11/11/2016 08:09 GMT+7

“Phe đa số im lặng” đã lên tiếng 

MINH TRUNG chuyển ngữ
MINH TRUNG chuyển ngữ

TTO - Trái với mọi dự đoán, ông Donald Trump đã được bầu làm tổng thống Mỹ. Chiến thắng này phản ánh một thực tế là truyền thông và tầng lớp tinh hoa Washington đã “mất liên lạc” với một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ. Những người này là ai?

Người biểu tình chống tổng thống đắc cử Donald Trump bị bắt ở Oakland, bang California tối 9-11. Dường như nước Mỹ chưa từng xảy ra hiện tượng này - Ảnh: Reuters
Người biểu tình chống tổng thống đắc cử Donald Trump bị bắt ở Oakland, bang California tối 9-11. Dường như nước Mỹ chưa từng xảy ra hiện tượng này - Ảnh: Reuters

Một câu chuyện nhỏ của ông Todd Starnes, người dẫn chương trình tin tức của Đài truyền hình Fox News, có thể minh họa cho câu trả lời.

“Quê quán của tôi ở tận miền nam. Cha tôi qua đời hồi năm 2006, ông chỉ là một công nhân bình thường. Chúng tôi sống qua ngày với cái vòng luân phiên hết hóa đơn này đến hóa đơn khác. Chúng tôi đi nhà thờ vào ngày chủ nhật. Chúng tôi sống một cuộc đời lặng lẽ như bao gia đình khác ở miền trung nước Mỹ. Cha tôi thuộc về “phe đa số im lặng” và nếu còn sống chắc ông cũng bỏ phiếu cho Donald J. Trump.

Tôi sống ở thành phố New York được hơn 10 năm và đã chứng kiến sự coi thường của dân thành thị đối với mấy anh nhà quê như cha tôi - những người đến từ vùng nông thôn. Chúng tôi bị Hollywood chế nhạo trong khi dân trí thức chẳng ai thèm nhìn. Chúng tôi bị gạt qua bên lề các phương tiện truyền thông, bị bắt nạt và hạ thấp bởi các cuộc cách mạng tình dục và giới tính...”.

“Phe đa số im lặng” mà ông Starnes nhắc tới là cụm từ xuất hiện trong bài diễn văn của tổng thống Richard Nixon trong một đêm tháng 11-1969: “Và đêm nay - gửi đến các bạn, phe đa số im lặng trong đồng bào của tôi - tôi kêu gọi sự ủng hộ từ các bạn”.

Nói như nhà quan sát người Đức Gregg Benzow trên Đài Deutsche Welle: “Ý kiến dư luận là một đằng, thăm dò dư luận lại là một thứ khác”. “Phe đa số im lặng” là một sức mạnh ghê gớm nhưng bị phủ bóng bởi sự ồn ào của truyền thông. Ông Nixon nhìn thấy nó, ông Trump cũng vậy.

Đài CNN, một kênh truyền thông thiên tả, sau kết quả bầu cử phải thừa nhận: “Ông Trump đã điều tiết cơn giận của tầng lớp bình dân Mỹ chống lại Washington. Ông ấy chạm vào nỗi bất an của hiện tại và nỗi lo sợ cho tương lai. Ông ấy lên tiếng thay cho nỗi đau họ chịu đựng khi phải làm việc vất vả nhưng bị bỏ lại phía sau”.

Mới cách đây không lâu, bao nhiêu là “chuyên gia” cho rằng ông Trump hội đủ các yếu tố để hủy hoại tư cách tổng thống, từ nghề nghiệp dẫn chương trình truyền hình thực tế, giọng văn thô tục chứa đầy những “giả dối”, sự xúc phạm đối với tất cả thành phần giới tính, sắc tộc Mỹ...

Nhưng không, thay vì thất bại ê chề, ông Trump đã trở thành biểu tượng tiên phong cho sự nổi dậy của những người Mỹ bị lãng quên.

TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (giảng viên người Mỹ)

MINH TRUNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên