16/01/2017 08:58 GMT+7

Ông Trump có bài gì trong tay để đấu với Trung Quốc?

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Một khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến Bắc Kinh đau đầu hơn họ tưởng.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố ông có thể dùng chính sách “một Trung Quốc” để mặc cả với Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số “quân bài” ông Trump có thể dùng sắp tới, theo phân tích của báo South China Morning Post:

Biển Đông

Lần chạm trán mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là vụ Hải quân Trung Quốc tịch thu một tàu lặn không người lái của Mỹ ở vùng biển quốc tế phía tây bắc Vịnh Subic của Philippines hôm 15-1-2016. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp”, trong khi Bắc Kinh nói họ hành động đúng.

Vụ việc kết thúc sau 5 ngày nhưng sự yên tĩnh ở Biển Đông hiện nay chỉ là tạm thời. Sau ngày 20-1 (khi ông Trump chính thức nhậm chức), mọi thứ có thể sẽ khác.

Học giả Trung Quốc Shi Yinhong nhận định Bắc Kinh và Washington có những động cơ xung đột trong khu vực. Lợi ích cốt lõi của Mỹ là duy trì vị thế bá chủ hàng hải trên khắp thế giới, còn Trung Quốc cần Biển Đông như một không gian chiến lược.

“Cuộc cạnh tranh chỉ mới bắt đầu. Nhưng Biển Đông sẽ chưa trở thành chiến địa, ít nhất là trong 2-3 năm tới”
Học giả Trung Quốc Shi Yinhong

Ông Trump có trong tay nhiều phương tiện để gây áp lực với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio từng kêu gọi cấm vận các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chính quyền Trung Quốc xây dựng các cơ sở và đảo nhân tạo ở Biển Đông và Hoa Đông.

Khả năng Mỹ tăng cường chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là gần như chắc chắn. Đáp lại, Bắc Kinh có thể vạch ra một số “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ, chẳng như như cấm Nhật - quốc gia ngoài khu vực - tham gia tuần tra chung.

Nhân quyền và các vấn đề liên quan

Nếu bà Hillary Clinton từng chỉ trích Bắc Kinh vì bắt giữ các nhà hoạt động người Trung Quốc, thì ông Trump ít nhắc tới chuyện nhân quyền của Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng nhân quyền vẫn là điểm yếu lớn của Trung Quốc. Đây là một trong những mối quan tâm lớn của người Mỹ trong quan hệ với Bắc Kinh - theo khảo sát của Trung tâm Pew năm 2015.

Đảng Cộng hòa bày tỏ quan ngại về nhân quyền nhiều hơn phe Dân chủ. Do đó, Quốc hội Mỹ có thể gây áp lực buộc ông Trump phải mặc cả vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.

THAAD và quan hệ quân sự trong khu vực

Trung Quốc liên tục cảnh báo Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Bắc Kinh cho rằng đây là mối nguy với họ vì rađa của THAAD có thể theo dõi các hoạt động quân sự ở đại lục.

Nhật cũng đang cân nhắc triển khai THAAD để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Bắc Kinh có lý do để cảnh giác đối với khả năng quan hệ quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tăng cường ở khu vực Đông Bắc Á.

Phòng thủ tên lửa là một quân bài mặc cả của Mỹ với Trung Quốc, theo giáo sư Nicholas Burns thuộc ĐH Harvard. “Đối với ông Trump đó là một nước cờ rất hiệu quả” - ông Burns đánh giá.

Thuế quan và thao túng tiền tệ

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng hứa sẽ gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc và đánh thuế 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ông cáo buộc Bắc Kinh cố tình hạ thấp giá trị nhân dân tệ để giành lợi thế xuất khẩu.

Ông Trump đã chọn ông Peter Navarro - một nhân vật chỉ trích nghiêm khắcTrung Quốc - cho vị trí lãnh đạo Hội đồng Thương mại quốc gia, một cơ quan mới thành lập thuộc Nhà Trắng. Ông còn tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án Mỹ lẫn Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).

Trung Quốc thay thế Canada trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong năm 2015. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong mua bán với Trung Quốc lên đến con số kỉ lục 366 tỉ USD.

Cách ông Trump sẽ sử dụng quân bài thuế quan ra sao hiện chưa rõ, tuy nhiên thị trường cảnh báo trong kịch bản chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể giảm và thất nghiệp sẽ tăng.

An ninh mạng

Quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về internet rất khác biệt: Washington muốn tự do thông tin, Bắc Kinh muốn kiểm soát hoàn toàn. Cả hai nước trong nhiều năm cáo buộc lẫn nhau tấn công mạng và ăn cắp bí mật thương mại.

Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh mạng đầu tiên hồi tháng 11-2016. Luật này gây tranh cãi do cho phép Bắc Kinh tiếp cận công nghệ của các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, đe dọa đến dữ liệu trao đổi với bên ngoài.

Vào năm 2015 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama từng thỏa thuận hai bên sẽ không thực hiện hoặc ủng hộ hành vi tấn công mạng vì mục đích giành lợi thế thương mại. Chính phủ Mỹ ước tính tin tặc Trung Quốc đánh cắp khoảng 360 tỉ USD từ các công ty Mỹ mỗi năm.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thề sẽ đặt an ninh mạng là “ưu tiên hàng đầu” và sau này còn tuyên bố sẽ công bố chương trình hành động về an ninh mạng trong 3 tháng đầu tiên nhậm chức.

Sở hữu trí tuệ

Ông Trump cam kết sẽ mang công ăn việc làm về cho Mỹ. Dẫn số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, ông Trump cho rằng có thể tạo ra 2 triệu việc làm nếu Trung Quốc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Bản thân ông Trump cũng là “nạn nhân” của nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, bên cạnh nhiều tên tuổi khác như Starbuck, Microsoft... Cái tên “Trump” được hàng chục công ty Trung Quốc đăng ký và trong suốt 10 năm qua, ông Trump không thể dùng tên mình trong ngành công nghiệp xây dựng ở Trung Quốc.

Ngành thép của Mỹ năm ngoái thông báo phát hiện tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp nhiều công nghệ mà họ tốn hàng chục năm để nghiên cứu và chuyển cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc. 

Chỉ chừng bấy nhiêu cũng đủ “đạn dược” để ông Trump sử dụng đối phó với Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách dùng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi các công ty Mỹ dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên