14/10/2014 08:11 GMT+7

​Trung Quốc và ảo ảnh nền kinh tế lớn

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Phải mất nhiều năm nữa cùng nhiều điều kiện thần kỳ, Trung Quốc mới có thể được xem là nền kinh tế hàng đầu.

Cải cách kinh tế tại Trung Quốc như hoa bồ công anh mọc trên bãi mìn
Chuyên gia về Trung Quốc và châu Á Gordon G.Chang so sánh mong muốn cải cách kinh tế với xung đột lợi ích tại Trung Quốc (tạp chí Forbes, 12-10)

Tuần qua xuất hiện thông tin đáng chú ý rằng GDP Trung Quốc tính theo sức mua tương đương đã giành vị trí số 1 từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo “sự hư ảo” trong những số liệu tăng trưởng đẹp đẽ này.

Một sự thật cần phải khẳng định là Trung Quốc bây giờ hay trong vài thập kỷ nữa cũng chưa theo kịp Mỹ về sức mạnh kinh tế. Tờ Tin Tức Bắc Kinh, một nhật báo uy tín tại Bắc Kinh, bình luận Trung Quốc nên đủ sáng suốt để giải quyết những điểm yếu của nền kinh tế và sự tăng trưởng thay vì hả hê với danh hiệu “số 1 thế giới”.

Nhà báo Elizabeth MacDonald, chuyên gia tài chính của Foxnews, khẳng định một số phân tích và dự báo về nền kinh tế Trung Quốc đang bỏ qua những điểm yếu nghiêm trọng. Để so sánh với Mỹ, Trung Quốc thiếu hẳn những công cụ của “quyền lực kinh tế mềm”, trong đó có đồng tiền mạnh và các thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn.

Nếu không tính theo phương pháp ngang giá sức mua, GDP của Trung Quốc đang là 9.200 tỉ USD so với 16.800 tỉ USD của Mỹ, trong khi dân số Trung Quốc đông hơn bốn lần dân số Mỹ. Thu nhập bình quân tính trên hộ gia đình của Trung Quốc hiện chỉ hơn con số lẻ của Mỹ, dưới 4.000 USD so với 53.000 USD.

Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) phân tích rằng trừ khi Trung Quốc giải phóng hoàn toàn nền kinh tế do nhà nước kiểm soát đến năm 2019, đồng thời có một sự bùng nổ tăng trưởng thần kỳ khoảng 60% trong năm năm tới thì may ra nước này mới bắt kịp Mỹ.

Dù đi theo hướng kinh tế thị trường mở, cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa có những cải cách thật sự dựa trên sáng tạo kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, đồng tiền mạnh để thu hút vốn đầu tư và cải cách thị trường chứng khoán.

Chuyên gia MacDonald nhận xét sự tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ là “ảo ảnh” cũng như các báo cáo cho rằng quốc gia này sẽ thống trị kinh tế thế giới, nếu Bắc Kinh tiếp tục chính sách “bảo kê” doanh nghiệp nhà nước và cố tình ghìm giá đồng nhân dân tệ.

Một yếu tố dễ bị “bỏ quên” trong các báo cáo kinh tế của Trung Quốc là số nợ khổng lồ mà các doanh nghiệp nước này đang phải gánh. Giáo sư kinh tế Micheal Pettis của Đại học Bắc Kinh giải thích do tâm lý các công ty đó cho rằng chẳng việc gì phải bận tâm, vì nhà nước đã đứng ra bảo lãnh số nợ hoặc đơn giản họ chỉ việc phủi chúng ra khỏi báo cáo thành tích.

Trung Quốc hiện nằm trong những nước có nợ công lớn nhất thế giới. Ngân hàng Standard Chartered ước tính đến tháng 6 năm nay, nợ công Trung Quốc đã lên 251% tổng GDP, khoảng 26.000 tỉ USD - con số này bằng giá trị cả hai hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ và Nhật cộng lại. Và đây chỉ là số liệu được Chính phủ Trung Quốc chính thức công nhận.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng đã và đang báo động tình trạng thiếu minh bạch về số nợ vay Chính phủ Trung Quốc bơm cho các công ty nhà nước, ngân hàng và nền kinh tế. Nhà phân tích Charlene Chu của Fitch nhận xét số nợ nhà nước bảo lãnh sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho Trung Quốc.

 

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên