng ta thấy ta thấy các anh thật trẻ trung và tinh thần bất tử. Các anh hi sinh cho Tổ quốc trường tồn.

Ánh mắt các anh luôn nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta, nhắc nhở phải giữ gìn biển đảo quê hương. Các anh vẫn sống như cây phong ba trong nắng gió Trường Sa”- ông Hoan sụt sùi.

Trong những người lính công binh đi giữ đảo năm xưa có những người nay tóc đã bạc trắng. Có người vẫn còn trong quân đội, có người đã sớm ra quân nhiều năm nay. Họ cùng ngồi lại với nhau để nhắc nhớ về những anh em đồng đội đã hi sinh, để hỏi thăm những người còn sống.

Trong câu chuyện của họ luôn phảng phất những đêm thức trắng giữ đảo của ngày tháng 3-1988.

Đồng đội tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma hi sinh năm 1988 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Trần Đức Lợi, ngày trước là bộ đội Trung đoàn 83 nói: “Chúng ta ngồi lại với nhau để nhớ những đồng đội hi sinh và nhắc mình hễ còn hơi thở là còn nhớ tới những giờ phút hào hùng cùng đồng đội”.

Vừa thắp nén nhang tập thể, ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng kể dù có bận mấy, vào ngày này ông cũng tới 9 gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng để thăm hỏi. Ông nói bản thân rất vui khi những năm gần đây, ngày 14-3 được mọi người nhắc đến nhiều hơn.

“Chúng ta cần phải nhắc nhớ lịch sử nhiều hơn. Để Gạc Ma, để ngày 14-3 mãi là biểu tượng bất khuất trong việc gìn giữ biển đảo thiêng liêng”- ông Tấn nói.

Những cựu quân nhân có đồng đội hi sinh trong trận Gạc Ma thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Những cựu quân nhân có đồng đội hi sinh trong trận Gạc Ma thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Để con cháu không quên 14-3

Trong số những người tới thắp hương tưởng nhớ các anh hùng có một học sinh. Đó là cháu Trần Đức Minh, học sinh lớp 10, con trai ông Lợi.

Minh nói dù ba em không theo con đường quân ngũ nhưng những câu chuyện về 64 anh hùng hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma luôn được ba em nhắc tới mỗi dịp tháng ba.

“Năm nay em không phải học buổi sáng nên ba cho đi theo để được gặp những người đồng đội cũ của ba, để thắp hương bày tỏ lòng biết ơn với các chú, các bác đã hi sinh bảo vệ Trường Sa”- Minh nói.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên