25/04/2015 08:05 GMT+7

​Căm giận và tha thứ

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TT - Lẫn trong vô số những tiếng chửi rủa, oán trách “quẳng” về phía bị cáo là tiếng thở dài thứ tha của người đàn bà bán vé số tật nguyền...

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Mai Hương lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 1.000 hụi viên - Ảnh: Thành Nhơn

7g sáng, bãi giữ xe trong sân tòa không còn chỗ trống. Tại phòng xét xử các băng ghế cũng nhanh chóng được lấp đầy, thậm chí nhiều người phải giành nhau chỗ đứng suốt phiên xét xử.

Cái nắng hầm hập, chói chang của những ngày chớm hè chẳng thấm tháp vào đâu so với sức nóng tỏa ra từ phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với gần 1.000 hụi viên tại TAND tỉnh Đồng Tháp.

“Nó phải bị tử hình”

Cho họ cơ hội sửa sai

Hỏi bà có giận bị cáo không khi đã lừa gạt hết số tiền bà dành dụm cả đời, bà Cúc gạt vội nước mắt nói ngắn gọn: “Giận nhưng không hận. Ai cũng có lúc sai mà. Cho họ cơ hội sửa sai đi”.

Bà kể nhiều lần bị kẻ gian giật vé số, đổi vé trúng thưởng giả khiến bà rất buồn.

“Nhưng buồn rồi thôi, ngày mai lại ra đại lý lấy vé số đi bán. Cha tụi nhỏ bỏ đi biền biệt từ ngày tụi nó mới lên hai, lên ba. Giờ tụi nhỏ chỉ biết dựa dẫm vào mình tui, nghỉ bán tội tụi nó” - bà Cúc nói.

“Nó phải bị tử hình”, “Nó vào tù chịu khổ còn gia đình nó thì sung sướng bên ngoài”... những câu nói chất chứa đầy sự hận thù vang lên tại phòng xét xử trước khi phiên tòa bắt đầu làm cho không gian trở nên ngột ngạt.

“Nó” ở đây là bị cáo Nguyễn Thị Mai Hương, đã 53 tuổi. Người tham dự phiên tòa phần lớn là bị hại với đủ mọi độ tuổi, đủ mọi thành phần xã hội.

Có người đã bước qua tuổi thất thập nhưng cũng có những cô cậu sinh viên. Có người chơi hụi để lo tiền học cho con, cũng có người chơi để phòng thân lúc về già.

Ngày thứ ba xét xử, phiên tòa đông hẳn. Có lẽ ai cũng muốn tranh thủ đến dự để nghe bản án dành cho chính người đã lừa gạt mình và phán quyết cuối cùng dành cho số tài sản chắt chiu bị chiếm đoạt.

Người ít vài triệu đồng, người nhiều đến hơn trăm triệu đồng. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Thị Mai Hương (ngụ ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP Cao Lãnh) sống bằng nghề làm vườn, đến năm 1990 tham gia chơi hụi.

Tám năm sau, Hương trực tiếp làm chủ hụi để hưởng hoa hồng 40-50% của số tiền mỗi dây hụi. Trong quá trình làm chủ, Hương giao tiền đầy đủ, đúng thời gian quy định nên được hụi viên tin tưởng. Vì vậy, càng về sau số người tham gia chơi hụi do Hương làm chủ ngày càng nhiều.

Tuy nhiên do một số người sau khi hốt hụi đã không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền hụi, nên dẫn đến Hương bị thiếu hụt.

Để có tiền giao hụi và tiêu xài cá nhân, Hương nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của hụi viên bằng cách khi mở các dây hụi thì ngoài việc lấy tên thật của mình tham gia chơi, Hương còn ghi tên hụi viên khống hoặc lấy tên hụi viên khác để hốt hụi.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 9-2010 đến cuối tháng 2-2013, Hương đã mở tổng cộng 189 dây hụi tháng và chiếm đoạt trên 14 tỉ đồng của 952 người.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, chỉ có 478 bị hại yêu cầu xử lý với tổng số tiền gần 11 tỉ đồng, còn lại không yêu cầu xử lý. Đến giữa năm 2013 Hương bị khởi tố và bị tạm giam.

“Ngày đó nghe phong thanh thông tin bị cáo sắp vỡ hụi, tui hỏi bị cáo có hay không thì bị cáo chối đây đẩy. Bị cáo còn nói với tui ai nói bị cáo vỡ hụi bị cáo cắt tai người đó. Vậy giờ hội đồng xét xử cho tui xẻo tai bị cáo được không?” - sau phát biểu của Nguyễn Thị Xuân Mai, một trong những bị hại từ vụ lừa đảo, những người tham dự phiên tòa vỗ tay rần rần.

Đáp lại, chủ tọa phiên tòa tận tình giải thích: “Bị cáo vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật trừng trị. Mức phạt của bị cáo được quy định cụ thể thông qua các quy định. Tôi biết là các bị hại rất bực tức nhưng không thể tự hành xử theo kiểu côn đồ được”.

Chủ tọa quay sang bị cáo Hương hỏi về số tiền 10 tỉ đồng bị cáo chiếm đoạt, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu nguây nguẩy kèm câu nói: “Bị cáo bị giật tới, giật lui nên số tiền đó hết rồi”.

Bị cáo vừa dứt câu trả lời, cả phòng xét xử nhốn nháo, nhiều ánh mắt liếc trừng trừng về phía bị cáo.

Cứ như thế, lần lượt mỗi người bước lên đặt câu hỏi đối chất và tranh luận với bị cáo. Có người thể hiện sự bực tức khi giơ nắm tay về phía bị cáo, cũng có người rơi nước mắt chẳng nói được lời nào.

Khi hội đồng xét xử vào phòng nghị án thì bên ngoài các bị hại vẫn đồng thanh nói lớn như thể muốn hội đồng nghe rõ: “Nó phải bị tử hình”.

Bị cáo Hương bị tuyên phạt 20 năm tù. Bước khỏi sân tòa, vẫn mồn một những âm thanh chua chát vọng lại từ nhóm người phía xa: “Nó phải bị tử hình!”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nạn nhân vụ vỡ hụi, bán vé số cho khách - Ảnh: T.Nhơn

Còn đôi tay, còn tất cả

Trong nhóm người ùa khỏi sân tòa hôm ấy có một người rất đặc biệt. Người phụ nữ ấy tóc đã hoa râm, cụt hai chân, chột một bên mắt.

Nhìn cảnh người phụ nữ men theo từng bậc tam cấp xuống chỗ xe lăn khiến những ai dự phiên tòa đều xót xa.

Tòa tan lúc 12g trưa nhưng trên tay bà vẫn còn tập vé số dày cộm. Hỏi lân la những người tham dự phiên tòa, tôi biết bà tên Nguyễn Thị Cúc, là nạn nhân trong vụ vỡ hụi mà bị cáo Mai Hương mới bị xử.

Tôi gặp lại bà Cúc bên hông nhà sách khi bà đon đả mời khách mua vé số. Nắng chiếu nghiêng, bóng bà và chiếc xe lăn trải dài trên mặt đường.

Thấy mẹ cực nhọc, người con gái út gần đó chạy lại đưa vội cho bà bịch nước mía rồi nhanh chân trở lại nơi làm việc.

Từ ngày vỡ hụi, hai người con gái của bà phải bỏ dở việc học lao vào mưu sinh đỡ đần cho mẹ. Bà kể bản thân cụt hai chân do hậu quả của bom mìn sau chiến tranh. tai nạn ấy ập xuống khi bà mới 20 tuổi.

“Khi tỉnh dậy thấy chân bị cắt bỏ tui thật sự chỉ muốn chết cho xong. Đang lành lặn bỗng chốc trở nên tàn phế ai có thể chấp nhận ngay được” - bà Cúc nói.

Sau cú sốc đầu đời bà lao vào mưu sinh với đủ thứ nghề. Thời gian đầu bà chèo ghe bán nước đá, rau củ sau đó chuyển qua bán tạp hóa, đan lục bình... Ngày được chính quyền hỗ trợ nhà tình thương và chiếc xe lăn, bà chuyển qua bán vé số vì theo bà “đan lục bình nhức lưng quá tui chịu hổng nổi”.

Mỗi ngày bà lãnh bán 150 tờ vé số, bán từ lúc 6g sáng đến 9g tối. Ngót nghét mỗi ngày bà kiếm được 150.000 đồng. Bao nhiêu tiền dành dụm được bà Cúc đều cố gắng chắt chiu để đóng hụi hòng kiếm thêm chút đỉnh nuôi hai con gái ăn học.

“Định chờ hai đứa nhỏ tốt nghiệp phổ thông, đứa nào muốn học lên cũng có tiền trang trải. Ai ngờ bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu nay mất hết. Tuy nhiên khi nghĩ đến cái lần bị bom mìn lấy mất hai chân, một mắt, tui lại có thêm nghị lực để bước tiếp. Còn đôi tay là còn tất cả” - bà Cúc chia sẻ trong nước mắt.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên