03/08/2018 13:44 GMT+7

Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Đến lượt Hòa Bình!

T.HOÀNG - N.HÀ - V.HÀ
T.HOÀNG - N.HÀ - V.HÀ

TTO - Sau sự việc động trời ở Hà Giang, Sơn La khi hàng trăm bài thi bị tẩy xóa, sửa điểm, lại có những bất thường khác trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đang được làm rõ ở Hòa Bình.

Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Đến lượt Hòa Bình! - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh (bên trái), cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, trao đổi với cán bộ tổ chấm trắc nghiệm tại Hòa Bình vào ngày 3-7 - Ảnh: VĨNH HÀ

Ngày 2-8, đại tá Phạm Hồng Tuyến - giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình - cho biết công an tỉnh đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra dấu hiệu bất thường trong chấm điểm kỳ thi THPT năm 2018 tại địa phương này.

Điều tra bất thường của 5 cán bộ chấm thi

Theo lời ông Tuyến, hiện công an chưa khởi tố vụ án, đang trong quá trình xác minh. Được biết, một tổ công tác của Bộ Công an đã lên Hòa Bình từ ngày 28-7 phối hợp hướng dẫn công an tỉnh điều tra và đến nay vẫn chưa kết thúc.

Ngày 2-8, ông Nguyễn Đức Lương - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình - đã có buổi trao đổi với báo chí về những diễn biến bất ngờ xung quanh việc rà soát công tác tổ chức kỳ thi THPT 2018. 

Theo ông Lương, mặc dù đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định từ ngày 21-7, tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của bộ, sở đã rà soát lại lần nữa khâu coi thi, chấm thi và phát hiện "có vấn đề" nên lập tức báo cáo cấp trên. "Hiện Công an Hòa Bình đã vào cuộc xác minh, chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan công an" - ông Lương nói.

Ông Lương cho biết sự bất thường nằm ở khâu chấm các bài thi trắc nghiệm. Tổ chấm thi trắc nghiệm gồm 5 thành viên: ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng (tổ trưởng), ông Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, ông Đỗ Mạnh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Lạc Thủy, và hai thành viên khác.

"Cơ quan điều tra đang làm việc với những người này, liên quan đến ai thì xác minh người đấy. Vấn đề được phát hiện từ ngày 28-7. Sau khi rà soát, chúng tôi thấy có sự không logic trong thời gian chấm trắc nghiệm và máy tính sử dụng để chấm" - ông Lương nói.

Khi báo chí đặt nhiều câu hỏi để làm rõ chuyện Sở GD-ĐT Hòa Bình phát hiện ra sao, cụ thể là gì, ông Lương nói không nắm rõ và lý giải: "Tôi chỉ thấy có sự việc cần báo cáo vì hôm đó tôi đi làm về thì mọi người có ý kiến như vậy".

Tuổi Trẻ đặt câu hỏi "vấn đề" mà sở phát hiện có giống như sai phạm tại Hà Giang, Sơn La? Ông Lương lại trả lời chung chung: "Hiện chưa có thông tin gì cả vì phải chờ xác minh. Tôi chỉ nắm được là có bất thường chứ không nắm được cụ thể".

Về thông tin sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định, đã có đơn tố cáo liên quan đến kỳ thi nên sở mới rà soát và công an vào cuộc, ông Lương cho biết không nhận được đơn tố cáo nào mà do sở chủ động rà soát và báo cáo.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong suốt buổi chiều 2-8, cả 3 thành viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm là ông Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn đều không đến nhiệm sở. Điện thoại di động của cả ba ông này cũng tắt máy.

Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia: Đến lượt Hòa Bình! - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Lương, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, trao đổi với báo chí chiều 2-8 - Ảnh: THÂN HOÀNG

Từng có ba đoàn của bộ đến kiểm tra

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi rộ lên nghi vấn điểm thi ở Hòa Bình vào ngày 19-7, ông Bùi Trọng Đắc - giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình - từng nói có đến ba đoàn kiểm tra của bộ đã đến Hòa Bình trước khi kỳ thi diễn ra, khi kỳ thi đang diễn ra và trong khi chấm thi. Trong đó có đoàn do thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh dẫn đầu.

Tại buổi kiểm tra vào tháng 5-2018, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã "đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Hòa Bình". Tiếp đến vào ngày 3-7, Bộ GD-ĐT cũng chọn Hòa Bình để đến kiểm tra về chấm thi.

Đoàn kiểm tra này do ông Mai Văn Trinh dẫn đầu. Sau khi nghe báo cáo của địa phương, ông Trinh và đoàn kiểm tra đã trực tiếp đến quan sát, trao đổi với các tổ trưởng, giám thị tại khu vực chấm thi tự luận môn ngữ văn; trao đổi và kiểm tra quy trình bàn giao bài thi, làm phách và khu vực chấm thi trắc nghiệm.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ tại đợt kiểm tra này, khu vực chấm thi trắc nghiệm và làm phách được bố trí ở một tầng của khách sạn. Cầu thang được ngăn bằng cửa tự tạo có khóa và có cán bộ an ninh gác ở cả vòng ngoài và bên trong. Khu vực làm phách đối với bài thi tự luận được cách ly.

Chia sẻ với báo chí ngay trong buổi đi kiểm tra chấm thi ngày 3-7 tại Hòa Bình, ông Trinh khẳng định việc làm phách được thực hiện theo đúng nguyên tắc "bảo mật và cách ly tổ làm phách như cách ly của các thành viên ban ra đề thi".

Sau này, khi nhắc lại việc các đoàn kiểm tra có mặt lãnh đạo bộ đã đến kiểm tra tại Hòa Bình và những lời nhận xét "có cánh", ông Bùi Trọng Đắc cũng nói đại ý là Hòa Bình đã làm nghiêm túc, những vấn đề cần rút kinh nghiệm cũng đã thực hiện triệt để!?

Có sự can thiệp để nâng điểm

Khác với kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình đã được Bộ GD-ĐT công bố, ngày 2-8 ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GD-ĐT đã tổ chức chấm thẩm định trong đó có tỉnh Hòa Bình. Qua đó, phát hiện dấu hiệu bất thường về kết quả thi nên đã báo cáo bộ trưởng Bộ GD-ĐT và ban chỉ đạo kỳ thi.

Ngày 24-7, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an điều tra làm rõ sự việc. Bước đầu Bộ Công an xác định có dấu hiệu can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi điểm số, cụ thể là tăng điểm thi.

Đưa vào quy trình chấm thẩm định thông thường

Đáng chú ý, khi chuyện lùm xùm về gian lận điểm thi ở một số địa phương nổ ra, dư luận cũng chờ đợi Bộ GD-ĐT tiếp tục thành lập một tổ kiểm tra tại Hòa Bình nhưng việc này đã không xảy ra.

Cùng với việc yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành tự rà soát các khâu của kỳ thi và kết quả thi, ngày 21-7, Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã quyết định chọn ba tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng và Hòa Bình để chấm thẩm định.

Theo giải thích của ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cũng theo ông Nghĩa, có thể chấm toàn bộ các bài thi của một môn bất kỳ hoặc một số môn, hoặc chấm một số bài thi trong một số môn. Phạm vi chấm là do hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế.

Với giải thích trên thì việc chấm thẩm định tại Hòa Bình nằm trong quy trình thông thường hằng năm chứ không phải việc kiểm tra dấu hiệu bất thường như tại Hà Giang, Lạng Sơn và Sơn La. Do vậy, dư luận hiểu rằng Bộ GD-ĐT không xem Hòa Bình là địa phương có dấu hiệu bất thường ở mức phải thành lập tổ công tác để kiểm tra toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi, trong đó có chấm thi.

Đáng nói, ngày 23-7, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình cho thấy 100% bài thi trùng khớp giữa kết quả chấm thẩm định và chấm lần đầu. Quy trình chấm thi đã thực hiện đúng theo quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT...

Kết luận này khiến dư luận thất vọng hơn là vui mừng. Một phần vì những phân tích từ dữ liệu điểm số của tỉnh này có rất nhiều điểm đáng ngờ. Nhưng phần chủ yếu là nhìn vào cách xử lý khác biệt của Bộ GD-ĐT với Hòa Bình, không giống như với các tỉnh trước đó.

Điểm thi của Hòa Bình vượt Hà Nội, TP.HCM...

Theo phân tích từ dữ liệu điểm thi, Hòa Bình là một trong những tỉnh có điểm cao bất thường. Cụ thể, số thí sinh đạt điểm toán từ 9 trở lên là 27 em, tỉ lệ cao hơn Hà Nội, TP.HCM, Nam Định và tỉ lệ này trên cả nước.

Tương tự, môn hóa học có 14 thí sinh đạt điểm 9 trong số 2.394, đạt 0,58%, vượt Hà Nội, TP.HCM, Nam Định. Hòa Bình có 2.400 thí sinh thi vật lý nhưng có 21 thí sinh đạt điểm 9, chiếm 0,88%, cao hơn Hà Nội, TP.HCM, Nam Định.

Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em.

"Tỉnh không ngờ"

Ngày 2-8, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc UBND tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo thi đã nắm được tình hình cụ thể đến đâu, ông Bùi Văn Cửu - phó chủ tịch UBND tỉnh - nói: "Chưa biết sai phạm đến mức độ nào, chỉ biết là có vì công an tỉnh đang làm".

* Vậy lãnh đạo tỉnh nắm được thông tin về điểm thi bất thường của địa phương từ khi nào, thưa ông?

- Lúc đầu tỉnh cũng nắm được thông tin đó. Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với chúng tôi trước khi Bộ GD-ĐT về chấm thẩm định. Rồi giám đốc Sở GD-ĐT và trưởng phòng khảo thí đã về Bộ GD-ĐT báo cáo. Sau đó, bộ đưa đoàn chấm thẩm định về. Chấm xong bộ có kết luận nói rằng điểm thi của tỉnh không có sai lệch gì so với công bố.

* Vậy khi nào tỉnh phát hiện?

- Dù đoàn chấm thẩm định của bộ không phát hiện vấn đề gì, nhưng khi tiếp tục thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng, tỉnh tự rà soát, thẩm định mới phát hiện có những cái chưa chặt chẽ, hơi bất thường nên UBND tỉnh đã giao công an điều tra.

Theo tôi, với kỳ thi năm nay, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo rất kỹ từng khâu, từng việc và rất tự tin nhưng không ngờ lại xảy ra việc như thế.

* Sau gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La bị phanh phui, thì đến lượt Hòa Bình bị nhắc tên, vậy tinh thần chỉ đạo của tỉnh ra sao, thưa ông?

- Nếu có sai thì đương nhiên sẽ chỉnh và xử lý nghiêm. Chúng tôi thấy rất buồn vì không lường hết được việc xảy ra những sự cố thế này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia?

TTO - Trong chương trình thời sự 19h tối 24-7 trên VTV1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc trao đổi về những vụ tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

T.HOÀNG - N.HÀ - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên