27/10/2017 14:37 GMT+7

TP.HCM được thực hiện một số chính sách hiện hành chưa có

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Tới đây, TP.HCM sẽ được bổ sung thêm cơ chế được giữ lại 50% tiền thu từ sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp, trừ an ninh quốc phòng.

TP.HCM được thực hiện một số chính sách hiện hành chưa có - Ảnh 1.

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc - Ảnh: LÊ THANH

Chiều 26-10, tại Hà Nội, BộTài chính tổ chức buổi làm việc với Thành ủy, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để thảo luận nội dung của dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh sẽ cố gắng trình dự thảo nghị quyết ra Quốc hội ngay cuối kỳ họp này.

Về nội dung chính của dự thảo nghị quyết, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có các nội dung quản lý quy hoạch đất đai, đầu tư, quản lý tài chính ngân sách. 

Riêng nội dung về quản lý tài chính ngân sách sẽ giao HĐND thành phố trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chính sách thuế, phí thí điểm. 

Các mức thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn, hay các lệ phí có thể thu cao hơn quy định hiện hành song vẫn trong mức khung cho phép. Về các khoản tăng thêm, tinh thần chung, ông Dũng cho biết sẽ để lại cho ngân sách TP 100%.

"Còn hạn mức vay của chính quyền địa phương, theo quy định Luật ngân sách, TP được vay 60% số thu cân đối, còn trong nghị định của Chính phủ tỉ lệ này có đưa lên là 70%. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến là 90%, song vẫn phải căn cứ vào mức trần giới hạn mức bội chi hàng năm và tổng trần nợ công quốc gia" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tới đây, thành phố sẽ được bổ sung thêm cơ chế được giữ lại 50% tiền thu từ sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp, trừ an ninh quốc phòng… thay vì hiện nay toàn bộ các khoản thu này thuộc ngân sách trung ương. 

Đặc biệt, có cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của các cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Mặt khác, nên rà soát thêm về phân cấp ủy quyền về lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng cho TP.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc chung, một số nội dung trong luật ghi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì chúng tôi đề xuất phân cấp thẩm quyền cho thành phố. Nhưng tôi nghĩ còn một số nội dung nữa phải rà soát. Đây coi như luật thành phố, nếu ra được thì có luật riêng cho thành phố. 

Chúng ta cũng phải quán triệt tinh thần chung của Bộ Chính trị. Đó là việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM đặt trong tổng thể chung cả nước, kết hợp hài hòa cái chung và riêng trong khuôn khổ pháp luật. Việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì làm thí điểm, tổng kết để nhân rộng" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong khuôn khổ luật pháp, nếu thấy cái gì phù hợp thì làm. Còn có những điểm khác, do điều kiện TP thì xin làm thí điểm để TP có điều kiện phát triển nhanh và bền vững hơn. Sau cuộc họp này, ông Nhân cũng tin rằng Bộ Tài chính sẽ có những phương án mới hơn để báo cáo Thủ tướng.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP.HCM, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp ở TP. 

Cụ thể thành phố được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định. 

Bên cạnh đó, thành phố còn được phép thực hiện một số chính sách mà hiện hành chưa quy định. Các lĩnh vực dự kiến được đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm gồm: quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân hàng; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.

Theo ông Dũng, sau cuộc họp này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, dự thảo nghị quyết để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên