26/06/2017 10:51 GMT+7

Làm hàng giả, Trung Quốc kiếm 400 tỉ USD mỗi năm

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Trong 500 tỉ USD hàng giả trên thế giới, Trung Quốc và Hong Kong chiếm tới 400 tỉ USD, làm giả bất cứ thứ gì từ cây kim sợi chỉ đến thuốc chữa bệnh, miễn là có mẫu.

Một cửa hàng công khai bán đồng hồ giả nhãn hiệu lớn tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Một cửa hàng công khai bán đồng hồ giả nhãn hiệu lớn tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Bất cứ thứ gì, miễn là có mẫu, đều có thể được làm giả ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Ngành công nghiệp này đem về mỗi năm trên dưới 400 tỉ USD cho các nhà sản xuất. Lợi nhuận khổng lồ và sự lỏng lẻo của pháp luật càng khiến cho nhiều công ty Trung Quốc, Hong Kong lao vào miếng bánh béo bở này, mỗi năm thu về cả 400 tỉ USD.

Trung Quốc thống trị hàng giả toàn cầu

Báo cáo dày 74 trang được Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố ngày 22-6 đưa ra con số đáng kinh ngạch: năm 2015, Trung Quốc đại lục và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới.

Với thị phần độc chiếm như vậy, thiên đường hàng giả mỗi năm đem về cho quốc gia này gần 400 tỉ USD, chính xác hơn là 396,5 tỉ USD, Hãng thông tấn AFP dẫn báo cáo cho biết.

Một báo cáo năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy kim ngạch thương mại hàng giả trên toàn cầu đã đạt 500 tỉ USD, chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới. Giá trị xuất khẩu hàng giả chiếm 12,5% tổng giá trị xuất khẩu, 1,5% GDP của Trung Quốc năm 2016.

Một báo cáo khác cùng năm của Phòng Thương mại Mỹ tiếp tục chỉ ra khoảng cách chênh lệch khủng khiếp giữa quốc gia sản xuất hàng giả số 1 và số 2 thế giới.

Trong khi Trung Quốc chiếm tới 86% thị phần hàng giả toàn cầu thì quốc gia xếp kế sau là Ukraine chỉ chiếm 0,43% với tổng giá trị khoảng 2 tỉ USD.

Theo Europol, tội phạm ăn cắp bản quyền là vấn đề nhức nhối nhất ở Trung Quốc nhưng cũng đem về lợi nhuận cao nhất. Đau đầu nhất là tình trạng nhái nhãn mác, nhận diện thương hiệu của các tập đoàn nổi tiếng thế giới khiến khổ chủ đôi khi phải lắc đầu, cười trừ bởi “sự sáng tạo” của dân Trung Quốc.

Một lý giải cho sự bùng nổ hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc là tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng Trung Quốc và thói ganh đua cho “bằng bạn bằng bè”. Không ít trường hợp đã phải tiền mất tật mang chỉ vì tâm lý này và thói làm ăn bất chấp đạo đức, chỉ mong lợi nhuận ở Trung Quốc.

Châu Âu chịu trận

Là một thị trường khó tính và đề cao bản quyền trí tuệ, châu Âu đang đứng trước thách thức hàng giả từ Trung Quốc.

Báo cáo công bố ngày 22-6 của Europol cho biết thuốc lá là mặt hàng bị làm giả hàng đầu ở châu Âu. Năm 2015, trong số gần 88.000 trường hợp buôn bán hàng giả, thuốc lá chiếm tới 27% và phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc.

Europol cảnh báo sự xuất hiện của các chuyến tàu thẳng Trung Quốc - châu Âu đã trở thành một sự lựa chọn rẻ tiền thay cho vận tải đường biển, đường hàng không của bọn buôn bán hàng giả, hàng nhái ở châu Âu.

Theo báo cáo của Europol, việc bán quần áo và giày dép giả ở châu Âu khiến Liên minh châu Âu (EU) mất 26,3 tỉ euro trong năm 2015, gây tổn hại không nhỏ đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công hàng thật. 363.000 người đã bị mất việc làm vì nạn hàng giả ở châu Âu.

“Những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả cần nguồn hàng được vận chuyển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu mới nổi của thị trường. Mặc dù hàng giả có thể được sản xuất với giá rất rẻ, vận chuyển bằng đường hàng không dù nhanh nhưng lại quá mắc, trong khi vận chuyển bằng tàu biển có thể mất đến 6 tuần. Sự xuất hiện của các tàu lửa chở hàng giữa Trung Quốc và EU, với giá cước chỉ bằng một nửa cước vận chuyển đường hàng không và một nửa thời gian vận chuyển bằng tàu biển, sẽ sớm trở thành lựa chọn hợp lý của dân buôn hàng giả”, báo cáo của Europol kết luận.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên