03/01/2019 12:38 GMT+7

Tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống vùng tối Mặt trăng

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Hôm nay (3-1). truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã đáp thành công xuống bề mặt tối của Mặt trăng, đánh dấu một bước tiến mới của nhân loại trên hành trình chinh phục không gian.

Tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống vùng tối Mặt trăng - Ảnh 1.

Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đáp thành công xuống bề mặt thuộc cực nam của Mặt trăng - Ảnh: Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc

Đáng chú ý, Hằng Nga 4 là tàu thăm dò tự hành đầu tiên của con người đáp thành công xuống vùng tối (hay phần phía xa) của Mặt trăng, cụ thể là vùng lòng chảo Aitken chưa được khám phá thuộc cực nam. 

Aitken là hố thiên thạch lớn nhất, lâu đời nhất, và sâu nhất trên bề mặt Chị Hằng.

Những dòng tin đầu tiên về cú hạ cánh của Hằng Nga 4 khiến dư luận không khỏi bối rối. Các cơ quan truyền thông nhà nước như China Daiy và CGTN đăng dòng tin chúc mừng trên Twitter rồi sau đó xóa ngay.

Thông tin chỉ được xác nhận sau đó bởi Đài truyền hình CCTV, theo đó tàu Hằng Nga 4 đáp xuống Mặt trăng vào lúc 10h26 sáng hôm nay (3-1). Thời báo Hoàn cầu cũng chạy bản tin tương tự.

Tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống vùng tối Mặt trăng - Ảnh 2.

Tàu thăm dò của Trung Quốc đi vào quỹ đạo êlip xung quanh Mặt trăng hồi cuối tuần trước, tiếp cận bề mặt vệ tinh của Trái đất ở khoảng cách gần nhất là 15km.

Trước đây, các tàu thăm dò từ Trái đất đã chụp ảnh phần tối của Mặt trăng, nhưng chưa thiết bị nào đáp xuống khu vực đó. Do vậy, sự kiện này là một bước tiến cho tham vọng trở thành cường quốc không gian của Trung Quốc, bên cạnh Mỹ và Nga.

Tàu tự hành Hằng Nga 4 có nhiệm vụ đo đạc chi tiết địa hình của Mặt trăng và phân tích thành phần khoáng sản trong đất đá.

Vùng lòng chảo Aitken nơi nó đáp xuống được cho là hình thành do một vụ va chạm khổng lồ trong giai đoạn đầu của lịch sử Mặt trăng. 

Cú va chạm đã khiến nhiều vật chất trong lòng Mặt trăng văng ra ngoài, điều này có nghĩa Hằng Nga 4 có thể cung cấp thêm manh mối về quá trình hình thành của Mặt trăng. 

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên