20/07/2013 04:23 GMT+7

Hà Nội cần 6.000 tỉ đồng cho di tích

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Ngân sách để trùng tu di tích đang là bài toán đau đầu của Hà Nội, địa phương có tới hơn 5.000 di tích. Tại cuộc họp tổng kết sáu tháng đầu năm của Sở VH-TT&DL Hà Nội chiều 19-7, ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc sở) cho biết Hà Nội phải cần tới 6.000 tỉ đồng mới đủ trang trải cho công cuộc trùng tu di tích xuống cấp - một con số quá tải đối với ngân sách thành phố.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác VH-TT&DL sáu tháng đầu năm do Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng 19-7 tại Hà Nội, thành cổ Luy Lâu, Đường Lâm, rồi đến cả Đồng Văn bị xâm phạm và xuống cấp trầm trọng vẫn là đề tài nóng trên bàn hội nghị. Thừa nhận những nhức nhối trong ngành di sản nhưng Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng cho rằng đó là lỗi do địa phương chưa chủ động triển khai các dự án trùng tu di tích. Một lần nữa, quả bóng trách nhiệm lại được đá cho địa phương. Lời giải thích vẫn là phân cấp rồi, địa phương phải chịu trách nhiệm. “Ở Đường Lâm cũng có chuyện lãnh đạo xã xây nhà được mà dân lại không được xây. Còn có những mâu thuẫn trong nội bộ làng xã. Không nên đổ tội hết cho ngành di sản văn hóa” - ông Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, có một thực tế mà Cục Di sản văn hóa không thừa nhận là phải đến khi sự việc ở di tích được phanh phui thì cục mới vào cuộc. Mặc dù trước đó, Cục Di sản văn hóa đã được báo cáo về tình trạng đáng báo động của di tích đó. Luôn luôn chậm trễ và giải quyết theo hướng chữa cháy dường như là cách ứng xử phổ biến trong năm vừa rồi của cơ quan quản lý di sản.

“Tại sao các khu nghỉ dưỡng cao cấp lại phải xây dựng những ngôi nhà giả cổ với mái ngói cong cong. Vì khách của họ vẫn muốn sống trong không gian thuần Việt cổ kính như vậy. Trong khi đó, hàng ngàn di tích với rất nhiều làng cổ có sẵn lại để xuống cấp và không thể khai thác” - KTS Lê Thành Vinh (viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) chia sẻ bên lề hội nghị. Theo ông Vinh, không thể ứng xử với chuyện di sản bị hư hỏng, xuống cấp khiến người dân bức xúc theo kiểu vá víu, kêu đâu sửa đó như hiện tại. Ngân sách nhà nước cũng không đủ để bao cấp hết việc trùng tu di tích cho cả nước. Nhưng việc Nhà nước phải làm chính là quy hoạch và giúp di tích kêu gọi được nguồn vốn đầu tư. “Phải khiến doanh nghiệp nhìn thấy yếu tố thương mại sau khi góp công tôn tạo di tích đó thì họ mới tham gia. Việc này mới cần đến bàn tay ông Nhà nước” - ông Vinh nói.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên