Mô hình module chính của trạm không gian Thiên Cung 3 được trưng bày tại triển lãm ở Chu Hải vào tháng 11-2018 - Ảnh: THX
Module chính Thiên Hà của trạm không gian Thiên Cung 3 được tiết lộ lần đầu tiên vào ngày 6-11-2018 tại Triển lãm quốc tế hàng không và hàng không vũ trụ lần thứ 12 tại Chu Hải (tỉnh Quảng Đông). Có năm vấn đề cần lưu ý liên quan đến trạm Thiên Cung 3.
1. Công cụ ngoại giao của Trung Quốc
Từ khi Trung Quốc phóng các vệ tinh đầu tiên lên không gian, đến nay cuộc chạy đua vào không gian đã vượt qua khuôn khổ nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu không gian đã trở thành một phương tiện để các quốc gia thể hiện đẳng cấp và Trung Quốc ý thức rất rõ vấn đề này.
Tháng 5-2018, Trung Quốc thông báo sẽ phóng trạm không gian Thiên Cung 3 lên quỹ đạo và mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều có thể sử dụng trạm.
Tuyên bố nêu trên nhằm chứng minh Trung Quốc không còn là quốc gia đóng cửa với thế giới và đây là công cụ sẽ củng cố vị thế ngoại giao cho Trung Quốc.
Theo lộ trình, Trung Quốc sẽ phóng module chính Thiên Hà trong năm 2019 và trạm Thiên Cung 3 sẽ chính thức hoạt động vào năm 2022.
2. Trạm không gian thứ ba có người
Tháng 9-2011, Trung Quốc đã phóng trạm Thiên Cung 1 lên quỹ đạo thấp (cách Trái đất 300 km - 400 km). Trạm đã đón tiếp ba nhà du hành trong thời gian 13 ngày trong năm 2012 và 14 ngày năm 2013.
Tháng 4-2018, trạm Thiên Cung 1 rơi xuống Trái đất sau thời gian mất kiểm soát phải dừng hoạt động.
Tháng 9-2016, Trung Quốc tiếp tục phóng trạm Thiên Cung 2. Đến nay trạm vẫn hoạt động bình thường. Thiên Cung 3 sẽ là trạm không gian thứ ba có người của Trung Quốc được đưa lên quỹ đạo.
Mô hình trạm Thiên Cung 3 sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh và đi vào hoạt động vào năm 2022 - Ảnh: cite-espace.com
3. Trạm dịch vụ cho kính viễn vọng không gian
Theo dự kiến, định kỳ trạm không gian Thiên Cung 3 có thể tiếp nhận kính thiên văn không gian (dự kiến được phóng lên quỹ đạo thấp vào năm 2022).
Với đường kính 2m và camera có độ phân giải 2,5 triệu pixel, kính thiên văn Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của kính viễn vọng Hubble của NASA của Mỹ.
4. Trạm không gian hoạt động thường xuyên duy nhất
Trạm không gian quốc tế (ISS) được đưa lên quỹ đạo năm 1998, liên tục đón tiếp các nhà du hành vụ trụ từ năm 2000 và dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025.
Hiện thời các nước đối tác xây dựng ISS gồm Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật và Canada chưa dự kiến xây dựng trạm mới mà chỉ tập trung ngân sách cho các chương trình chinh phục lại Mặt trăng và khám phá sao Hỏa.
Như vậy sắp tới, sau khi phóng trạm không gian Thiên Cung 3, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất sở hữu trạm không gian có người hoạt động thường xuyên xung quanh Trái đất.
5. Trạm của Trung Quốc không thể sánh với ISS
Trạm không gian Thiên Cung 3 nặng 65 tấn, tuy lớn hơn Thiên cung 1 và Thiên Cung 2 (8,5 tấn) song so ra chỉ gần bằng 1/7 trạm ISS (450 tấn).
Theo thông tin chưa đầy đủ từ các cơ quan chức năng Trung Quốc, Thiên Cung 3 gồm ba module với một module chính và hai module làm phòng thí nghiệm.
Trạm có khả năng tiếp nhận ba nhà du hành vũ trụ với thời gian lưu lại hơn một năm cách Trái đất 400 km.
Trạm Thiên Cung 1 cháy rụi khi rơi xuống Thái Bình Dương vào tháng 4-2018 - Ảnh: EPA
Trạm không gian Thiên Cung 3 là phòng thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc hoạt động dài ngày trên quỹ đạo địa tĩnh.
Module chính của trạm được dùng làm trung tâm chỉ huy đồng thời là nơi ở chính của các nhà du hành vũ trụ.
Trạm có khả năng bay độc lập trong không gian với thời gian hoạt động dự kiến kéo dài tối thiểu 10 năm. Trạm cũng có thể được bảo trì và sửa chữa để hoạt động lâu hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận