07/05/2016 09:29 GMT+7

​Gặp con ở Trường Sa

MAI HOA - MINH PHƯỢNG
MAI HOA - MINH PHƯỢNG

TTO - Những ngày nắng, gió Biển Đông thổi lên mằn mặn, mồ hôi mặn, nước mắt cũng mặn. Những giọt nước mắt hạnh phúc ngày gặp gỡ, và hạnh phúc vì những thằng Hai, thằng Út ngày nào còn lông nhông trong xóm, nay đã trưởng thành.

Chiến sĩ Lâm Quốc Thái chào tạm biệt cha - Ảnh: M.Hoa
Chiến sĩ Lâm Quốc Thái chào tạm biệt cha - Ảnh: M.Hoa

Trên chuyến tàu chở đoàn công tác ra thăm các đảo ở Trường Sa đầu tháng 4, có năm người là cha mẹ chiến sĩ. Tìm các bậc phụ huynh này không khó vì chỉ cần nhìn dáng sốt ruột, đi ra đi vào, rồi ngồi một mình nhìn đăm đăm ra phía biển có thể nhận ra ngay.

Trưởng thành ở biển

Để được cha mẹ ra thăm, các chiến sĩ ngoài đảo phải phấn đấu rất nhiều. Nhưng niềm vui gặp gỡ cũng mong manh và phập phồng lắm. Trước ngày xuất phát, ông Huỳnh Văn Sơn (huyện Hóc Môn) mới nhận được tin đoàn sẽ không ghé đảo Nam Yết như lịch trình trước đó.

Ở Nam Yết, cậu con trai Huỳnh Quốc Hưng của ông đang chờ. Vậy có đi Trường Sa nữa không? Mình tuổi cao, lại còn công việc ở nhà, ra đó không gặp được con lại càng nhớ càng thương...

Ông Sơn cứ quay quắt với những ý nghĩ đó, nhưng rồi vợ chồng ngồi bàn tính: Thôi thì cứ đi, nếu không gặp được con cũng gặp được các cháu chiến sĩ Trường Sa, cũng hình dung được con mình ăn ở ngoài đảo ra sao.

Ông gói ghém từng hộp bánh, hộp mứt, đồ ăn mang theo để tặng các cháu chiến sĩ. Trên tàu, ông hay ngồi lặng một góc. Có ai hỏi về con, khuôn mặt ông lại sáng bừng lên, nụ cười lấp lánh. Ông kể: “Nó đang học cao đẳng, tự nguyện viết đơn đi bộ đội. Rồi nó cũng tự viết đơn xin ra đảo luôn. Vợ chồng tui làm công nhân, chỉ biết định hướng cho con là cứ làm những điều gì con thấy đúng”.

Một chuyện vui trong chuyến đi

Biết chuyện ông Huỳnh Văn Sơn, trưởng đoàn công tác là ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, và phó tư lệnh quân chủng hải quân - chuẩn đô đốc Lê Minh Thành đã tạo điều kiện cho cha con ông gặp nhau. Một chiếc tàu được điều ra Nam Yết, chở Hưng về Sinh Tồn Đông gặp cha. Qua đảo Trường Sa, ông Sơn mua được một bộ bưu thiếp, có đóng dấu “Thư gửi từ Trường Sa”. Ông nói sẽ mang về tặng cho bà con lối xóm, sẽ khoe là thằng Út nhà tui nó đang ở đây nè. Giờ nó lớn lắm rồi...

 

Ngồi bên cạnh, ông Lâm Văn Vui, cha của chiến sĩ Lâm Quốc Thái (đảo Song Tử Tây), lặng lẽ thở dài. Nghe con nói thèm ăn bánh mì, sáng sớm trước khi lên đường, vợ chồng ông đặt luôn 100 ổ loại lớn nhất để mang ra cho con và các bạn cùng đơn vị.

Chẳng may, hai bịch bánh mì lớn đều rơi xuống biển. Ông nghĩ thương con, sợ con buồn nên cứ thở dài, mắt đỏ hoe. Vậy mà khi gặp nhau, Thái nghe chuyện chỉ cười toe, rồi ôm vai cha an ủi. Cậu vừa nói chuyện vừa nhanh nhẹn rót nước, pha trà mời mọi người trong đoàn.

Tốt nghiệp cao đẳng và đã đi làm được một năm, rồi hơn một năm quân ngũ càng làm Thái chững chạc hơn lên. Hỏi về công việc, về nắng gió Trường Sa, Thái hóm hỉnh chỉ vào mặt mình: “Mọi người cứ nhìn da em là biết nè”.

Trong những chiến sĩ ở đây, có lẽ Thái là người bắt nắng nhất, nước da đen nhánh. Nghe con nói vậy, ông Vui cũng bật cười theo.

Những lời thăm hỏi người thân, chuyện kể về ngày đêm luyện tập, nấu cơm ăn, về nuôi bò trên đảo, về những người bạn mới... của hai cha con tíu tít cho đến khi cha chuẩn bị lên tàu. Phút chia tay, cậu bé con ngày nào ông ôm trong lòng giờ đứng yên cho cha tựa vào mà khóc.

Cùng ở đảo Song Tử Tây với Thái, chuyến này Phạm Văn Anh Đại và Sầm Khắc Huy cũng được mẹ ra thăm. Đại và Huy là bạn thân, Đại vào bộ đội trước, Huy đi sau. Tình bạn của hai cậu bé làm hai bà mẹ mau chóng thân thiết với nhau.

Họ ở chung phòng trên tàu, săn sóc nhau từng tí một chờ ngày gặp con. Bà Anh Khoa, mẹ Đại, thủ thỉ: “Hồi ở nhà, nó đi làm thêm ở quán bar, xin mẹ cho đi học DJ. Tôi thấy nó còn nhỏ nên lo. Tôi khuyên con đi bộ đội để mai mốt về nó chững chạc hơn, biết suy nghĩ thiệt hơn mà tự quyết định cuộc đời”.

Hồi mới đi huấn luyện ở Cam Ranh, ra thăm con bà đã thấy con biết đường ăn ở với bạn bè, với chỉ huy, ai cũng quý mến. “Gọi điện về nhà biết quan tâm hỏi thăm ba mẹ với em từng tí một, khuyên em học hành ra dáng anh hai lắm”, bà cười hiền lành.

“Nó lớn quá”

Lần giở lá thư với những con chữ to đùng, nguệch ngoạc của cậu em trai, Anh Đại vừa đọc vừa cười, lại vừa lau mặt. Mồ hôi chảy ròng ròng vì nắng nóng, đôi mắt cậu cũng nhòe nước. Cậu em mới 9 tuổi, lúi húi viết thư gửi anh, gói vào bao thư tự chế, dặn đi dặn lại là mẹ không được coi trộm.

“Anh Hai có khỏe không? Gia đình mình vẫn bình thường, còn em từ đầu năm đến giờ đã có nhiều điểm 10... Mẹ bán bánh mì, cà phê, nước ngọt, còn ba đi phụ hồ cho cậu Ba. Em hứa với anh Hai em sẽ học giỏi”.

Mừng vì gặp con, nhưng trước rừng ống kính và những lời thăm hỏi từ mọi người, bà Anh Khoa cứ bối rối chẳng biết nói sao, chỉ nắm cánh tay con nắn nắn rồi nhìn con trìu mến. “Nó lớn quá”, bà cười cười. Lúc biết tin sẽ được ra thăm con, trong nhà bà nổ ra cuộc tranh luận xem ai đi, ba hay là mẹ. Bà Anh Khoa đi thì phải nghỉ bán hàng, lại thêm nữa là cái chân bị khớp, đi xa là đau không chịu được.

Hồi còn ở nhà, Đại vẫn hay tỉ tê thủ thỉ với mẹ nhiều hơn. Vợ chồng bà nghĩ có lẽ vậy nên đi xa nó sẽ nhớ mẹ nhiều, thôi để mẹ đi. Trước ngày tập trung theo đoàn, bà nôn nao cả đêm không ngủ. Người bạn đồng hành của bà cũng cùng tâm trạng. 38 tuổi đã có con là bộ đội Trường Sa, bà Đào Thị Hồng Hoa (mẹ của chiến sĩ Sầm Khắc Huy - 21 tuổi) bị mọi người gọi đùa “chị của chiến sĩ”.

Gặp con, bà mẹ “xì tin” cứ ôm lấy con, hết khóc lại cười. Bà đã bỏ mấy ngày chợ để lênh đênh trên biển, chỉ mong thấy con vẫn khỏe mạnh, học theo bạn bè cho ngoan, cho nhanh nhẹn rắn rỏi lên.

Chúng tôi nhìn thấy ở nụ cười trong nước mắt của những người mẹ, người cha khi vẫy tay chào con một sự hài lòng. Dường như những mong mỏi và tấm lòng mẹ cha được đáp đền xứng đáng. 

MAI HOA - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên