23/11/2014 10:43 GMT+7

​Mang nụ cười đến dân tị nạn

D.KIM THOA (Theo VanityFair)
D.KIM THOA (Theo VanityFair)

TT - Người ta đã quen với ý niệm trợ giúp thức ăn, nơi ở và thuốc thang cho người nghèo. Nhưng với FilmAid, tổ chức phi lợi nhuận do nhà sản xuất phim Hollywood Caroline Baron sáng lập, điều hướng tới là nhen nhóm lại tình yêu cuộc sống ở những người bất hạnh.

Một buổi chiếu phim cho dân tị nạn tại Thái Lan của FilmAid  - Ảnh: VanityFair 

Năm 1999, sau khi nghe bản tin trên Đài NPR (Mỹ) nói về cảnh sống cùng cực của những người dân tị nạn tại Kosovo. Caroline Baron nảy ra ý định mang phim tới chiếu cho họ xem.

Cô đã lên danh sách những người tham gia như nhà sản xuất phim Jane Rosenthal, tài tử Robert De Niro và các nhà tài trợ, trong đó có cả xưởng phim độc lập Miramax. Sau đó cô cùng Mary Soan, vốn là trợ lý đạo diễn trong các phim Trân Châu cảng, Chào mừng tới Sarajevo, Biên niên sử Narnia... mang phim tới Kosovo.

Và Baron sớm nhận ra việc chiếu phim không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có thể truyền đạt các bài học về kỹ năng sinh tồn cho những người tị nạn.

Năm 2000, theo đề nghị của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Baron và nhóm của cô đã mang phim tới Tanzania và Kenya, nơi có những người dân phải sống cả đời trong các trại tị nạn.

Tại Kakuma (Kenya), bộ phim đầu tiên FilmAid chiếu phục vụ khán giả là Nhập cư, một phim kinh điển có vua hề Charlot. Với Baron, cô sẽ không bao giờ quên những tiếng cười vỡ òa của khán giả hôm đó. Cô coi chúng như món quà lớn nhất với mình.

Thế rồi nhu cầu được xem phim của các khán giả đặc biệt này tăng dần. FilmAid tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động sang Colombia, vùng biên giới Thái Lan - Myanmar và thủ đô Port-au-Prince của Haiti.

FilmAid đã mang World Cup tới Haiti với các màn hình LED cỡ lớn chất lượng cao đặt tại sân vận động thành phố. Chưa hết, ở Kenya nhóm của Baron còn giúp cư dân tị nạn làm phim tham dự các liên hoan phim.

Những ngày này, khi đại dịch Ebola đang bùng phát dữ dội tại các nước Tây Phi, trợ lý đạo diễn Mary Soan chia sẻ mong muốn được tới đó để chiếu những bộ phim nói về Ebola cho người dân xem. Y tế và sức khỏe là những quan tâm cốt lõi của FilmAid.

Chị Stella Suge, người phụ trách dự án FilmAid tại Kenya, nhận xét: “Người ta chỉ muốn bỏ tiền ra mua thuốc, nhưng họ lại không muốn bỏ tiền để giúp chúng tôi nói với người dân về cách phòng bệnh. Rốt cuộc họ phải bỏ tiền chống dịch bệnh trong khi đáng lẽ có thể bỏ tiền để tuyên truyền về cách phòng bệnh”.

Với những người tham gia FilmAid, bước tiếp theo trong quá trình hỗ trợ những người không may mắn là bằng cách nào đó giúp họ thật sự mạnh mẽ hơn, vươn lên và tự định đoạt số phận. Đó là phần khó nhất và không nhiều người muốn “đầu tư”. Có lẽ vì cách làm đó tốn tiền hơn. Người ta đã quen với việc khắc phục tình trạng hơn là tìm giải pháp cho vấn đề.

Ngoài thời gian dành cho FilmAid, Baron đang thực hiện loạt phim mới Mozart in the Jungle cho Amazon. Khi so sánh những gì đang làm với FilmAid và những gì làm cho Amazon, nhà sản xuất phim Baron nói: “Sự giống nhau thì quá rõ rồi. Chúng tôi phải dùng các thiết bị làm phim như nhau, máy quay, đèn chiếu, trang phục, diễn viên... và mục đích cuối cùng vẫn phải làm sao khiến khán giả xúc động với sản phẩm của mình. Nhưng sự khác biệt thì rất vô cùng”.

Theo Baron, làm phim cho Amazon rõ ràng là một công việc mang tính thương mại, còn các nội dung phim của FilmAid đều được làm với nguồn tài chính hạn chế và không phải để bán. FilmAid là câu chuyện nhân văn.

Đó là chuyện con người có thể nhìn xa hơn việc có được thức ăn trên bàn, và ở một khía cạnh nào đó, họ lại có thể là con người. Họ có thể xem phim hề Charlot và cười phá lên. Theo nghĩa nào đó, họ lại được trở về là chính mình.

D.KIM THOA (Theo VanityFair)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên