
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 27-5 - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Án chung thân không giảm án “chưa chắc đã nhân văn hơn tử hình”
Đáng chú ý, tại dự luật, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội), tại 8/18 (44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành.
Cho rằng hình phạt chung thân không xét giảm án là hình phạt nhẹ hơn mức tử hình, và nặng hơn mức chung thân (có giảm án), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cân nhắc đánh giá kỹ việc áp dụng hình phạt này, bởi hình phạt này "chưa hẳn nhân văn hơn mức án tử hình".
Đại biểu cho hay người tử hình còn được quyền xin đặc xá, ân xá của Chủ tịch nước và có thể được giảm xuống chung thân. Trong quá trình thi hành án chung thân họ còn được cơ hội giảm án tiếp nếu chấp hành tốt.
Trong khi đối với án chung thân không xét giảm, không được đặc xá, ân xá sẽ xác định ở tù suốt đời. Việc này có tác động rất lớn đối với điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ khi xác định số lượng phạm nhân chỉ có tăng lên, không giảm.
Chưa kể những phạm nhân bị án này nếu bị đau ốm hay mang bệnh nan y cũng phải chạy chữa, chăm sóc như những phạm nhân khác và sẽ tạo gánh nặng nhân lực, tài lực cho việc tổ chức thi hành án.
"Việc áp dụng hình phạt này sẽ mất đi ý nghĩa giáo dục, cải tạo, cải biến và cải huấn phạm nhân trong trại giam. Phạt tù là để giáo dục phạm nhân, cải huấn để phạm nhân ăn năn hối lỗi, cải tạo tốt.
Đối với những phạm nhân án chung thân không xét giảm họ hiểu rằng cả đời ở trong tù nên sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau, phát sinh hành vi, ý nghĩ tiêu cực khi xác định không có cơ hội trở lại đời sống cộng đồng", bà Dung phân tích và đề đánh giá kỹ việc áp dụng hình phạt này.
Cùng ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận hình phạt này không cần thiết, bởi hình phạt chung thân hiện tại đã có ý nghĩa suốt đời nếu phạm nhân không cải tạo tốt.
Theo ông Nghĩa, mức chung thân hiện nay cũng đã bao hàm ý nghĩa giáo dục bao gồm khả năng được giảm án, được hoàn lương, gặp lại người thân, làm lại cuộc đời nếu như phạm nhân cải tạo tốt hoặc lập nhiều công lớn.
"Chung thân không giảm án xóa đi hoặc hy hữu hóa hy vọng được giảm án. Đối với văn hóa Việt Nam tạo ra hy vọng hoàn lương là một chính sách, yêu cầu, quan niệm nhân văn, điển hình thành ngữ 'đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại'.
Chung thân không giảm án vừa giao cho nhà nước trách nhiệm nuôi sống và bảo vệ phạm nhân suốt đời, vừa xóa hy vọng hoàn lương của họ, gia đình họ và không có tác dụng tích cực cho sự cải tạo của phạm nhân", ông Nghĩa nói thêm.
Đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự nhân đạo

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) - Ảnh: GIA HÂN
Phần thảo luận cũng có nhiều đại biểu ủng hộ việc bổ sung hình phạt chung thân không giảm án. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho hay việc bổ sung hình phạt này rất cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.
Theo bà Nga, tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài.
Quy định này vừa đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự nhân đạo của nhà nước khi không áp dụng hình phạt tử hình, tước bỏ quyền sống của một số tội danh nhưng vẫn đảm bảo cách ly lâu dài những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khỏi xã hội.
Đồng thời, nó cũng tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xét giảm, từ đó phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thái độ cải tạo của người phạm tội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu quan điểm bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, thực chất là thu hẹp hình phạt tử hình.
Ông Trí cho rằng việc quy định này sẽ đảm bảo tính hợp lý với hình phạt rất nặng là tử hình, đúng quan điểm của Đảng, đa số người dân và đảm bảo tính nhân văn. Bởi một bộ luật đảm bảo tính nghiêm khắc, thể hiện sự nhân đạo là bộ luật nhân văn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận