27/06/2017 11:14 GMT+7

Trung Quốc 'cứu trái đất', người tiêu dùng bị 'lủng túi'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một quyết định “giải cứu trái đất” của Trung Quốc đang khiến ngành công nghiệp vận tải biển dính cơn sốc giá, dự báo hàng hóa sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Một công nhân nhà máy Trung Quốc đang sơn thùng công ten nơ - ảnh: QILAI SHEN/BLOOMBERG
Một công nhân nhà máy Trung Quốc đang sơn thùng container - Ảnh: AFP

Trung Quốc là nước sản xuất 90% số lượng thùng công ten nơ (container) dùng trong vận tải đường biển của thế giới. Có thể thấy nếu công ten nơ Trung Quốc đồng loạt tăng giá, giá thành vận tải toàn cầu sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Và nó đang xảy ra: Để hoàn thành cam kết cắt giảm khí thải xuống còn 70% đến cuối năm nay, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển sang dùng sơn nước để phủ công ten nơ. Sơn nước thải ra ít khí độc hơn các loại sơn dầu được dùng trước nay.

Theo hãng tin Bloomberg, dù mang ý nghĩa tốt, động thái của Trung Quốc lại vô tình tung đòn trời giáng vào ngành công nghiệp vận tải. Năng lực sản xuất công ten nơ ở Trung Quốc đã giảm khoảng 70% do các công ty phải trang bị lại để sử dụng loại sơn mới.

Tính từ mức thấp nhất năm 2016, giá thành một chiếc công ten nơ đã tăng đến 69%, theo ông Teo Siong Seng, giám đốc điều hành Singamas Container Holdings Ltd. - nhà sản xuất công ten nơ số 2 thế giới.

“Đây không phải là điều các công ty vận tải muốn trong lúc ngành này đang có dấu hiệu phục hồi. Nhưng họ cũng nhận ra môi trường là quan trọng. Họ sẽ phải thích nghi với thay đổi, dù nó đồng nghĩa với chi phí cao hơn” - nhà phân tích Park Moo Hyun thuộc công ty Hana Financial Investment Co. ở Seoul (Hàn Quốc) nhận xét.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã xác định khí thải từ các loại sơn dầu dùng phủ bên ngoài các con tàu và công ten nơ góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính và nguy hại đối với sức khỏe công nhân. Ngành đóng tàu đã chuyển sang dùng sơn nước thân thiện môi trường hơn từ khoảng năm 2008, và bây giờ đến lượt các nhà sản xuất công ten nơ.

Công ten nơ phủ sơn nước có giá thành đắt hơn từ 180-200 USD và các công ty phải đầu tư “rất nhiều tiền” để thay đổi dây chuyển sản xuất, theo đánh giá của công ty Singamas.

Sơn nước cũng khiến mất nhiều thời gian hơn để khô đi (khoảng 20 giờ) so với các loại sơn thông thường (khoảng 4 giờ), dẫn đến năng suất thấp và chi phí nhân công cao.

“Về lâu dài, phần chi phí gia tăng sẽ chuyển sang người tiêu dùng” - chuyên gia Steve Saxon thuộc công ty McKinsey & Co. ở Thượng Hải (Trung Quốc) dự báo.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên