19/03/2024 13:56 GMT+7

Trời nồm ẩm kéo dài, người mắc bệnh hô hấp, da liễu gia tăng

Thời gian qua tại miền Bắc, thời tiết nồm ẩm, mưa lạnh kéo dài khiến nhiều người nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, da liễu có xu hướng gia tăng.

Thời tiết mưa lạnh, nồm ẩm kéo dài tại miền Bắc gây ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: NAM TRẦN

Thời tiết mưa lạnh, nồm ẩm kéo dài tại miền Bắc gây ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: NAM TRẦN

Bệnh hô hấp gia tăng khi thời tiết nồm ẩm

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) một tuần gần đây, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao khoảng 20-30% so với ngày thường, phổ biến là các bệnh viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản,… Ngoài các bệnh lý về hô hấp, nhiều trẻ cũng nhập viện do viêm mũi dị ứng, sốt phát ban,…

Tương tự tại Bệnh viện Thanh Nhàn, lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh hô hấp cũng gia tăng.

Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ông N.X.H. (ở Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay những ngày thời tiết nồm ẩm, giao mùa ông thường xuyên khó thở, người nóng ran rất khó chịu. Trước đó, ông H. mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2007, bởi vậy ông được người nhà đưa đi thăm khám, dự phòng bệnh tránh nguy cơ chuyển nặng.

Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh. Đang chăm sóc con gái 3 tuổi điều trị tại khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị P.T. (ở Yên Nghĩa, Hà Đông) cho biết hơn một tuần trước, thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường, con gái chị sốt cao, ho nhiều. Gia đình đưa bé đến viện khám được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, chỉ định nhập viện điều trị.

Lý giải về nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp gia tăng trong thời tiết nồm ẩm, bác sĩ Nguyễn Văn Giang - phó trưởng khoa hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho hay nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển.

"Với những bệnh nhân bệnh phổi mạn tính, nền sức khỏe kém cộng với yếu tố môi trường như vậy càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại", bác sĩ Giang nêu rõ.

Cẩn trọng nấm da, viêm da cơ địa

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Còn tại Bệnh viện Da liễu trung ương những ngày này số bệnh nhân đến thăm khám do các bệnh nấm da, viêm da dị ứng,… cũng tăng gấp đôi so với thông thường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho hay thời gian qua bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bị nấm da (hay còn gọi là hắc lào, lang ben) tăng lên theo thời tiết nồm ẩm.

Bệnh nấm da thường gặp ở những người có nhiều mồ hôi, vệ sinh thân thể không đúng cách, mặc chung quần áo của nhau, mặc quần áo ẩm ướt,... Nấm da thường gặp ở người trẻ tuổi, hoạt động nhiều.

Bên cạnh đó với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Vinh lưu ý một số cha mẹ khi thấy con bị mẩn ngứa, có nốt thường tìm đến một số biện pháp dân gian như tắm nước muối, nước lá,… Thực tế lá cây có thể có chất sát khuẩn, nhưng nếu sử dụng nhiều quá có thể làm cho da khô, mất lớp lipid bảo vệ da. Bên cạnh đó, các loại lá cây, nước muối có một số thành phần khiến tình trạng da thêm nặng.

"Rất nhiều trường hợp cha mẹ đưa con đến trong tình trạng viêm da nặng sau khi sử dụng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, khiến trẻ mắc viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút khác, tình trạng nặng, điều trị lâu dài.

Một sai lầm thường gặp nữa là bố mẹ mua các loại thuốc bôi, kem bôi không rõ thành phần, có thể có corticoid… không phù hợp trong điều trị. Bởi vậy, khi trẻ có những biểu hiện bất thường trên da, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc", bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Cách phòng bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo trong thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm, người dân chú ý đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để phòng bệnh.

Có thể sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Ngoài ra chú ý sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí nồm ẩm có thể vào nhà.

Nồm ẩm có thể dẫn tới nhiều bệnh tật, những giải pháp đối phóNồm ẩm có thể dẫn tới nhiều bệnh tật, những giải pháp đối phó

Bạn có đang dọn dẹp nhà cửa, tổng vệ sinh để đón Tết không? Thời tiết nồm ẩm rất khó chịu, những ngày này nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh tật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên