15/11/2015 11:07 GMT+7

Tại sao lại là Pháp?

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Nga là một trong những nước từng lớn tiếng cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của dòng người nhập cư tràn vào châu Âu.

Tổng thống Pháp François Hollande nghe điện thoại trong phòng bảo vệ đặc biệt ở SVĐ Stade de France. Chỉ vài phút sau ông được sơ tán khỏi nơi này - Ảnh: Điện Elysée
Tổng thống Pháp François Hollande nghe điện thoại trong phòng bảo vệ đặc biệt ở SVĐ Stade de France. Chỉ vài phút sau ông được sơ tán khỏi nơi này - Ảnh: Điện Elysée

Lẽ ra Pháp cần phải siết chặt ngay chính sách nhập cư, kiểm soát biên giới, bắt đầu cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới và với các tổ chức Hồi giáo bí mật trong chính nước Pháp

 YEGOR KHOLMOGOROV  (tổng biên tập tạp chí mạng Nhà Quan Sát Nga)

Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Vladimir Putin từng nhắn nhủ khi phương Tây huấn luyện và trao vũ khí cho những tay súng mà họ gọi là “phe đối lập ôn hòa”: “Bọn khủng bố không ngốc như các ngài tưởng đâu” và rằng “không biết ai sẽ sử dụng ai đâu”!

Nhà sử học Nga nổi tiếng Nikolai Starikov đã nêu rõ sự bất thường của dòng người nhập cư này: “Không ít trong số họ là trai tráng khỏe mạnh, thậm chí còn được trả tiền thù lao mỗi ngày qua thẻ ATM” để cảnh báo châu Âu về hiểm họa nấp sau những “thảm họa nhân đạo” này.

Việc Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố “biết những kẻ khủng bố là ai” và cho khôi phục kiểm soát biên giới phải chăng là dấu chỉ cho việc những kẻ khủng bố nằm trong dòng dân tị nạn?

Mổ xẻ vấn đề này có lẽ cần cái nhìn vào chiều sâu lịch sử hơn là chỉ từ dòng người tị nạn hiện nay. Bởi làn sóng tị nạn này, suy cho cùng, cũng chỉ là hệ quả của những chính sách thất bại.

Yegor Kholmogorov, tổng biên tập tạp chí mạng Nhà Quan Sát Nga, viết trong bài báo có tựa “Bài học nghiệt ngã của Pháp” đăng trên tờ Komsomolskaya Pravda như sau: “Những tên khủng bố đã hô to “Vì Syria”. Lý giải thế nào khẩu hiệu “Vì Syria” này? Có thể không phải ở chỗ không quân Pháp tham gia đánh bom IS, mà ở chỗ nước Pháp, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, được trao quyền tiếp quản Syria đầu tiên đã chia lãnh thổ Syria thống nhất ra thành năm quốc gia theo tôn giáo hay sắc tộc: xứ Kitô, xứ Alawite, xứ Sunni, xứ Druze và xứ Armenia. Sau đó hợp nhất năm xứ này lại, chia thành hai nước Syria và Libăng, tạo tiền đề cho những cuộc nội chiến ở cả hai nước này…”.

Nhà báo Nga cho rằng bất ổn ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông có sự can thiệp của Âu - Mỹ và càng làm thổi bùng thêm ngọn lửa thù hằn từ lịch sử. Ngay cả khi xảy ra vụ khủng bố Charlie Hebdo, thay vì thay đổi chính sách an ninh và nhập cư, ông Hollande chỉ quan tâm tới việc sao cho bà Marine Le Pen bên Đảng Mặt trận quốc gia (FN) không kiếm điểm chính trị.

Giám đốc Trung tâm phân tích việc buôn bán vũ khí Igor Korochenko cho rằng bọn khủng bố cố tình chọn những điểm đông người để “khiến Paris đau buồn và sợ hãi”.

Ông nhận định: “Suốt nửa năm qua, IS đã chuẩn bị một nhóm hoạt động mật phục trong lòng Paris, chỉ chờ lệnh để ra tay khi cần thiết”.

Theo ông, do tại sân vận động Stade de France Tổng thống Hollande được bố trí trong một phòng bảo vệ đặc biệt, nên “những quả bom sống” đánh bom liều chết dự tính chờ tới khi đoàn xe hộ tống tổng thống rời sân vận động hòng tiếp cận và nổ bom ngay lúc đó.

Nhưng tổng thống Pháp được sơ tán nhanh chóng nên những kẻ khủng bố không thể tới gần, đã chết trong vụ nổ.

Vũ khí bọn khủng bố lấy từ đâu? Theo chuyên gia Korochenko, ở Paris có một chợ đen vũ khí tại các khu phố mà luật pháp hầu như không chạm tới.

“Đó là những ốc đảo mà cảnh sát không muốn ghé vào, trở thành môi trường dung dưỡng cho IS. Những nhân chứng cho biết bọn khủng bố sử dụng súng tiểu liên, chất nổ, lựu đạn. Rõ ràng đây là những người trẻ đã qua đào tạo tại các trại huấn luyện IS. Nếu họ không được chuẩn bị trước và không tuân thủ những quy định mật, họ đã bị loại bỏ rồi”.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên