05/08/2022 12:56 GMT+7

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 9: Lớp học... 10 sinh viên

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Năm 2016, tôi trúng tuyển vào Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có trụ sở chính khi ấy nằm ở quận Tân Bình, TP.HCM.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 9: Lớp học... 10 sinh viên - Ảnh 1.

Một buổi học trong lớp đại học 10 sinh viên - Ảnh: DIỆU QUÍ

Vui mừng, lo lắng, hồi hộp là những cảm xúc khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển và nhập học.

Cả nhà cùng lên đường

Được học ngành chọn và ở nơi mình thích là niềm vui khôn xiết với cô nữ sinh vừa kết thúc cấp III. Nhưng học phí là điều khiến tôi nhiều lần gấp lại giấy báo rồi cất đi.

Năm đó, tôi xem thông tin về truyền thông đa phương tiện - ngành tôi theo học tại trường - thì biết rằng mức học phí dao động 26 triệu đồng/năm. Trong thời gian suy nghĩ và chuẩn bị học phí học kỳ 1, tôi và ba mình về Cần Thơ thử tìm cơ hội khác, tức xem còn trường nào đào tạo ngành tôi muốn học ở đây với giá "phải chăng" không.

Không trường nào cả! Và ba mẹ tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để chốt phương án cho tôi học ở Sài Gòn. Còn hai tuần nữa đến hạn nhập học, tôi bồi hồi chuẩn bị hành trang lên đường, mua balô, laptop, đồ dùng cá nhân. Trước khi đi, tôi được huấn luyện khóa nấu vài món cơ bản từ mẹ để "con có thèm thì biết nấu mà ăn".

Cả nhà tôi từ quê Châu Đốc, An Giang lên đường khi tôi chỉ còn cách ngày nhập học một tuần. Được chăm sóc từng li từng tí từ nhỏ nên dĩ nhiên những bước chân đầu đời đến giảng đường cũng được ba mẹ kề cận.

Ngành tôi được bố trí học tại quận 5, cách đại lộ Võ Văn Kiệt chừng 300m. Do là cơ sở thuê nên bề ngoài khá bình thường, cơ sở vật chất tạm ổn, và chúng tôi được thông báo chỉ học ở đây năm đầu tiên, sang năm thứ hai sẽ chuyển sang trụ sở chính mới xây tại quận Bình Thạnh.

Sau khi hoàn tất học phí học kỳ 1 và làm thủ tục nhập học, tôi bắt đầu tìm nhà trọ ở khu vực gần trường. Ở quê, từ mẫu giáo đến cấp III, nhà tôi đều khá gần trường nên khi lên thành phố trọ học, tôi cũng muốn như thế để tiện đi lại.

Gần trường tôi có một vài nhà trọ giá rẻ, song khá cũ và quá ẩm thấp bất lợi cho sức khỏe. Thấy gia đình tôi đi tới đi lui đoạn đường cả buổi sáng, toát mồ hôi mà chưa tìm được nhà trọ nào ưng ý, một người dân gần đó đã giới thiệu tôi đến trọ ở đường Tân Hàng (quận 5). Đây là một chung cư lâu đời, nơi sinh sống của đông đảo người Hoa.

Dẫn chúng tôi vào xem, chủ nhà là một phụ nữ 45 tuổi đang sống cùng ba người con. Căn nhà cũ kỹ nhưng khá sạch sẽ nằm trên lầu hai, có hai phòng ngủ, một gác lửng, bếp và nhà vệ sinh. Chủ nhà ở phòng có bancông đằng trước và trên gác, còn dư phòng sau nên cho sinh viên thuê.

"Một triệu bảy, bao điện nước", gia chủ Nguyễn Thị Lan cho biết. Thấy ưng bụng, ba mẹ đồng ý để tôi trọ ở đây những tháng ngày đại học. Và tôi bắt đầu vào đời sinh viên ở trọ, đứa con gái 18 tuổi ở quê phải tự lo mọi thứ cho bản thân mình.

10 "bông hoa" của lớp truyền thông

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 9: Lớp học... 10 sinh viên - Ảnh 2.

Đêm nhạc hội Metoring Night do lớp Truyền thông của tác giả tổ chức vào tháng 10-2019 - Ảnh: DIỆU QUÝ

Ngày nhập học cũng đã tới. Lần đầu học ở thành phố lớn, tôi nôn nao, háo hức lắm nên đêm trước đó không ngủ được, cứ cười tủm tỉm vì biết mình giờ đã là sinh viên. Sáng hôm sau đến trường, sau khi trao đổi một số nội quy, lịch học, thông báo chung thì đến phần làm quen thầy chủ nhiệm kiêm trưởng ngành và các "đồng môn".

Ngành tôi ít người nên chỉ có mỗi một lớp, và lớp tôi năm đó có tổng cộng... 10 sinh viên, đến từ nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Bình Định, Quảng Ngãi.

Do ít người nên chúng tôi dễ dàng làm quen với nhau, sau khi chọn ra một chàng trai làm lớp trưởng, rất nhanh các thành viên đã biết hết tên nhau. 

Khác ba mẹ ngày xưa, thời tôi cứ làm quen xong là kết bạn Facebook, Zalo, vừa trao đổi học tập, vừa nhắn tin tán gẫu, đi ăn đi uống với nhau. Ai nói này nọ về công nghệ hiện đại làm phân tâm giới trẻ, riêng tôi thấy cũng thú vị và cũng có lợi đấy chứ, nhất là với sinh viên quê mới chân ướt chân ráo lên thành phố.

Năm đầu tiên, lớp tôi không học chung với nhau hoàn toàn. Trước đó, các sinh viên được thi tiếng Anh đầu vào để xếp lớp theo năng lực nên tôi chỉ học cùng hai đứa lớp mình, còn lại là sinh viên khoa khác. 10 đứa chúng tôi chỉ được học cùng nhau ở hai, ba môn chuyên ngành trong năm nhất.

Chúng tôi được học từ giảng viên của trường, giảng viên thỉnh giảng đến thầy cô người nước ngoài. Tôi cũng được trải qua khoảng thời gian "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" như chọc ghẹo, đặt biệt danh cho nhau, chụp lại những khoảnh khắc "khó đỡ" rồi đăng lên group lớp. Các thành viên lớp từ hỗ trợ làm thuyết trình đến đoàn kết trong việc... nhắc bài.

Khung trời đại học của tôi những năm tháng đầu đời diễn ra bình dị mà dễ thương. Ở lớp, tôi là đứa ở gần trường nhất, song cũng là người đi học... trễ nhất. Thầy chủ nhiệm rất mực thương sinh viên, các đồng môn của tôi thì khá "hợp cạ".

May mắn trong năm nhất và suốt bốn năm đại học, tôi chưa từng trải nghiệm cái gọi "đặc sản" của sinh viên: rớt môn.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 9: Lớp học... 10 sinh viên - Ảnh 3.

Hồ Con Rùa - nơi mộng mơ của tôi và sinh viên các trường khác - Ảnh: TỰ TRUNG

Người Sài Gòn thiệt dễ thương trong mắt tôi

Năm tháng trọ học của tôi tính ra khá êm đềm, ít biến động hơn nhiều sinh viên khác. Tôi may mắn hơn đứa bạn vì không gặp các vấn đề mà sinh viên mới lên thành phố hay bị như chủ trọ "bẻ" tiền cọc, mất đồ...

Cô Lan chủ trọ của tôi rất tốt. Tôi ở một mình, ở mới hai tháng cô đã trả lại tiền cọc cho tôi vì tin tưởng. Điều mà rất hiếm chủ trọ nào làm dù trước đó, cô Lan từng bị một người quỵt luôn tiền trọ, ôm đồ bỏ trốn khi trả cọc.

Người Sài Gòn là vậy đó! Cô Lan đã "khởi động" trong tôi cảm giác thân thương, yêu mến Sài Gòn cũng như người ở đây. Biết cuối tháng là lúc sinh viên hay... cháy túi, lần nào cô nấu ăn cũng múc một tô cho tôi ăn cùng. Khi thì nui, bánh canh, cơm chiên, lúc thì các món Hoa vốn là sở trường của cô. Mấy lần như vậy cũng đã "cứu đói" tôi khi hết tiền sinh hoạt.

Mấy ngày lễ, tết tôi thường về quê dài ngày, có khi hai, ba tuần. Và sau khi tôi trở lại Sài Gòn, cô Lan sẽ tính xem tôi về mấy ngày để... bớt cho tiền nhà, có khi bớt tới bốn, năm trăm ngàn để "cho con có tiền xài". Mấy trăm ngàn với một đứa sinh viên mới như tôi thật sự không nhỏ, nhờ vậy mà những lúc đó, tôi chủ động giảm xin "tài trợ" từ gia đình gửi hằng tháng.

Thi thoảng, cô lại thêu tranh hay đi đâu xa đều mua tí quà nhờ tôi đem về biếu ba mẹ. Và nhà tôi cũng thường gửi lên mấy món ăn quê tôi mà cô thích để cảm ơn cô đã "cưu mang" tôi mấy bận.

Ai cũng có những năm tháng đại học đầu đời đầy ắp kỷ niệm với bao buồn vui. Đã mấy năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại tôi đều mỉm cười và cảm ơn vì những điều dễ thương trong đời sinh viên mà mình đã trải qua thuở nào...

Tôi đi bưng bê

Vào học được nửa tháng, thấy đứa bạn bắt đầu đi làm thêm nên tôi cũng học đòi để kiếm tiền tiêu vặt, dù nhà tôi không ủng hộ vì muốn con gái tập trung học. Được bạn giới thiệu, tôi xin làm phục vụ tiệc cưới tại một nhà hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10.

Việc thời vụ nên làm ngày nào lãnh tiền ngày đó, và số tiền đầu tiên tôi kiếm được trong ngày đầu làm từ 5h chiều đến gần 10h đêm được 100.000 đồng. Tôi biết nhiều sinh viên vì hoàn cảnh phải tranh thủ đi làm thêm cũng có cái hay, nhưng thực tế cũng có những bạn lại gặp khó khăn trong việc học như thi rớt, nợ môn...

**************

Tôi xin má 2.000 đồng để đến nhà hàng xóm gọi điện thoại cho tổng đài 1080 và được thông báo số điểm thi cũng như điểm chuẩn của ngành báo chí năm đó. "Em đủ điểm đậu rồi, chúc mừng em". Tôi nghẹn ngào...

>> Kỳ tới: Giảng đường thương nhớ của tôi

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 8: Một thời ký túc xá khó quên

TTO - Những tân sinh viên khoa báo chí mặt mũi non choẹt chúng tôi đã làm báo nội bộ kể chuyện lớp mình trong căn phòng ký túc xá (KTX) Tân Phú và những phòng trọ giường tầng rộng vài mét vuông ở khu làng đại học Thủ Đức.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên