02/09/2014 11:31 GMT+7

​Gom góp kỷ niệm cũ cho Hà thành

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Phố cổ Hà Nội đang dần trở lại với vài góc nhỏ cổ kính và xanh mướt đến ngỡ ngàng.

Phần kiến trúc của Phúc Kiến học hiệu đang được che mái tôn để bảo quản và trùng tu - Ảnh: Hà Hương
Phần kiến trúc của Phúc Kiến học hiệu đang được che mái tôn để bảo quản và trùng tu - Ảnh: Hà Hương
"Hà Nội nên bớt lấp lánh đi. Hà Nội nên đi vào chiều sâu, cái sang, cái quý mới chính là Hà Nội"

KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH

Đã có thời, một con phố ngắn và nhỏ của Hà Nội có tới ba cái đình, cả khu vực phố cổ có đến hàng trăm đình, chùa, nhà thờ tổ nghề.

15 năm nay, Ban quản lý phố cổ Hà Nội chỉ mới giải tỏa và trùng tu được hơn 10 di tích. Một con số còn khá khiêm tốn nhưng với KTS Hoàng Đạo Kính, đó là cách người Hà Nội đang gom góp những kỷ niệm cũ.

“Cứ nhặt nhạnh từng mảnh, rồi một ngày chúng ta sẽ có một bức tranh về Hà Nội” - ông Kính nói.

Mảnh xưa cũ Hà Nội

“Phượt” phố cổ cùng KTS Hoàng Đạo Kính

Thi thoảng vào mỗi sáng thứ bảy, KTS Hoàng Đạo Kính tình nguyện làm người hướng dẫn cho chuyến “phượt” phố cổ Hà Nội.

Điểm đến là những di tích bên trong phố cổ, bị che lấp bởi rất nhiều biển hiệu quảng cáo và đời sống nhộn nhạo thường ngày.

Việc tìm kiếm và khôi phục lại những mảnh xưa cũ, những không gian xanh của Hà Nội được ông gọi là “khắc phục sự nhốn nháo bằng cái tử tế”. “Hà Nội nên bớt lấp lánh đi. Hà Nội nên đi vào chiều sâu, cái sang, cái quý mới chính là Hà Nội” - KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Và những việc đầu tiên là tìm lại các thiết chế tín ngưỡng, trả lại không gian sinh tồn của người dân phố cổ “vốn đã bị gặm nhấm quá nhiều”.

Đình Đông Thành ở số 7 Hàng Vải, nằm trên con đường nối giữa hoàng thành Thăng Long với bờ sông Hồng xưa kia.

Trước năm 2013, đình là “nhà” của sáu hộ dân với hơn 20 người sinh sống. Đây cũng là trụ sở làm việc của đội quản lý thị trường số 2 Hà Nội.

Chừng đó con người với các nếp sinh hoạt suốt hàng chục năm làm đau đầu những người muốn trả lại cho ngôi đình này dáng vẻ vốn có của trăm năm trước.

“Không còn nhiều dấu tích cũ, trong khi đó đình đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi việc cơi nới và sinh hoạt của người dân. Rất may, sau khi giải tỏa chúng tôi bóc các lớp đất lên và ở phía dưới dần lộ ra những lớp gạch bát cổ, đá chân tảng. Những tấm bia cũ rồi mảnh gỗ chắn mái cũng được tìm thấy trong một góc di tích. Chúng tôi có những cơ sở đầu tiên cho quá trình phục dựng lại di tích quan trọng này” - KTS Phạm Tuấn Long (phó trưởng ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội) cho biết.

Xuôi theo phố Hàng Vải là đến phố Lãn Ông - con phố nổi tiếng với những cửa hàng thuốc. Cũng không nhiều người biết, phía sau cánh cổng Trường tiểu học Hồng Hà là một không gian của cây, của những cánh cửa còn nguyên đường nét tinh xảo được chế tác gần 100 năm trước.

Phúc Kiến học hiệu hay còn gọi là hội quán Phúc Kiến là nơi sinh hoạt tôn giáo, cũng là nơi học hành của con em người Hoa ở Hà Nội. Bên cạnh công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Phúc Kiến (Trung Quốc) là hai tòa nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc của Pháp.

“Cái khó của chúng tôi là những công trình tuyệt đẹp này bị gặm nhấm dần. Có nhiều cái bị hư hỏng do mối, dột. Người dân hồn nhiên thay những vật liệu mới vào. Họ cũng không ý thức về việc bảo tồn di tích” - KTS Phạm Tuấn Long nói.

Cũng trên phố Lãn Ông, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đang tiến hành cải tạo mặt tiền của toàn bộ khu phố. Những mái tôn tạm bợ được dỡ đi, thay vào đó những vẻ đẹp của kiến trúc phố cổ trước năm 1954 dần lộ diện.

“Điều vui là hiện giờ nhiều người dân cũng đã có ý thức và có người đã tự bỏ tiền ra để cải tạo lại nhà của mình, trả lại diện mạo cũ cho những công trình kiến trúc từng làm nên một phần vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội” - KTS Nguyễn Chính (Công ty cổ phần Xây dựng phục chế công trình văn hóa) chia sẻ.

Không gian xanh tại chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai) - Ảnh: Hà Hương
Không gian xanh tại chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai) - Ảnh: Hà Hương

Ốc đảo xanh trong nhốn nháo

Đi qua chợ Đồng Xuân mà từ mờ sáng đến tối mịt đều tấp nập bán mua. Những con ngõ nhỏ xung quanh chợ la liệt hàng quán, xe máy đỗ kín cả lối đi. Thế nhưng, đi qua nghi môn đang trùng tu dở, không ít người ngỡ ngàng trước một khoảng tươi xanh lọt thỏm giữa lòng phố cổ.

Chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai) giờ đây đang bắt đầu trở lại với hình hài của một trong bốn tứ trấn của Hà Nội trước năm 1946.

Theo KTS Phạm Tuấn Long, chùa Huyền Thiên gần như không còn gì sau đợt tiêu thổ kháng chiến mùa đông năm 1946. Các kiến trúc bị dỡ bỏ và phá hủy. Sau hòa bình, 14 hộ dân dọc hai bên ngõ Hàng Khoai 1 và Hàng Khoai 2 biến hai bên sườn di tích thành chỗ để bán hàng ăn uống. Đến năm 2013, công trình trùng tu chùa Huyền Thiên được khởi động với việc giải tỏa phần đất lấn chiếm của 14 hộ dân.

“Chùa Huyền Thiên là một di tích đặc trưng về tôn giáo, tín ngưỡng ở Hà Nội. Phía trước thờ thánh, phía sau thờ Phật. Gác chuông nghi môn còn mới, nhưng sau khi bóc những lớp ban đầu thì đã phát lộ bức tường được xây bằng gạch bát thời Lê” - KTS Phạm Tuấn Long cho biết.

Đứng giữa những tán cây xanh mướt vào buổi trưa thứ bảy, KTS Hoàng Đạo Kính hào hứng: “Rồi những di tích như thế này sẽ được phục sinh. Đây sẽ là ốc đảo xanh trong một khu phố cực kỳ nhốn nháo. Phố cổ phải có những ốc đảo như thế thì mới có thể sống được trong sự cạnh tranh mà dĩ vãng bao giờ cũng thua”.

Tiếp tục cải tạo không gian di sản

Việc cải tạo các không gian di sản trong lòng phố cổ Hà Nội bắt đầu thực hiện từ năm 1998 với việc trùng tu ngôi nhà 87 Mã Mây. Tiếp đó là đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), nhà 51 phố Hàng Bạc, 28 Hàng Buồm, phố Tạ Hiện, đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), chùa Kim Cổ (73 Đường Thành), phố đông nam dược Lãn Ông... H

ơn 10 công trình, di tích, tuyến phố đã được cải tạo, trùng tu bằng nguồn vốn của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và cùng sự giúp đỡ về kinh phí, chuyên gia tư vấn đến từ Toulouse (Pháp). Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, hàng loạt di tích, công trình kiến trúc đặc trưng của Hà Nội cũng đang trong quá trình lập dự án, di dời hộ dân và lên phương án trùng tu.

Theo thống kê, phố cổ Hà Nội hiện còn 121 công trình di tích, tiêu biểu là các đình thờ tổ nghề, 550 công trình nhà ở có giá trị được đánh dấu trên bản đồ. Tuy nhiên theo thời gian, các công trình này bị biến đổi rất nhiều. Hầu hết các di tích đều có các hộ dân đến ở.

 

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên