06/01/2015 10:30 GMT+7

​Từ rao bán đến lấy “phụ” nuôi “chính”

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ

TT - Không chỉ các địa phương mà ngay tại hai trung tâm đào tạo lớn của cả nước là TP.HCM và Hà Nội, nhiều trường nghề, trường trung cấp cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều trường phải bù lỗ triền miên, bán trường, mở trung tâm đào tạo lái xe để “lấy ngắn nuôi dài”.

Quá khó khăn, Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng phải cho thuê bớt cơ sở để trang trải chi phí - Ảnh: N.Hùng

Đang hoạt động rất tốt, đùng một cái Bộ GD-ĐT ban hành quy định liên thông mới khiến các trường trung cấp ngay lập tức rơi vào cảnh bi đát như hiện nay.

Ngoài chính sách, việc các trường ĐH mở ra quá nhiều với chỉ tiêu lớn, việc vào ĐH khá dễ dàng nên không còn mấy ai mặn mà học trung cấp nữa

Ông ĐỖ HỮU KHOA 
(hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, 
chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp TP.HCM
)

Sáng thứ hai đầu tuần nhưng Trường trung cấp Kinh tế - du lịch TP.HCM vắng tanh. Tòa nhà bảy tầng của trường khá yên ắng. Dưới sảnh chỉ có một bảo vệ, các phòng học đóng cửa im lìm. Tương tự, tại Trường trung cấp nghề Khôi Việt, sáng thứ hai chỉ có một lớp học, các phòng học trên lầu đều đóng cửa.

Trường này mới được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác sau nhiều năm tuyển sinh bết bát, chỉ vài chục học sinh/năm. Cán bộ phòng đào tạo cho biết năm 2014 trường tuyển được 300 học sinh nghề dài hạn. Các phòng học trên lầu đóng cửa do chỉ sử dụng phòng học ở tầng trệt.

Cho thuê, rao bán trường

Không có ngành sức khỏe khó tuyển sinh

Hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM thẳng thắn nói: “Trường nào không có khối ngành sức khỏe thì sẽ chết. Các ngành kinh tế và kỹ thuật giờ đâu còn người học nữa, thậm chí khối ngành du lịch cũng gặp rất nhiều khó khăn, không còn hút học sinh như trước. Hiện nay nhiều trường tìm cách liên kết đào tạo ĐH từ xa hay vừa làm vừa học để tồn tại, chỉ dựa vào trung cấp thì không thể nào tồn tại được, thu không đủ chi”.

Ông Bùi Hồng Điệp, hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - du lịch TP.HCM, cho biết năm 2014 chỉ tuyển được 150 học sinh. Tòa nhà của trường đến 7 tầng nhưng lượng học sinh khá ít nên đã cho Trường THPT Khai Trí thuê hai tầng dưới để san sẻ chi phí thuê nhà.

Hai năm nay thu học phí không đủ chi và phải bù lỗ. Cũng trong năm 2014, trường đã rao bán trong bối cảnh tình hình tuyển sinh quá bi đát.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng - cũng cho hay việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay trường phải phân bổ chỉ tiêu về các quận, huyện trong thành phố để tuyển sinh và đào tạo tại chỗ. Dạy ở đâu, ngoài việc điều giảng viên, trường phải mang trang thiết bị thực hành theo cho học viên thực tập. Một phần cơ sở vật chất tại cơ sở chính đã cho Trường THPT Trần Cao Vân thuê lại.

“Phải làm vậy mới sống được chứ tình hình hiện nay rất khó khăn. Phần lớn chỉ tiêu trường đào tạo ở nơi khác, nên cơ sở chính thừa phòng học và trường cho thuê bớt để trang trải chi phí” - bà Yến nói thêm.

Cũng trong tình cảnh này, mỗi năm Trường trung cấp Mai Linh chỉ tuyển được vài chục học sinh và đã rao bán từ nhiều năm nay. Đã có một trường ĐH đặt cọc 100 triệu đồng để mua trường nhưng đến nay việc bán trường vẫn chưa thực hiện do không có sự xúc tiến từ trường ĐH. Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp khác tại TP.HCM cũng cho biết hai năm 2013 và 2014 tình hình tuyển sinh rất bết bát. Nhiều trường chỉ tuyển được chưa tới 100 học sinh, thậm chí có trường không tuyển được học sinh nào. Không ít trường đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.

Lấy ngắn nuôi dài

Trường trung cấp kinh tế công nghệ Gia Định được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mua lại cách đây ba năm. Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường cho biết trong năm 2014, trường không tuyển được học sinh nào. Trong khi đó, năm 2014 Trường CĐ nghề Trần Đại Nghĩa (Hậu Giang) được chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới. Trường này sau đó được đổi tên thành Trường CĐ nghề Công nghệ Sài Gòn và dời đại bản doanh về TP Cần Thơ, mở cơ sở tại TP.HCM.

Tuy nhiên, năm 2014 trường chỉ tuyển được 100 sinh viên tại Cần Thơ, trong khi cơ sở TP.HCM không tuyển được sinh viên nào.

Theo ông Nguyễn Văn Thực - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ và nông lâm Phú Thọ, tuyển sinh tụt dốc, người học sụt giảm là nỗi khó khăn chung của các trường nghề, nhưng Trường CĐ nghề Công nghệ và nông lâm Phú Thọ còn khó khăn hơn khi đào tạo chuyên sâu những ngành vốn rất khó tuyển thuộc khối nông nghiệp.

“Tâm lý phổ biến của người học là muốn học để thoát khỏi nghiệp nhà nông vất vả, cuối cùng học xong vẫn phải làm nông nghiệp nên tất yếu các em không mặn mà”- ông Thực nói.

Thực tế vài năm trước, khi ngành kế toán doanh nghiệp hấp dẫn thí sinh, lượng tuyển đầu vào rất dồi dào. Tuy nhiên, khi nhân lực ngành kế toán - tài chính bão hòa thì thậm chí năm 2014, trường không tuyển nổi sinh viên nào theo học ngành này.

Tại Trường CĐ nghề Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, các ngành như xây dựng, hoàn thiện công trình thủy lợi, xử lý nước thải công nghiệp... thậm chí chỉ tuyển chưa đến 10 sinh viên/ngành/năm nhưng vẫn phải cố duy trì đào tạo.

Tình hình tuyển sinh khó khăn không chỉ xảy ra ở những ngành nghề đào tạo đã bão hòa, cơ hội việc làm trở nên khan hiếm, mà còn bộc lộ ở ngay những ngành vốn cơ hội việc làm tương đối dồi dào.

Ông Lưu Văn Minh - phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Than - khoáng sản VN (mới được sáp nhập từ ba trường CĐ mỏ Hồng Cẩm, Hữu Nghị, Việt Bắc từ năm 2015) - cho biết các trường đào tạo nghề mỏ dù đầu ra 100% có việc làm, nhưng tình hình tuyển sinh những năm gần đây cũng vô cùng chật vật. Năm 2014, trường tuyển sinh được 3.500 chỉ tiêu nhưng chỉ đạt 60% chỉ tiêu.

Trong cơn khủng hoảng tuyển sinh CĐ nghề, các trường đã lấy ngành phụ để hỗ trợ ngành chính. Nhiều trường CĐ nghề đã nhanh nhạy mở các trung tâm sát hạch lái xe để tăng nguồn thu, bù đắp chi phí cho những ngành khó tuyển và ổn định tài chính chung cho nhà trường.

Tại Trường CĐ nghề Công nghệ và nông lâm Phú Thọ, dù số chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ năm 2014 chỉ đạt khoảng 100, nhưng chỉ tiêu đào tạo sơ cấp nghề lái xe cho người có nhu cầu lên đến 1.000 học viên/năm. Theo ông Nguyễn Văn Thực, doanh thu từ việc đào tạo ngắn hạn này đem lại cho nhà trường khoảng 5 tỉ đồng/năm.

Ông Lưu Văn Minh cho biết trường luôn duy trì công suất đào tạo tối đa sơ cấp nghề lái xe với khoảng 1.700 học viên và mỗi năm có 4 đợt tuyển sinh, đào tạo, nghĩa là có khoảng 6.800 người học/năm.

“Nguồn thu từ đào tạo sơ cấp lái xe này được tự hạch toán riêng. Riêng doanh thu từ đào tạo lái xe ở trường đạt khoảng 35 tỉ đồng/năm”- ông Minh nói.

Chờ học sinh... bỏ thi tốt nghiệp THPT

Tuyển sinh khó khăn đã đẩy nhiều trường vào trạng thái hoạt động cầm chừng. Nhiều trường lại hi vọng vào cách thức thi THPT quốc gia theo cụm sẽ tăng thêm nguồn tuyển CĐ nghề theo một cách... bất đắc dĩ.

Ông Trịnh Tiến Thanh - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Yên Bái - cho rằng với việc tổ chức thi theo cụm thì với những vùng miền núi đi lại khó khăn, người học sẽ bớt tha thiết với việc vào ĐH hơn.

“Ở Yên Bái, nhiều nơi như Mù Cang Chải muốn về thành phố để thi theo cụm - dù là cụm riêng cho tỉnh - cũng phải đi đến 180km. Đường dài lại khó đi, nên dự báo có thể nhiều em sẽ bỏ thi. Đó lại là nguồn tuyển của trường nghề như chúng tôi”- ông Thanh phân tích.

 

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên