02/10/2013 05:29 GMT+7

Anh bí thư làm kinh tế giỏi

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Anh Hoàng Xuân Cường, bí thư Đoàn xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), là một thủ lĩnh thanh niên làm kinh tế giỏi nhờ trồng dâu nuôi tằm.

OS0sknJb.jpgPhóng to
Anh Hoàng Xuân Cường làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm - Ảnh: Trung Cường

Năm 1990, gia đình Cường từ miền Bắc vào vùng sơn cước Cát Tiên lập nghiệp khi anh mới 12 tuổi. Cái thời vỡ đất khai hoang đó với bộn bề khó nhọc, Cường phải nghỉ học bốn năm để ngày ngày ra đồng phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm. Khi gia đình bớt khó khăn về kinh tế, khao khát con chữ thôi thúc Cường về lại với trường lớp. Nhưng một lần nữa, con đường học hành lại đứt quãng ở lớp 11, khi Cường nhường cho em đi học để về giúp gia đình vượt qua cơn bĩ cực.

Khi đó ở vùng đất này người dân trồng đủ loại hoa màu, nhưng không giống hoa màu nào giúp họ vượt khó. Được sự giúp đỡ của gia đình và tằn tiện của mình, Cường trồng tiêu, cà phê nhưng đều phá sản do mưa lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng. Khi đó nhiều người dân trong xã mách nước Cường chuyện họ đang trồng thử nghiệm cây dâu nuôi tằm vì dâu không chết do ngập lụt. Cường cũng đánh bạo thử vận may với cây dâu. Lúc đầu, Cường trồng hai sào dâu và lấy tằm con ở thị xã Bảo Lộc về nuôi. Vườn dâu hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nên xanh mướt ngút ngàn, Cường mở rộng dần diện tích trồng dâu lên gần 1ha.

Năm 2012, anh Hoàng Xuân Cường là bí thư Đoàn xã Phù Mỹ. Anh nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn về Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ...

Ngoài làm nông, Cường còn tham gia tích cực các hoạt động Đoàn ở xã nên cũng được tập huấn về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Đến năm 1997, Nhà nước đầu tư một nhà nuôi tằm con ở địa phương. Cường nghĩ nên nuôi tằm giống bán cho người dân địa phương để đảm bảo chất lượng hơn. Nghĩ là làm, Cường nhập trứng tằm về cho băng (cho nở). Lứa tằm con đầu tiên sống khỏe, ít bệnh tật và đảm bảo ký. Cứ thế, các hộ dân nuôi tằm tìm đến Cường đặt hàng.

Cường nhẩm tính mỗi tháng sản xuất được 320-360 hộp tằm con (200.000 đồng/hộp). Với số lượng tằm con này, các hộ dân nuôi tằm sẽ sản xuất khoảng 3,5 tấn kén để kéo ra tơ. Trừ hết các chi phí, mỗi tháng thu nhập của gia đình Cường tròm trèm 20 triệu đồng. “Nuôi tằm cực chứ không dễ đâu”, Cường cười nói. Mỗi ngày vợ chồng Cường và người làm hái khoảng 2 tạ lá dâu cho tằm ăn. Việc nuôi tằm như người xưa nói “ăn cơm đứng” bởi tằm ăn mỗi ngày bốn bữa: sáng, trưa, chiều, tối. 5g sáng Cường thức giấc cho tằm ăn đến 7g. Trưa xong việc ở cơ quan, Cường tất tả về nhà phụ vợ cho tằm ăn. Chiều đi làm về lại xắn tay vào xắt lá dâu cho tằm. Còn buổi tối chưa cho tằm ăn thì không thể đi ngủ được. “Có hôm không kịp ăn đã đến giờ đi làm, còn bình thường thì ăn qua loa cho xong bữa” - Cường nói.

Tuy luôn tay luôn chân với con tằm nhưng Cường vẫn tích cực tham gia các hoạt động của xã đoàn. Năm 2001 Cường là phó bí thư Đoàn xã Phù Mỹ. Trước đó anh đã học bổ túc lớp 12 và học trung cấp công an, nhưng cái duyên với công tác Đoàn đã bén sâu vào anh. Cường vận động thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn của huyện và đoạt nhiều giải thưởng cao. Từ sự khơi gợi, tổ chức của Cường mà thanh niên, đoàn viên xã đứng ra làm đường nông thôn trong xã. Cường cũng truyền kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho thanh niên trong xã khởi nghiệp.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên