04/08/2018 13:42 GMT+7

Trường danh tiếng Nhật gian lận điểm thi

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Báo chí Nhật vừa phanh phui vụ bê bối hạ điểm thi để giảm số nữ sinh viên vào học tại một trong những trường đại học y danh giá nhất nước này: Đại học Y khoa Tokyo.

Trường danh tiếng Nhật gian lận điểm thi - Ảnh 1.

Trường ĐH Y khoa Tokyi bị cáo buộc gian lận điểm thi để giảm số nữ sinh viên trúng tuyển vào trường - Ảnh: Kyodo News/AP

Vụ việc lộ ra khi các nhà chức trách điều tra một bê bối khác, liên quan đến việc một cựu giám đốc ĐH Y khoa Tokyo nâng điểm cho con trai của một quan chức thuộc Bộ Giáo dục để nam sinh này đủ điểm vào trường.

Diễn ra trong thời gian dài

Lãnh đạo ĐH Y khoa Tokyo cho biết họ rất ngạc nhiên khi đọc bài báo của tờ Yomiuri, và không hay biết về bê bối đang diễn ra ở trường, cũng như hứa sẽ xem xét vấn đề này.

"Sau khi báo ra, ngay lập tức chúng tôi đã yêu cầu điều tra nội bộ" - người phát ngôn Fumio Azuma của trường nói với AFP ngày 2-8. Ông Azuma cũng hi vọng có thể thông báo kết quả điều tra vào cuối tháng này.

Nhật báo Yomiuri Shimbun dẫn nguồn tin giấu tên cho biết trường đại học trên đã thao túng kết quả thi tuyển sinh của các thí sinh nữ kể từ năm 2011, để giữ số lượng nữ sinh viên nhập học vào trường luôn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% ở mỗi lớp.

Trong kỳ thi năm 2018, có 1.596 thí sinh nam và 1.018 thí sinh nữ thi tuyển vào ĐH Y Tokyo. Tỉ lệ nữ sinh đỗ vào trường sau đợt kiểm tra đầu tiên là 14,5% (148 người) so với 18,9% hay 303 nam sinh. Ở vòng thi cuối cùng, chỉ có 30 nữ sinh được chọn vào học (2,9%) so với 141 nam sinh (8,8%).

Theo quy định của kỳ thi, ở vòng một các thí sinh làm bài kiểm tra môn khoa học, tiếng Anh và toán với tổng điểm là 400. Những ai đỗ đợt này sẽ phải làm một bài luận ngắn với điểm tối đa là 100 trước, rồi tới vòng cuối cùng là phỏng vấn.

Văn phòng công tố Tokyo, đang điều tra ĐH Y khoa Tokyo, cũng tuyên bố ngôi trường tư nhân này đã có hành vi sai phạm khi nâng điểm và nhận con một quan chức Bộ Giáo dục vào học.

Phân biệt đối xử

Nhiều nữ sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với sự kỳ thị trong việc tuyển dụng và trả lương. Nhìn chung phụ nữ Nhật có trình độ học vấn cao, nhưng giờ làm việc kéo dài và đầy áp lực của nước này đã buộc nhiều phụ nữ phải nghỉ làm khi bắt đầu có gia đình.

"Phụ nữ, trong đó có nhiều bác sĩ, thường nghỉ việc sau khi kết hôn và có con. Nhiều người cùng chung quan điểm rằng nam giới phù hợp với nghề bác sĩ hơn do đặc thù công việc đòi hỏi phải thường xuyên trực cấp cứu và ca làm việc kéo dài" - một nguồn tin bảo vệ quan điểm hạ điểm để tuyển nam sinh nhiều hơn nữ sinh vào ĐH Y khoa Tokyo nói với tờ Yomiuri.

Người đứng đầu Hiệp hội Nữ y khoa Nhật Yoshiko Maeda bày tỏ thái độ kinh ngạc về việc trường học này đã tước quyền được trở thành bác sĩ của phụ nữ Nhật. "Thay vì lo lắng việc phụ nữ nghỉ việc, họ nên tạo môi trường để phụ nữ có thể tiếp tục làm việc" - bà Maeda chia sẻ.

Theo các nhà quan sát, tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển sinh không chỉ diễn ra ở ĐH Y khoa Tokyo, mà còn phổ biến ở nhiều trường y của Nhật.

Mâu thuẫn

Theo báo Yomiuri, Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố phải tạo ra một xã hội với ưu tiên "phụ nữ có thể tỏa sáng". Tuy nhiên, phụ nữ Nhật Bản hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công ăn việc làm, đặc biệt là những bất lợi lúc trở lại làm việc sau khi sinh, bất chấp một thực tế là xứ sở mặt trời mọc đang có tỉ lệ sinh thấp đáng báo động.

Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Đến lượt Hòa Bình! Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Đến lượt Hòa Bình!

TTO - Sau sự việc động trời ở Hà Giang, Sơn La khi hàng trăm bài thi bị tẩy xóa, sửa điểm, lại có những bất thường khác trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đang được làm rõ ở Hòa Bình.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên