Ngày 5-8, bang California điều động máy bay cứu hỏa C-130 ngăn chặn đám cháy rừng Mendocino Complex lan rộng - Ảnh: Getty Images
Từ lúc các đám cháy bùng phát vào hôm 27-7, "bà hỏa" đã thiêu rụi 122.000ha rừng, đe dọa khoảng 10.000 căn nhà. Hơn 14.000 nhân viên cứu hỏa tại Mỹ cùng các đồng nghiệp đến từ Úc, New Zealand, Pháp đã được huy động.
Cháy rừng hung hãn
Thị trấn Nice cách thủ phủ Sacramento của bang California 160km trông như thành phố ma. Khói mù cháy rừng bao phủ khắp nơi. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, kể cả văn phòng cảnh sát. Nhiều cư dân đã đi sơ tán.
Bà Roberta thốt lên: "Quá kinh khủng, đây là lần tôi sợ nhất trong đời. Nơi này cứ như hộp diêm chực bùng cháy".
Văn phòng Tình huống khẩn cấp trực thuộc thống đốc bang California ví von trên Twitter: "Nếu xem đám cháy Mendocino Complex như một thành phố, đây sẽ là thành phố lớn thứ 14 ở Mỹ. Diện tích cháy rừng còn lớn hơn cả New York, Chicago, Philadelphia và Houston".
Hiện nay 17 đám cháy đang hoành hành tại California, trong đó có 8 đám cháy lớn. Lửa lan cực kỳ nhanh và hết sức hung hãn.
Lực lượng cứu hỏa chỉ mới khống chế được 30%. Phi công Jérôme Laval nhận xét: "Chúng tôi quan sát thấy từ năm 2015 đến nay, ngày càng nhiều đám cháy khó kiểm soát. Lửa có thể bay vọt qua hào chống cháy cách xa 500m".
Đám cháy Mendocino Complex lần này đã phá kỷ lục đám cháy rừng Thomas bùng phát tại Santa Barbara vào đầu tháng 12-2017 thiêu rụi 114.078ha rừng, tương đương New York, Washington và San Francisco gộp lại. 1.063 căn nhà ra tro, trong đó có nhiều ngôi nhà trị giá hàng triệu USD.
Kim đồng hồ ngừng quay
Không riêng gì bang California, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8-2018, cháy rừng cũng đã tung hoành trên khắp châu Âu. Tại miền nam Bồ Đào Nha, cháy rừng áp sát thị trấn du lịch Monchique (tỉnh Algarve). Hơn 15.000ha rừng bị thiêu rụi.
Từ Trạm không gian quốc tế, nhà du hành Alexander Gerst người Đức cũng nhìn thấy khói cháy rừng.
Bộ Nội vụ đã điều động lực lượng cứu hỏa hùng hậu chưa từng thấy gồm khoảng 1.000 nhân viên cứu hỏa, 100 binh sĩ, 340 xe và 16 máy bay. Năm ngoái, hai đợt cháy rừng đã làm 114 người chết.
Tại Tây Ban Nha, cháy rừng đã tàn phá hơn 1.500ha ở vùng Valencia. Từ trung tuần tháng 7-2108, Thụy Điển cũng phải đương đầu với nạn cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Truyền hình thường xuyên chiếu hình ảnh những cột khói bốc cao ngất trời, các máy bay và trực thăng cứu hỏa luân phiên ngăn chặn đám cháy cũng như cảnh dân cư phải đi sơ tán. Tổng cộng có khoảng 50 đám cháy hoành hành.
Do thiếu trang bị đối phó với cháy rừng trên diện rộng, Thụy Điển phải cầu cứu các nước châu Âu như Ý, Đức, Na Uy, Ba Lan để điều động người và thiết bị đến giúp. Pháp cũng cử một phân đội binh sĩ và hai máy bay cứu hỏa sang giúp.
Cháy rừng xảy ra ở châu Âu xuất phát từ đợt nắng nóng kéo dài bất thường tại khu vực này trong năm nay. Trời nóng lên đến 39-45 độ C. Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ ngày 5-8 tăng đến gần 45 độ C.
Tại Hà Lan, kim đồng hồ trên nhà thờ chánh tòa Dom ở Utrecht phải ngừng quay vì kim loại giãn ra do trời quá nóng. Tại Đức, học sinh phải nghỉ học.
Mùa cháy rừng kéo dài hơn
Chuyên gia Geert Jan van Oldenborgh tại Viện Khí tượng hoàng gia Hà Lan ghi nhận: "Cách đây 20 năm, biến đổi khí hậu là khái niệm trừu tượng trong các dự báo khoa học. Không ngờ bây giờ đợt nắng nóng ở châu Âu lại mang dấu ấn của biến đổi khí hậu".
Ông Jerry Brown, thống đốc bang California, nhận xét cháy rừng có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu và gần 40 triệu dân của bang phải tập đối phó với nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn.
Giáo sư David Bowman ở Đại học Tasmania (Úc) cảnh báo có nhiều tác nhân gây cháy rừng như công tác quản lý rừng kém hoặc dân cất nhà quá gần rừng, song biến đổi khí hậu chính là chất xúc tác khiến cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cháy rừng lan rộng khi thời tiết nóng, khô và có gió lớn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các khu vực bị cháy rừng thường là những nơi khô hạn và nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Christopher Williams ở Đại học Clark (bang Massachusetts) giải thích: "Biến đổi khí hậu làm cho không khí khô và nóng hơn. Tốc độ bốc hơi và tần suất khô hạn gia tăng hình thành hệ sinh thái dễ bắt lửa hơn".
Chuyên gia Michel Vennetier ở Viện nghiên cứu IRSTEA (Pháp) lưu ý những năm khô hạn cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn. Các loài cây ưa ẩm ướt mất dần và nhường chỗ cho các loài thực vật thích nghi với khí hậu bán khô hạn, do đó thảm thực vật dễ cháy hơn.
Tại các khu vực ôn đới ở bán cầu Bắc, trước đây cháy rừng thường xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 thì nay đã kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Còn tại bang California, các chuyên gia đánh giá cháy rừng có thể xảy ra quanh năm.
Giáo sư Mike Flannigan ở Đại học Alberta (Canada) giải thích biến đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng cháy rừng mà còn làm cường độ cháy mạnh hơn.
Rừng tích tụ khoảng 45% lượng carbon toàn cầu. Một khi rừng cháy, một phần carbon được thải vào khí quyển và càng làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Xe bồn cung cấp nước uống cho đàn bò chịu khô hạn ở New South Wales (Úc) - Ảnh: Twitter
Khô hạn khắc nghiệt hiếm có
Trong lúc châu Âu đương đầu với nắng nóng, khô hạn với mức độ khắc nghiệt nhất trong nửa thế kỷ qua thì tại miền đông nước Úc, do thiếu cỏ nên nông dân phải mua thêm hạt ngũ cốc và cỏ khô cho gia súc. Giếng gần như khô cạn.
Cô Tash Johnston, người đồng sáng lập tổ chức thiện nguyện Drought Angels, cho biết: "Nhiều người bắt buộc phải giết gia súc vì không thể tiếp tục nuôi và không muốn nhìn thấy chúng đau khổ".
Bang New South Wales đã ban bố tình trạng khô hạn. Bang Queensland khẳng định khô hạn đã ảnh hưởng 60% diện tích.
Chủ trang trại Greg Stones ở Gunnedah cho biết: "Đây có lẽ là lần đầu tiên trong hai thế hệ, tức từ thập niên 1930, chúng tôi không thể thu hoạch được gì vào mùa thu hay mùa đông vì đất quá cứng".
Đón xem kỳ tới: Thiên tai tàn khốc do con người
------------
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận