02/07/2023 10:32 GMT+7

'Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi vẽ cái gì vậy?'

Nhận học bổng du học Đức và tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Berlin năm 1993, về nước năm 1997, họa sĩ Trần Hải Minh được xem là người tiên phong đưa phong cách hội họa Biểu hiện trừu tượng về Việt Nam.

Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi vẽ cái gì vậy? - Ảnh 1.

Công chúng thưởng lãm các tác phẩm trên chất liệu giấy chuối của họa sĩ Trần Hải Minh - Ảnh: HUỲNH VY

Hơn 60 tác phẩm Biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) của ông vừa được ra mắt công chúng nhân triển lãm cá nhân lần thứ ba chủ đề ‘Trần Hải Minh - Ý niệm và Biểu hiện’, đang trưng bày đến ngày 9-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Những tác phẩm mang kịch tính thị giác mạnh mẽ

Bất chấp trời mưa, buổi khai mạc diễn ra ấm cúng với sự góp mặt của nhiều bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo khán giả đến thưởng lãm. Việc có gần một nửa số tác phẩm được gắn "chấm đỏ" ngay ngày đầu tiên cũng thể hiện sức hút của họa sĩ Trần Hải Minh.

Tác phẩm của ông được ví như những bản giao hưởng hàm chứa đa cung bậc ý nghĩa và cảm xúc với nhiều lớp màu chồng chất, ẩn hiện. 

Mỗi bức tranh đều gợi mở chiều sâu không gian và kịch tính thị giác mạnh mẽ, cuốn hút người xem bước vào khám phá điều ẩn chứa bên trong bằng chính trải nghiệm và cảm nhận của riêng họ.

Những sắc màu mãnh liệt bày trên tranh khổ lớn cũng bộc lộ nội tâm phong phú và cá tính mạnh của một nghệ sĩ không ngừng say mê theo đuổi thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi vẽ cái gì vậy? - Ảnh 2.

Tranh của họa sĩ Trần Hải Minh cuốn hút người xem với những sắc màu mãnh liệt - Ảnh: HUỲNH VY

"Tôi may mắn được học mỹ thuật từ nhỏ và nhận học bổng du học ở Đức năm 1987. Khi mới sang, tôi có dịp được xem triển lãm các tác phẩm về chủ nghĩa hậu hiện đại của những họa sĩ hàng đầu từ Tây Đức mang sang Đông Đức. Ấn tượng đó vẫn in sâu trong tâm khảm và từ lúc đó, tôi đã tâm niệm đây là con đường mình phải theo đuổi.

Thời điểm đó, trường phái này còn quá mới ở Đông Đức. Tôi phải xin thầy cho mượn căn phòng 20 mét vuông để tự học, tự vẽ suốt cả năm trời trong bí mật. Đến năm 1990, khi Đức thống nhất, tranh biểu hiện trừu tượng mới được công khai theo đuổi và ngay lập tức được chú ý. 

Đến năm 1997, tôi về Việt Nam và làm việc đến hiện tại" - họa sĩ Trần Hải Minh bộc bạch về cơ duyên đặc biệt đã gắn bó cả đời ông với trừu tượng.

Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi vẽ cái gì vậy? - Ảnh 3.

Họa sĩ Trần Hải Minh bên tác phẩm "Nắng" tại triển lãm "Ý niệm và Biểu hiện" - Ảnh: HUỲNH VY

Một nghệ sĩ hiện đại với tinh thần tiên phong

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, Trần Hải Minh là một nghệ sĩ hiện đại với tinh thần tiên phong, có quan niệm khác về đối tượng nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ và trạng thái sáng tác không ngừng đổi mới.

Ông đã trải qua giai đoạn Biểu hiện chủ nghĩa (Expressionism) với hình thức trừu tượng hóa (giản lược hóa, đơn giản hóa) cuối những năm 1990, được đón nhận như một cá tính nghệ thuật mạnh mẽ.

Từ đầu những năm 2000, Trần Hải Minh bước hẳn sang lãnh giới của nghệ thuật trừu tượng (Abstract art) và thành công với những tác phẩm mang tinh thần hậu hiện đại, phá vỡ các chuẩn mực về thể loại và phong cách.

Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi vẽ cái gì vậy? - Ảnh 4.

Mỗi tác phẩm của Trần Hải Minh đều là một "tâm cảnh" sống động - Ảnh: HUỲNH VY

Từ năm 2021 đến nay, Trần Hải Minh là một họa sĩ biểu hiện trừu tượng luôn dồn hết sức lực vào từng khoảnh khắc sáng tạo. Mỗi tranh mới của ông đều là một “tâm cảnh” - một loại phong cảnh tinh thần đầy xao động và biến động, với bút pháp mạnh mẽ, lưu loát và biến ảo hiếm thấy…

“Trước tranh, số đông người Việt đến giờ vẫn hay hỏi “vẽ cái gì vậy?”, hay “ý nghĩa của tranh là gì?”. Để tiếp cận nghệ thuật hiện đại, người xem có lẽ nên dần làm quen với sự thực. 

Nói như Archibald Macleish: “Bài thơ không nên có nghĩa, nó chỉ hiện hữu”, hay nói như Frank Stella: “Những gì anh thấy là những gì anh thấy"...

Tranh biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh là những thực tại tinh thần của “một nhân loại cụ thể”. Để thấu cảm, người ta cần phải mở lòng, mà trước hết cần giải trừ các thành kiến, định kiến về nghệ thuật thường vốn mai phục nơi mình...!” - ông Nguyên Hưng chia sẻ.

Cơn sốt 'toàn nhập' trong phòng triển lãmCơn sốt "toàn nhập" trong phòng triển lãm

TTCT - Công nghệ đã và đang đẩy trải nghiệm nghệ thuật "toàn nhập" - người thưởng lãm đắm chìm vào tác phẩm - lên một tầng nấc mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên