02/03/2013 08:40 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh tại Tiền Giang: logistics là ngành gì?

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khoảng 3.500 học sinh từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đến Trường ĐH Tiền Giang sáng 2-3 để tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Tiền Giang và ĐH Tiền Giang phố hợp tổ chức.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài phát hành truyền hình Tiền Giang.

gAJv19IR.jpgPhóng to

Học sinh Tiền Giang tưng bừng tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Minh Đức

4OHEeZeC.jpgPhóng to

Nhận quà tặng từ báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Minh Đức

XtiY5yLJ.jpgPhóng to

Vừa tham gia tư vấn vừa được dùng ẩm thực miễn phí từ khoa công nghệ thực phẩm của trường ĐH Tiền Giang - Ảnh: Minh Đức

6g, đội tình nguyện viên từ các khoa của ĐH Tiền Giang đã có mặt trước cổng trường. “Đội quân áo xanh” vào vị trí, giơ cao những tấm bảng đề Trường THPT Phạm Thành Trung, THPT Mỹ Phước Tây, Lê Thanh Hiền, Vĩnh Bình, Tân Hiệp, THPT Gò Công, THPT Cái Bè… để đón thí sinh. Khi Trường THPT Huỳnh Tấn Phát đến, bạn Hứa Thị Phi Yến -sinh viên năm ba ĐH Tiền Giang - vui mừng gặp lại các thầy cô của trường mình từng theo học.

Dù là “ngày hội” của học trò nhưng Yến cũng thấy háo hức, bạn kể: “Em thấy chương trình này hay, thiết thực quá. Các bạn học sinh sẽ được tìm hiểu thực tế tại các trường ĐH, gặp gỡ sinh viên, thầy cô để đưa ra thắc mắc của mình về ngành nghề. Lúc trước, tụi mình không có được có điều kiện như thế nên giờ giúp lại cho học sinh mình rất vui”.

Chưa hết hân hoan khi được các anh chị sinh viên tình nguyện vẫy cờ chào đón, học sinh sẽ bước ngay vào một thế giới khác. Đó là một “gian hàng ẩm thực” của khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Tiền Giang bố trí. Ở đó, học sinh được ngắm, được dùng thử các món như bánh mì bơ, chả lụa, nước ép…do sinh viên trong khoa làm. Cạnh bên, khoa công nghệ sinh học thì trưng bày bể cá, trứng gà, những cây mướp non xanh mơn mởn. Ngoài ra, học sinh cũng tìm được những sản phẩm khoa học của sinh viên, giảng viên Trường ĐH Tiền Giang…

7g45, chương trình bắt đầu với hai tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của sinh viên Trường ĐH Tiền Giang.

8g00, chương trình được bắt đầu. Mở đầu chương trình, ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Trưởng Ban tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 - phát biểu: “Các bạn học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Để đồng hành cùng các bạn, nhiều năm qua chúng tôi đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Chúng tôi hi vọng sẽ mang đến cho các bạn những thông tin tư vấn sát sườn với điều kiện của từng bạn. Xin trân trọng cám ơn Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang, Trường ĐH Tiền Giang đã cùng chúng tôi tổ chức chương trình này”.

XtUNrmZT.jpgPhóng to

Ông Lê Thế Chữ, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Minh Đức

Tiếp theo, ông Trần Thanh Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, phát biểu: “Chúng tôi trân trọng cám ơn báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua đã đồng hành cùng học sinh Tiền Giang trong việc chọn ngành. Hoạt động của báo, của các thầy cô có ý nghĩa quan trong trong việc giúp học sinh chọn cho mình một ngành nghề. Qua buổi tư vấn hôm nay, thầy hi vọng các em sẽ chín chắn hơn trong lựa chọn của mình".

xbU9AWvq.jpgPhóng to

TS Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh Tiền Giang phát biểu tại chương trình - Ảnh: Minh Đức

Lưu ý khi ghi hồ sơ

Bước vào phần tư vấn, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - thông tin đến thí sinh những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết: “Những quy định của kỳ thi năm 2013 cơ bản giống như các năm trước. Tuy nhiên, với các em thi năm nay đây là vấn đề mới. Kỳ thi 2013 vẫn tổ chức theo “ba chung” (thi chung đợt, chung đề thi và dùng chung kết quả thi để xét tuyển).

Theo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi cơ bản năm trong chương trình lớp 12. Đề thi không đánh đố nhưng có phân loại theo học lực của thí sinh. Đề thi có hai phần, phần chung và phần tự chọn. Các bạn chỉ được chọn một trong hai, nếu làm cả hai phần sẽ bị phạm qui. Thời gian dự thi môn tự luận là 180 phút và trắc nghiệm là 90 phút…”.

bijU79KV.jpgPhóng to

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cung cấp những thông tinh mới nhất về kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 - Ảnh: Minh Đức

Về hồ đăng ký dự thi, ông Hùng thông tin thêm: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay các bạn đang học ở trường THPT nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường đó. Từ ngày 11-3 đến 11-4 các bạn sẽ nộp hồ sơ tại các trường THPT. Trường hợp, các bạn muốn đổi hoặc nộp thêm thì có thể nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ từ ngày 12 đến 18-4. Hồ sơ đăng ký dự thi năm nay có mới hơn một chút so với năm trước. Hồ sơ có hai phiếu số 1 và số 2. Lưu ý mục số 4 chỉ dành cho các bạn muốn thi liên thông, tức học CĐ muốn liên thông lên ĐH nhưng thời gian công tác chưa đủ 36 tháng…”.

Hãy giữ lửa đam mê

Ưu tiên cho thí sinh Tây Nam Bộ

Về băn khoăn của thí sinh trong chính sách ưu tiên dành cho thí sinh khu vực Tây Nam Bộ, TS Phan Văn Nhẫn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, giải đáp: “Trường ĐH Tiền Giang nằm trong khu vực Tây Nam Bộ, thí sinh có hộ khẩu trong khu vực này sẽ hưởng chính sách ưu tiên của Bộ GD-ĐT. Các em được ưu tiên thấp hơn một điểm so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Năm 2012, trường tuyển 123 sinh viên từ chính sách đặc thù này”.

Rất nhiều câu hỏi về ngành nghề đã được chuyển đến ban tư vấn. Mỗi người ấp ủ một ước mơ riêng, có những ước mơ "không giống ai" và ban tư vấn luôn động viên, hoan nghênh những bạn trẻ dám bày tỏ ước mơ và giữ lửa đam mê nghề nghiệp ấy khi rời trường phổ thông.

Bạn Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu băn khoăn ngành hóa học vì chưa biết sẽ học gì, làm gì. TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Học ngành này, bạn sẽ học công nghệ ứng dụng hóa học trong những ngành liên quan đến hóa học. Từ thực phẩm, dầu khí, dược phẩm, nông nghiệp…đều có liên quan đến ngành này. Do đó, cơ hội việc làm tất cả các ngành đều cao”.

Một thí sinh muốn thi ngành quản trị nhà hàng nhưng gia đình không cho vì không tìm được việc làm. Chia sẻ với bạn, Th.S Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài Chính - Marketing, nói: “Ngành nghề này có nhiều cơ hội việc làm. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều chương trình du lịch sinh thái, cần nhiều nhân lực ngành này nên bạn yên tâm về cơ hội việc làm”.

Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Côn đặt câu hỏi: “Tại sao khi nữ thi vào ngành công an không được đi bắt cướp, như vậy có bất bình đẳng với nữ hay không?”. Câu hỏi của bạn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của các khác. TS Phạm Tấn Hạ, tư vấn: “Việt Nam có chỉ số bình đẳng giới tương đối cao. Tỷ lệ nữ trong các ngành công an chiếm 10%. Theo tôi biết thì Bộ Công An cũng cân nhắc nhiều về tuyển nữ và không tuyển nữ giới trong những nghiệp vụ của ngành. Có những nghiệp vụ nam thuận lợi hơn nữ. Tuy nhiên, nếu bạn khát khao, đam mê thì bạn cũng có thể trình bày với thầy cô trong trường. Biết đâu, bạn sẽ được cống hiến cho xã hội theo đam mê của mình. Tôi mong bạn sẽ giữ được ngọn lửa ấy…”.

Bạn Nguyễn Trung Hiếu - học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - băn khoăn về hệ đào tạo y dược cho học sinh Tiền Giang. Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng (Trường ĐH Y dược TP.HCM) giải đáp: “Trong kỳ tuyển sinh năm 2012, ĐH Y dược TP.HCM có 200 chỉ tiêu hợp đồng đào tạo theo địa chỉ. Để đào tạo cho chỉ tiêu này, Sở Y tế nào có nhu cầu nhân lực y tế sẽ gởi công văn cho ĐH Y dược TP.HCM. Dựa vào cơ sở đó, trường sẽ làm việc với tỉnh. Em muốn biết thêm về vấn đề này, cần liên hệ với Sở Y tế".

Phong phú thông tin chuyên sâu ngành nghề

Sau phần tư vấn chung, học sinh tiếp tục di chuyển đến các khu vực tư vấn chuyên sâu. Tại khu tư vấn nhóm ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin…, các bạn đặt các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực dầu khí, hóa học, về việc chương trình học có khác nhau hay không khi thi hai khối của cùng một ngành.

Tiền Giang: có nhu cầu giáo viên lịch sử, địa lý

Một bạn học sinh băn khoăn về nhu cầu nhân lực sư phạm của tỉnh Tiền Giang trong thời gian sắp tới, ông Lê Duy Dân - trưởng phòng giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Tiền Giang thông tin: “Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tỉnh ít đi vì trường lớp phát triển thêm không nhiều. Em thích ngành sư phạm, nếu học tập đạt loại khá, giỏi trở lên thì cơ hội việc làm vẫn sẽ rất cao. Em lưu ý là các bộ môn xã hội như lịch sử, địa lý…, các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện có nhu cầu tuyển dụng GV khá lớn.

TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - tư vấn: “Mỗi lĩnh vực ngành nghề cần nhiều nhân lực khác nhau chứ không chỉ học trong lĩnh vực đó mới làm được. Chẳng hạn làm trong lĩnh vực dầu khí, có các công đoạn như tìm kiếm, khai thác, chế biến. Để phục vụ cho các công đoạn này, có nhiều ngành khoa học liên quan. Ví dụ để tìm kiếm dầu khí cần chuyên gia về địa chất, hạt nhân… Các bạn cũng có thể học thêm ngành hóa dầu…”.

TS Quang cũng lưu ý: “Thích ngành nào, cứ chọn ngành đó theo sở thích và đam mê của mình. Sở thích sẽ cho các em sự tìm tòi, đào sâu trong công việc nên việc làm, thu nhập cũng sẽ đến với các em".

Cũng tại khu vực tư vấn này, học sinh quan tâm nhiều đến ngành logistic vì chưa hiểu rõ về ngành này. PGS.TS Nguyễn Văn Thư, giải đáp: “Ngành này hoạt động để tính toán, phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Tại Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp hoạt động về logistic. Tuy nhiên, hiện chưa nhiều người biết về ngành này nên những năm qua thí sinh chưa dự thi nhiều vào ngành. Hiện ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã đào tạo được hai khóa. Điểm chuẩn trong hai năm vừa rồi từ khoảng 15-16 điểm”.

Ở nhóm các ngành kinh tế cũng sôi động với thắc mắc về ngành học về quản trị thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Tài chính Marketing chia sẻ: "Sản phẩm xuất khẩu của VN khá nhiều nhưng do chưa có chiến lược về thường hiệu nên thường xuất sản phẩm thô sang nước thứ 3. Chẳng hạn Việt Nam xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhất thế giới nhưng giá trị mang lại không cao. Do chúng ta chưa xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam. Muốn có giá trị cao phải xây dựng thương hiệu, quá trình sản xuất... Đây là những nội dung đào tạo của chuyên ngành quản trị thương hiệu.

Hiện trường tuyển sinh ngành marketing trong đó có hai chuyên ngành markteing tổng hợp và quản trị thương hiệu. Hai chuyên ngành này đào tạo trong thời gian 4 nắm. Cả hai chuyên ngành đều cung cấp kiến thức chung về quản lý kinh tế, quản trị, tài chính. Hai năm cuối đào tạo chuyên về markteting".

Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM tiếp lời: Nhà bạn có lúa và phải đem đi bán, thường thì bán qua thương lái. Tuy nhiên, với chuyên ngành quảng bá sản phẩm, bạn phải đặt tên cho sản phẩm của mình, và làm sao để người tiêu dùng biết đến sản phẩm đó. Hiện sản phẩm của chúng ta xuất khẩu thô là chính mà chưa xây dựng thương hiệu, lĩnh vực quản trị thương hiệu ở Việt Nam rất kém nên nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn.

Một HS khác thắc mắc học ngành kế toán ngân hàng ra có phải chỉ làm trong ngân hàng hay không? Học kiểm toán có thể làm kế toán hay không? Trường ĐH Kinh tế luật (ĐHQG TP.HCM) có học phí thấp nhất nước? Th.S Hứa Minh Tuấn giải đáp: Ngành kế toán có nhiều chuyên ngành khác nhau như kế toán doanh nghiệp, kế toán ngân hàng... Học kế toán doanh nghiệp ra có thể làm ở nhiều loại hình doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Chuyên ngành ngân hàng ra trường có thể làm ở ngân hàng hay đơn vị hành chính sự nghiệp có bộ phận giao dịch với ngân hàng. Kiểm toán là lĩnh vực chuyên sâu. Muốn làm được kiểm toán phải am tường các nghiệp vụ kế toán bởi kiểm toán là kiểm tra xem người làm kế toán có làm đúng các qui định hay không. Đối với lĩnh vực kiểm toán, đòi hỏi năng lực và am hiểu của mình phải tốt hơn người khác. Áp lực của ngành này rất cao, do đó nên suy nghĩ xem nên chọn kế toán hay kiểm toán.

Giải đáp thông tin về trường ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), Th.S Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) cho biết: Trường ĐH kinh tế luật là trường công nên học phí cũng được thu theo qui được của nhà nước. Tuy nhiên, theo lộ trình của nhà nước, mỗi năm học phí sẽ tăng khoảng 650.000đ. Do đó khái niệm thấp nhất là chưa đúng. Khi các em theo học, mức học phí của các trường có thể thay đổi theo từng năm, sinh viên học vượt hoặc sinh viên học bị rớt phải đóng tiền học lại.

Trong khi đó, tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, quân đội, luật, công an, y dược, nông lâm… tiếp tục là khu vực thu hút đông đảo nhất học sinh. Ngay từ lúc bắt đầu phần tư vấn chuyên sâu, không khí tại nhóm ngành đã khá nóng với hàng loạt câu hỏi của thí sinh đặt ra cho các thành viên ban tư vấn. Trong đó, hàng chục câu hỏi liên quan tới các ngành y dược.

Một học sinh nam đặt câu hỏi: "Bị khuyết tật ở chân, em yêu thích trường y thì nên thi ngành nào? PGS.TS Tạ Văn Trầm - hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Tiền Giang tư vấn: Ngành bác sĩ đa khoa đào tạo bác sĩ khám chữa bệnh. Em có khuyết tật ở chân thì khó làm tốt công việc hằng ngày của mình. Tuy nhiên nếu em thật sự yêu thích ngành học này và có năng lực thì vẫn còn khá nhiều ngành học khác trong trường y phù hợp với sức khỏe của em.

Một học sinh khác thắc mắc: “Khoa kỹ thuật hình ảnh Trường ĐH Y dược TP.HCM học những vấn đề gì?” Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng giải đáp: Có hai hệ đào tạo ĐH (học 4 năm) và TCCN (học 2 năm). Em muốn học ngành này phải dự thi khối B. Nếu không trúng tuyển bậc ĐH nhưng vẫn yêu thích ngành này thì có thể sử dụng kết quả hai môn Toán và Sinh để xét tuyển xuống bậc TCCN. Công việc sau này là thực hiện những kỹ thuật thông thường như chụp X Quang, CT… hỗ trợ công tác khám chữa bệnh.

Điều dưỡng bậc TCCN đang thừa; đại học còn khá lớn

PGS.TS Tạ Văn Trầm cung cấp thêm thông tin, hiện nhà trường có đào tạo bậc CĐ ngành điều dưỡng và CĐ hộ sinh. Trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển điểm thi khối B. Riêng ngành CĐ hộ sinh chỉ sẽ tuyển nữ. Tất cả các ngành y của trường đều có đào tạo liên thông.

Một số thí sinh quan tâm tới ngành điều dưỡng đã đặt câu hỏi ngành này đào tạo kiến thức gì. Học ngành này ra làm việc ở đâu. Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng tư vấn: Ngành điều dưỡng đào tạo các cán bộ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Học ngành này ra trường làm việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Ngành điều dưỡng có các hệ trung cấp, cử nhân. Hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này bậc TCCN đang thừa nhân lực do có quá nhiều trường đào tạo. Tuy nhiên ở bậc ĐH nhu cầu nhân lực điều dưỡng vẫn còn khá lớn.

"Em có học lực khá, yêu thích công việc năng động. Qua tìm hiểu em thích ngành quan hệ công chúng nhưng hiện có ít trường đào tạo, điều kiện kinh tế không cho phép em học trường tư thục. Vậy có thể theo học trường nào, có thể theo học ngành văn hóa học không?". TS Phạm Tấn Hạ khuyến khích và chia sẻ: "Câu hỏi này chứng tỏ bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành mình thích. Bạn nên chọn ngành báo chí truyền thông hoặc quan hệ quốc tế sẽ phù hợp hơn với mong muốn làm quan hệ công chúng. Ngành văn hóa học có hai hướng văn hóa Việt Nam và văn hóa nước ngoài. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng đã chọn hướng làm về văn hóa hoặc truyền thông. Ngành này điểm chuẩn không cao, dao động từ 15-16".

"Điểm chuẩn ngành quản trị nhà hàng khách sạn năm rồi khá cao, năm nay điểm chuẩn như thế nào? Cơ hội việc làm ra sao? Em có thể làm giảng viên của trường hay không?". Với thắc mắc này, Th.S Hứa Minh Tuấn chia sẻ: "Trước khi thi, không ai biết điểm chuẩn của ngành đó bao nhiêu. Điểm chuẩn phụ thuộc vào đề thi, chỉ tiêu của ngành và chất lượng bài thi của thí sinh. Nếu muốn làm trợ giảng, tiêu chuẩn hơi khó hơn. Hàng năm trường có tuyển dụng đội ngũ giảng viên, tiêu chuẩn có thể tuyển người tốt nghiệp ĐH loại khá, có bằng B tin học, B Anh văn nhưng cũng có những ngành chỉ tuyển người có bằng thạc sĩ trở lên".

Một thí sinh băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành dệt may tại tỉnh Tiền Giang, Th.S Nguyễn Hoàng Phương - phó trưởng khoa kỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tiền Giang - thông tin: “Ở Tiền Giang có khoảng 20 công ty may lớn nhỏ, sau khi ra trường các bạn sẽ làm việc tại các công ty may với những chức danh như chuyền trường, cán bộ kiểm tra sản phẩm (KCS)…”

10g30, ban tư vấn tại các nhóm ngành quyết định ngưng lại phần chính thức. Sau đó, học sinh có thể gặp trực tiếp từng thành viên để được giải tỏa băn khoăn của mình về ngành nghề. Rất đông thí sinh nán lại tìm hiểu thêm thông tin các trường địa phương, các ngành nhóm xã hội.

Chia tay HS tỉnh Tiền Giang, ban tư vấn chương trình tiếp tục hành trình về với HS miền Tây Nam Bộ, chuẩn bị chương trình Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại trường ĐH Cần Thơ từ 7g30 đến 17g ngày mai 3-3-2013.

Ban tư vấn gồm

* Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử...

- PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.- TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).- TS Phạm Châu Long, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Tiền Giang.

* Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh...

- TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing.- Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM.- TS Phan Văn Nhẫn, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành Trường ĐH Tiền Giang.

* Nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược, nông lâm...

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).- Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM.- PGS.TS Tạ Văn Trầm, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Tiền Giang.- Ông Lê Duy Dân, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Tiền Giang.

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên