Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Quốc hội Mỹ tối 28-2 - Ảnh: Reuters |
Trước những thông tin liên tục của giới truyền thông nhắm vào đội ngũ của Tổng thống từng có liên lạc với người Nga, dường như Tổng thống Donald Trump đã không còn giữ nổi bình tĩnh khi lại viết tweet đáp trả.
Ngày 3-3, Tổng thống Mỹ cho đăng tải hình ảnh Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện, đang vui vẻ ăn bánh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mỹ.
Ông Trump viết: “Chúng ta cần tiến hành ngay cuộc điều tra về mối quan hệ của Thượng nghị sĩ Schumer với Nga và Putin. Thật là đạo đức giả!”.
Đây là cách ông đáp trả lại những cáo buộc liên tục của phe Dân chủ và nhiều cơ quan truyền thông về các mối quan hệ của thuộc cấp của ông với phía Nga.
Dòng trạng thái của Tổng thống Trump nhắm vào TNS Schumer - Ảnh: Twitter |
Ăn miếng trả miếng
Vấn đề là cuộc gặp của TNS Schumer gặp ông Putin lại xảy ra từ tháng 9-2003 trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới New York để tham dự sự kiện khai trương của tập đoàn dầu khí Nga Lukoil.
Vì thế vị TNS của bang New York đã đáp trả lại ngay cũng trên Twitter: “Rất vui được nói lại: mối liên lạc của tôi với Ngài Putin và người của ông ấy diễn ra hồi năm 2003 giữa bàn dân thiên hạ và báo chí. Ông và người của ông có dám làm vậy không?”.
Dòng trạng thái “đá xoáy” này hàm ý việc Bộ trưởng Sessions đã gặp riêng Đại sứ Nga Kislyak tại văn phòng làm việc ở Thượng viện.
Mấy ngày qua, truyền thông Mỹ đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từng hai lần gặp Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Washington. Và báo USA Today còn đăng thông tin hai cựu cố vấn của ông Trump thời gian tranh cử là J.D. Gordon và Carter Page đã gặp Đại sứ Nga trong một hội thảo diễn ra vào lúc Đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7-2016 ở Cleveland.
Truyền thông Mỹ đã theo đuổi thông tin Bộ trưởng Sessions nói dối, dù đã tuyên thệ nói thật, tại phiên điều trần ở Thượng viện về việc có gặp người Nga hay không. Bộ Tư pháp lẫn cá nhân Bộ trưởng Sessions đã lên tiếng phản bác thông tin đó với lập luận ông Sessions gặp Đại sứ Kislyak trong tư cách Thượng nghị sĩ chứ không phải khi làm việc trong bộ phận tranh cử của ông Trump.
Báo Washington Post đăng tải vụ việc dòng Tweet của Tổng thống Trump với hàm ý đã 14 năm rồi mà ông ấy còn đòi điều tra - Ảnh chụp lại màn hình |
Tương tự với cách tấn công TNS Schumer, đến chiều 3-3, Tổng thống Trump lại viết Tweet kêu gọi mở một cuộc điều tra nhằm vào bà Pelosi, nghị sĩ thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Mỹ vì những nghi vấn liên quan đến mối quan hệ với Nga.
“Sau cuộc điều tra đầu tiên đối với ông Schumer, tôi đề nghị mở một cuộc điều tra thứ hai nhằm vào bà Pelosi vì mối quan hệ thân thiết của bà ấy với Nga cũng như việc bà ấy đã nói dối về mối quan hệ này”, Tổng thống Trump viết trên Twitter, đính kèm một đường dẫn, trong đó đề cập đến cuộc gặp giữa nhóm của bà Pelosi với Đại sứ Nga tại Mỹ năm 2010.
Đáp trả tuyên bố trên của tân tổng thống, bà Pelosi viết trên Twitter: “Donald Trump không hiểu sự khác biệt giữa các cuộc gặp chính thức, được báo chí chụp ảnh, với các cuộc gặp kín mà cộng sự của ông ấy đã nói dối trước Quốc hội”.
Bà nghị sĩ của bên Dân chủ đề cập tới việc Bộ trưởng Sessions giấu nhẹm thông tin về các cuộc tiếp xúc riêng giữa ông với đại sứ Nga trong phiên điều trần tại Quốc hội, trước khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
Ông Trump tấn công luôn bà Pelosi (phải) lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện, vốn là người kêu gọi Bộ trưởng Sessions phải từ chức - Ảnh: Twitter |
Trước đó, bà Pelosi từng khẳng định chưa bao giờ gặp Đại sứ Sergey Kislayak. Tuy nhiên, khi được hỏi về bức ảnh chụp năm 2010 trong cuộc gặp giữa hai phái đoàn Nga, Mỹ có sự tham gia của cả bà Pelosi và ông Kislayak, phát ngôn viên của lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện đính chính rằng ý bà Pelosi muốn nói là bà chưa từng gặp riêng Đại sứ Kislayak trong bất kỳ dịp nào.
Vạch lá tìm sâu thì có cả
Có vẻ chưa bao giờ chính trường Mỹ lại nhảy múa theo kiểu đáp trả ăn miếng trả miếng thiếu sang trọng như thế.
Và nếu cứ vạch lá tìm sâu đấu tố nhau theo kiểu này thì cả hai bên Dân chủ và Cộng hòa sẽ còn kiếm chuyện với nhau dài dài bởi trong quá trình hoạt động, những cuộc gặp gỡ là đương nhiên.
Ông Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống Trump từng sang thủ đô Paris (Pháp) vào tháng 10-2016 để dự một hội thảo do Trung tâm chính trị và ngoại giao (CPFA) tổ chức. Vấn đề là trung tâm học giả này được cho là thân Matxcơva và thông tin cho biết cậu cả Trump đã bỏ túi ít nhất 50.000 USD cho lần xuất hiện đó.
Vào tháng 12-2016, người ta lại thấy Đại sứ Nga Kisliak có mặt ở tòa nhà Trump Tower ở New York trong một chuyến viếng thăm ngắn để gặp con rể của ông Trump là Jared Kushner (nay làm cố vấn trong Nhà Trắng), cùng tướng về hưu Michael Flynn (người được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia và phải từ chức hôm 13-2 vì cáo buộc gặp gỡ người Nga).
Đó là chưa kể việc ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, được cho là có quan hệ gần gũi với nhiều doanh nghiệp Nga trong thời kỳ ông làm cố vấn kinh doanh đầu tư.
Đến nay, cách phản bác của Nhà Trắng luôn là các cuộc gặp với phía Nga không gây xung đột lợi ích bởi nằm ngoài khuôn khổ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Tổng thống Trump thậm chí phản biện: “Toàn bộ chuyện này là cách bên Dân chủ làm ra để không mất mặt trong cuộc bầu cử vừa qua khi mà họ tin là không thể thua cuộc”.
Nhà Trắng cũng cho biết là có hàng chục Đại sứ các nước đã vào ra tòa nhà Trump Tower trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của đội ngũ ông Trump nên chuyện Đại sứ Nga có vào cũng là chuyện bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận