25/06/2017 17:44 GMT+7

​Lứa 20 tuổi Hong Kong nghĩ gì về Trung Quốc?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - “Nếu bạn hỏi tôi 100 lần đi nữa, tôi vẫn trả lời như thế”, hãng tin Reuters dẫn lời Chau Ho-oi, một trong những người trẻ Hong Kong không muốn làm người Trung Quốc.

Kalok Leung, sinh ra 4 tháng sau khi Hong Kong được giao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 - Ảnh: Reuters
Kalok Leung, sinh ra 4 tháng sau khi Hong Kong được giao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 - Ảnh: Reuters

Tròn 20 năm kể từ lúc người Anh trả Hong Kong lại cho Trung Quốc đại lục quản lý năm 1997, một lứa trẻ sinh ra trong thời điểm đó giờ đã lớn và có những suy nghĩ về bản sắc của mình.

Tuổi 20 của Hong Kong

Hãng tin Reuters ngày 25-6 cho biết, họ đã phỏng vấn 10 bạn trẻ Hong Kong thuộc lứa 1997, và họ đều ít dành cảm tình cho Trung Quốc. Thực trạng trên phản ánh đúng những gì từng làm dậy sóng đặc khu kinh tế này trong năm 2014: người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người Hong Kong, không phải Trung Quốc.

Chau Ho-oi, một trong những người sinh ra vào thời điểm Hong Kong được giao trả cho Trung Quốc, nói rằng cảm giác của mình lúc còn nhỏ và hiện tại khác xa nhau.

Năm 2008, khi Chau 11 tuổi, cô đã xem Thế vận hội Bắc Kinh trên truyền hình và rất ngưỡng mộ thành tích của các vận động viên Trung Quốc (khi ấy giành 48 huy chương vàng, xếp nhất toàn giải).

“Tôi đã nghĩ rằng Trung Quốc thật vĩ đại. Nếu thời điểm đó bạn hỏi tôi có phải người Trung Quốc không, tôi sẽ nói có”, Chau trả lời Reuters.

JoJo Wong, được sinh ra 6 tháng trước cuộc chuyển giao 1997 - Ảnh: Reuters
JoJo Wong, được sinh ra 6 tháng trước cuộc chuyển giao 1997 - Ảnh: Reuters

Nhưng cũng như nhiều người trẻ khác tại Hong Kong có suy nghĩ về vấn đề tự chủ, dân chủ, Chau cảm thấy mình không giữ được sự ngưỡng mộ đó. Cô nói tiếp: “Hiện giờ... tôi không muốn nói tôi là người Trung Quốc. Nó tạo cho tôi cảm giác rất tiêu cực. Thậm chí bạn có hỏi 100 lần thì tôi vẫn sẽ nói như thế thôi”.

Không ai xa lạ, chính cô gái trẻ này cũng từng bị bắt trong cuộc biểu tình đòi thúc đẩy dân chủ của thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong năm 2014. Sự kiện ấy đã có phần rơi vào quên lãng sau 3 năm, nhưng nó ít nhiều đã tạo ra hoặc ảnh hưởng tới một khuynh hướng, tư tưởng trong giới trẻ Hong Kong.

Khảo sát của Đại học Hong Kong đưa ra tuần trước cho thấy trong 120 người trẻ được hỏi, chỉ 3,1% ở độ tuổi 18 - 29 cho rằng họ nhận diện bản thân là một người Trung Quốc. Trước đó, con số này giữ ổn định ở mức 31% trong các cuộc khảo sát đều đặn nửa năm một lần, bắt đầu từ cách đây 20 năm, theo Reuters.

Trong cuộc phỏng vấn 10 người trẻ Hong Kong sinh năm 1997, bao gồm Chau và một người chuyển đến từ Trung Quốc sang, tất cả đều nói với hãng tin Reuters rằng mình tự nhận diện bản thân như một người Hong Kong (Hongkonger), và nguyện gắn chặt với đặc khu kinh tế này.

Tư duy về bản sắc

Từ khi tiếp quản Hong Kong năm 1997, Trung Quốc áp dụng hình thức “một quốc gia, hai chế độ”, bảo đảm sự tự trị dưới quyền đặc khu trưởng, có bầu cử riêng và tự do ngôn luận trong vòng 50 năm (tới 2047). Tuy nhiên giới trẻ, như lứa 20 tuổi tại Hong Kong, lại cảm thấy chưa thực sự được tự do.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), thủ lĩnh sinh viên tại cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2014 - Ảnh: Reuters
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), thủ lĩnh sinh viên tại cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2014 - Ảnh: Reuters

Năm 2012, Hoàng Chi Phong khi đó là cậu học sinh 15 tuổi, đã dẫn đầu hàng ngàn người Hong Kong biểu tình phản đối chương trình giáo dục khuyến khích học sinh yêu đất nước Trung Quốc, và sau đó chương trình ấy phải khép lại.

Hai năm sau, lại là Hoàng Chi Phong lãnh đạo phong trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” dài 79 ngày, tạo dấu ấn đậm nét đối với dư luận quốc tế.

Vào lúc này, những thanh thiếu niên Hong Kong ngày càng thúc đẩy tư tưởng giành quyền tự quyết, hoặc thậm chí là cả độc lập - điều mà Trung Quốc rất lo ngại.

Hồi tháng 5 vừa qua, nhân vật phụ trách vấn đề Hong Kong, được cho là cao cấp thứ ba trong chính quyền Trung Quốc, ông Trương Đức Giang đã nhấn mạnh việc cần thiết phải “thúc đẩy giáo dục pháp luật và quốc gia cho giới trẻ Hong Kong, và định hướng phát triển cho lứa này khi còn trẻ” để có “lòng yêu nước”.

Tân trưởng đặc khu Carrie Lam, người lên thay ông Lương Chấn Anh, nói với Tân Hoa xã rằng bà sẽ tìm cách đưa khái niệm “tôi là người Trung Quốc” từ cấp độ mẫu giáo ở Hong Kong, theo Reuters.

Nhưng những cách làm ấy có vẻ chưa cho thấy tác dụng. Nói như Jojo Wong, một người 20 tuổi, thì “làm thế nào mà chính quyền không hiểu được rằng càng thúc ép người Hong Kong yêu Trung Quốc, thì mọi người chỉ càng tránh xa điều đó mà thôi?”.

Thậm chí đối với những người không quan tâm tới chính trị như Felix Wu, cũng khẳng định về kinh tế thì nên hội nhập, còn chính trị thì Trung Quốc cần thực hiện đúng cam kết duy trì hiện trạng Hong Kong trong 50 năm. Còn với Ludovic Chan, anh tự nhận là người Hong Kong, dù nghĩ rằng việc có là người ở đâu thì cũng chẳng mâu thuẫn gì với Trung Quốc cả.

Những suy nghĩ của người trẻ Hong Kong như trên, có thể sẽ tạo ra một thách thức cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông chuẩn bị có chuyến đi Hong Kong đầu tiên nhân kỷ niệm 20 năm tiếp quản đặc khu này từ người Anh.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên