05/03/2017 05:40 GMT+7

Ông Obama phủ nhận cáo buộc nghe lén ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Người phát ngôn của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama phủ nhận chuyện nghe lén. Về lý thuyết, cựu tổng thống có thể yêu cầu giám sát điện tử tòa nhà Trump nếu nhận được sự đảm bảo của tòa án.

Đương kim tổng thống Donald Trump (trái) và cựu tổng thống Barack Obama (phải) trong lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20-1 - Ảnh: Reuters

"Cả cựu tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào, không bao giờ ra lệnh giám sát bất kỳ công dân Mỹ nào. Nguyên tắc cốt yếu của chính quyền Obama đó là không một quan chức Nhà Trắng nào được can thiệp vào bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào do Bộ Tư pháp dẫn đầu.", Kevin Lewis người phát ngôn của ông Obama nhấn mạnh trong thông báo gửi tới báo chí, theo Reuters.

Tuyên bố phủ nhận được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump lên Twitter tố người tiền nhiệm đã cài thiết bị nghe lén ở tòa nhà Trump trước ngày bầu cử Mỹ. Đương kim tổng thống Mỹ không đưa ra những bằng chứng cụ thể cho các cáo buộc của mình.

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về những cáo buộc của ông Trump. Đội ngũ cố vấn của tổng thống Trump thì tỏ ra bất ngờ trước những dòng của ông trên Twitter, khẳng định không biết ông Trump đang ám chỉ điều gì.

Trong khi đó, các thành viên quốc hội cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa thì cho rằng cần phải điều tra hoặc có sự giải thích rõ ràng về những cáo buộc đó.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, thành viên cấp cao của Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ gọi những cáo buộc vô căn cứ của tổng thống Trump là "ẩu tả". Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden viết trên Twitter rằng hoặc là FBI đang điều tra hoặc là "ông Trump đang bịa nó. Dù là gì thì người Mỹ muốn có lời giải thích rõ ràng" cho chuyện này.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói ông không có kiến thức về việc nghe lén, rằng ông thấy lo lắng khi "tổng thống nói rằng cựu tổng thống đã làm điều gì đó bất hợp pháp" và khẳng định sẽ đi đến cùng chuyện này vì đó là trách nhiệm của ông.

Nhiều thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng lên tiếng kêu gọi các cuộc điều tra liên quan tới việc rò rỉ những thông tin tình báo gần đây.

Theo quy định, chính quyền của ông Obama có quyền yêu cầu giám sát tòa nhà của ông Trump nếu chứng minh được nó là "trụ sở mật vụ của một thế lực nước ngoài". Tuy nhiên, yêu cầu giám sát điện tử sẽ chỉ được áp dụng chừng nào nhận được cái gật đầu của tòa án liên bang, theo Reuters.

Chính quyền của ông Trump đang đứng trước áp lực từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cuộc điều tra của quốc hội về những cuộc tiếp xúc giữa các cựu cố vấn của ông Trump với người Nga trong thời gian còn tranh cử. Một số người này hiện đang nắm giữ các ghế quan trọng trong chính quyền Trump.

Đương kim tổng thống Mỹ đã nhiều lần cáo buộc chính quyền tiền nhiệm cố gắng hạ thấp uy tín của ông khi cứ nhắc tới và khơi dậy những nghi ngờ về sự liên hệ với người Nga. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức vì nói dối các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng đang đứng trước áp lực phải từ chức với lý do tương tự.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên