30/10/2003 11:32 GMT+7

Những kế hoạch phòng chống chảy máu chất xám

Trịnh Quân ((Theo Capital, Observateurocde)
Trịnh Quân ((Theo Capital, Observateurocde)

TT - Thiết lập những hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, trả lương ngang với Mỹ và châu Âu, đảm bảo nhà cửa và việc ăn học cho con cái các chuyên gia, thành lập công ty... Đó là những gì mà châu Á và châu Phi đang làm để lôi về kỳ được những bộ óc siêu phàm đang phục vụ cho xứ người.

i4FqqjC7.jpgPhóng to
Sinh viên Trung Quốc nghe giới thiệu về Thần Châu V, một công trình chinh phục không gian đưa Trung Quốc lên hàng ngũ cường quốc về nghiên cứu khoa học
TT - Thiết lập những hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, trả lương ngang với Mỹ và châu Âu, đảm bảo nhà cửa và việc ăn học cho con cái các chuyên gia, thành lập công ty... Đó là những gì mà châu Á và châu Phi đang làm để lôi về kỳ được những bộ óc siêu phàm đang phục vụ cho xứ người.

Năm 2000, Chính phủ Anh và Quĩ nghiên cứu phi lợi nhuận Wolfson đã bỏ ra hẳn 20 triệu bảng Anh để nghiên cứu về chuyện trí thức Anh “đánh thuê” cho nước ngoài. Nhưng không chỉ có thế. Số tiền này chủ yếu nhằm lôi kéo những trí thức Anh hồi hương và lôi luôn cả trí thức trẻ thế giới về với xứ sương mù. Trong chừng mực nào đấy, việc này quả là một công đôi ba việc, vì Anh đã tạo được dòng chảy ngược. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ lại dự đoán rằng số lao động thời vụ (chất lượng cao) ở Mỹ sẽ tăng từ 115.000 lên 195.000 cho đến hết năm 2003. Số người này là những bộ óc cao thủ trong mọi lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực cốt tử như tin học, quản lý, không gian.

Thỏi nam châm Hoa Kỳ

Trước kia, người ta quen dùng thuật ngữ chảy máu chất xám, bây giờ là “dòng chảy của trí thức”. Nhưng dòng chảy này - dù có thời hạn - cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều khu vực. Năm 1997, khoảng 10% số kỹ sư và trí thức lành nghề của Canada đã đi sang Mỹ. Mỹ luôn là cái đích ưu tiên, với lực hút cực mạnh về tài chính, khiến nhiều nước lao đao về nhân tài, trong đó có Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Anh, Pháp, Úc. 32% số du học sinh của khối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang tìm cách ở lại Mỹ. Nhưng không chỉ có Mỹ. Nhiều bậc thức giả cũng sang Canada lập nghiệp. Riêng Pháp và Đức thì đang hút dần nhiều chuyên viên phần mềm có tài của châu Á. Cũng năm 2000, Đức tiến hành chương trình green card để thu hút hơn 20.000 chuyên viên tin học. Năm sau, chiến dịch này lại hút hơn 10.000 người đến từ Đông Âu, khu vực vốn bất ổn về kinh tế và chính trị.

Ở châu Á, Singapore lại có một đội ngũ chuyên gia tin học từ Malaysia và Trung Quốc. Năm nay, cả Úc và New Zealand đều tiến hành một chính sách tuyển mộ nhân tài, đặc biệt về tin học. Riêng với các nước đang phát triển, việc để chảy máu chất xám là một lãng phí lớn. Nhiều nước đã thay đổi chính sách đãi ngộ nhân tài vì khá nhiều chuyên gia bất mãn do không được đãi ngộ, thậm chí bị thất sủng! Trung Quốc và Hàn Quốc đều phải trả lương cao bổng hậu và kêu gọi lòng yêu nước của những sinh viên đã trưởng thành từ những trường đại học Mỹ, vì trong quá khứ 88% sinh viên Trung Quốc và 79% sinh viên Ấn Độ học tại Mỹ đã làm việc lâu dài ở xứ người, ít nhất là năm năm. Tuổi xuân cống hiến của họ nhanh chóng rơi vào tay Mỹ, với đủ loại công trình nghiên cứu, thậm chí là những ý tưởng siêu hạng. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có tỉ lệ sinh viên yêu nước cao, vì chỉ có trên dưới 11% ở lại Mỹ.

Hiện nay, nhiều khu công nghệ cao của Trung Quốc hay Hàn Quốc đều ra đời từ những người trưởng thành từ Mỹ. Trung Quốc đang đi đúng hướng, với kế hoạch chiêu hiền đãi sĩ phương xa: những công ty Internet của quốc gia này đều được thành lập từ những cô cậu sinh viên học tập ở nước ngoài. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hiện có khoảng 300.000 chuyên viên châu Phi đang làm việc tại châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2000, chỉ có 1.500 chuyên gia sừng sỏ về tin học quay lại Ấn Độ, nhưng số ra đi hằng năm thì cao gấp 30 lần.

Bài học trọng dụng nhân tài

Theo nhật báo South China Morning Post (10-10), nhằm ngăn ngừa tình trạng nhân tài bỏ ra nước ngoài gây thất thoát bí mật quốc gia cũng như hiện tượng "chảy máu chất xám", Bộ Nhân sự Trung Quốc kết hợp với một số bộ ngành liên quan trong chính phủ đã ban hành quy định mới xác định sáu loại đối tượng không được phép ra làm việc ở nước ngoài nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Sáu loại đối tượng không được phép ra nước ngoài làm việc gồm: chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý nhân sự làm việc trong các dự án hoặc chương trình nghiên cứu lớn, công chức nhà nước, những người tham gia chiến lược phát triển khu vực miền tây Trung Quốc, những người làm trong các bộ phận cơ mật và những người có công việc liên quan tới luật pháp.

Thật ra, như đã nói, tâm lý phổ biến của nhiều chuyên gia là bị xem nhẹ nên họ bực bội bỏ đi. Những quốc gia bản xứ phải tìm cách lôi họ về, trao quyền cao chức trọng cùng lương cao. Tâm lý “được trọng dụng” là con bài đắt giá mà cả châu Á và châu Phi đều áp dụng triệt để. Ngay Thụy Sĩ cũng phải thực hiện một “đường dây nóng” mang tên www.swiss.list.com để liên lạc và o bế thường xuyên những chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Tạo môi trường nghiên cứu khoa học - kinh tế thật thuận lợi đang là chiêu thức lợi hại, vì với các chuyên gia bậc thầy, không gì chán hơn bị ngồi chơi xơi nước, không được giao một công trình nào.

Châu Á và châu Phi đang nỗ lực xây dựng mô hình tập trung nghiên cứu cấp cao để thu hút sự quan tâm của những đứa con xa tổ quốc. Ấn Độ và Trung Quốc thì chú trọng về khía cạnh thành lập công ty do những chuyên gia hồi hương làm chủ. Trung Quốc đang tập trung nâng cấp (ngang tầm cỡ quốc tế) hơn 100 trường đại học để tạo ra một nền giáo dục chất lượng cao. Mỹ là quốc gia có hệ thống nghiên cứu song hành trường đại học rất mạnh và Trung Quốc muốn đi theo hướng này. Chính hệ thống đại học tuyệt hảo sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và giảng dạy của các bậc thầy ly hương. Còn Ấn Độ phải mất khoảng 20.000 USD để đào tạo thành tài một sinh viên tin học, nhưng thiệt hại của nước này do chảy máu chất xám sang Mỹ hằng năm là 2 tỉ USD/năm.

Ấn Độ và nhiều quốc gia đang thử áp dụng biện pháp “hoàn lại tiền đào tạo” nếu sinh viên bỏ nước mà đi. Xem ra biện pháp này cũng thành công nếu được áp dụng khéo léo. Hàn Quốc thì cố trả lương ngang bằng với Mỹ cho những chuyên gia ở Mỹ, đảm bảo cư trú (chất lượng cao) và việc học hành của con cái họ. Với chính sách này, Hàn Quốc đã kéo về hơn 2/3 số chuyên gia giỏi, trong khi thập niên 1960 chỉ là 16%.

Ngoài ra, châu Á đang khơi dậy niềm tự hào “tốt nghiệp đại học trong nước”, thay vì ngẩng mặt vì “tôi học tại Oxford hay Melbourne”. Với sinh viên châu Á, cái mác “học và làm ở Mỹ hay châu Âu” luôn đảm bảo một chỗ làm về sau, nhưng cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều cố gắng xóa đi tư tưởng này. Với nhiều gia đình châu Á, mức học phí 27.000 USD/năm cho con em ở đại học Mỹ là khủng khiếp, nhưng họ vẫn cắn răng làm. Bây giờ Trung Quốc hay Nhật Bản đang nghĩ đến chuyện cho công dân của mình thấy “như vậy là lãng phí”. Hiện nay, những con rồng châu Á đang giữ kỷ lục về số sinh viên và chuyên gia hồi hương. Điều này làm nhiều nước lớn phải nể phục.

Trịnh Quân ((Theo Capital, Observateurocde)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên