27/04/2023 12:59 GMT+7

Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Tố cáo là quyền, nhưng tố sai có thể bị xử lý hình sự

Trong vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, bà Hằng cũng như các nghệ sĩ, cá nhân khác đã có nhiều đơn tố cáo lẫn nhau. Vậy việc này pháp luật quy định ra sao?

Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Tố cáo là quyền, nhưng tố sai có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng trong 1 buổi livestream tại Trường đua Đại Nam - Ảnh: cắt từ clip

Tố cáo là quyền của công dân

Đến nay, Công an TP.HCM đã nhận được nhiều đơn tố cáo lẫn nhau giữa bị can Nguyễn Phương Hằng và nhóm bị hại của bà Hằng.

Cụ thể, bà Hằng cùng các đồng phạm bị tố cáo vì đã xúc phạm nhiều người và bà Hằng đã bị truy tố ra tòa. Tuy nhiên, phía bà Nguyễn Phương Hằng cũng đã có tố cáo đối với các bị hại này (danh sách đến 35 người) và đến nay Công an TP.HCM đã khởi tố và bắt giam bà Đặng Thị Hàn Ni.

Ngoài ra, còn nhiều cá nhân khác nằm trong danh sách bị tố cáo và Công an TP.HCM đang xem xét.

Mới đây, bà Hàn Ni khi bị tạm giam đã có đơn tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) là đồng phạm với bà Hằng. Tất cả các đơn tố cáo đều được Công an TP.HCM tiếp nhận và xem xét xử lý.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng tố cáo là quyền của công dân. Theo đó người phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan tổ chức thì có quyền tố cáo đến người hoặc cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án bà Phương Hằng bị tố giác về hành vi vi phạm pháp luật, đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và truy tố thể hiện việc tố cáo của những người phát hiện hành vi và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong vụ án này, có nhiều người liên quan đã và đang tố cáo lẫn nhau, việc tố cáo của mỗi người là quyền công dân của họ được pháp luật quy định và bảo vệ. Tuy nhiên việc tố cáo phải có căn cứ, chứng cứ khách quan và rõ ràng, không thể tùy tiện tố cáo hành vi của chủ thể khác mà không có căn cứ.

Tố cáo không đúng có thể bị xử lý hình sự

Về trách nhiệm của người tố cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, trong trường hợp hành vi tố cáo mà không có căn cứ, gây thiệt hại đến danh dự nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì tùy theo tính chất và mức độ, người tố cáo sai có thể bị xem xét xử lý về trách nhiệm dân sự như bồi thường thiệt hại hoặc công khai xin lỗi.

Ngoài ra, nếu hành vi đó có tính chất mức độ nghiêm trọng, xác định đó là hành vi nguy hiểm thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về một tội danh độc lập, như tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc tố cáo qua lại lẫn nhau trong vụ án là chuyện bình thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các cá nhân thấy quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm thì họ có quyền làm đơn tố giác tội phạm để cơ quan tố tụng điều tra xác minh làm rõ hành vi người bị tố giác có vi phạm pháp luật hay không.

Trong trường hợp vụ án bà Phương Hằng thì họ có thể chính là bị can đồng thời có thể chính là bị hại.

Vì trong vụ án này, có người bị xúc phạm, cũng có hành vi xúc phạm người khác. Hai hành vi này độc lập nên cơ quan tố tụng sẽ xét độc lập từng hành vi một.

Bà Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam đến 5-5Bà Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam đến 5-5

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam thêm 10 ngày nữa, đến ngày 5-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên