28/07/2017 17:28 GMT+7

Em muốn học giỏi để kiếm tiền chữa bệnh tim cho mẹ

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - “Em không ước muốn gì hết, em chỉ muốn được đi học. Em sẽ cố học giỏi để sau này làm kiếm tiền chữa bệnh tim cho mẹ…” .

Căn nhà tạm của mẹ con Tùng không có vật gì đáng giá, có mỗi 1 chiếc giường cho cả 2 mẹ con ngả lưng - Ảnh: K.NAM
Căn nhà tạm của mẹ con Tùng không có vật gì đáng giá, có mỗi 1 chiếc giường cho cả 2 mẹ con ngả lưng - Ảnh: K.NAM

Đó là lời bộc bạch của cậu bé Lý Bách Tùng (14 tuổi), học lớp 8 trường THPT (cấp 2, 3) xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Nuôi con trong nghịch cảnh

Xuôi theo quốc lộ 61 chi chít ổ gà, ổ voi tới ngã ba Gò Quao (ấp An Trung, xã Định An) hỏi tên thằng bé Tùng “con bà Thoa đau tim” ai cũng biết. Hai mẹ con Tùng được lối xóm quan tâm, thương cảm bởi nhà nghèo, mẹ bệnh tật, nhưng Tùng luôn chăm ngoan, học giỏi.

Trong căn nhà làm toàn bộ bằng tôn rộng chỉ chừng 4m2 không có vật gì đáng giá. Khi chúng tôi tới, trong cái nắng hầm hập, bữa cơm trưa của 2 mẹ con Tùng chỉ có cơm trắng với chuối già.

Thấy có người lạ, bà Lý Kim Thoa (37 tuổi) vội giấu 2 chén cơm ra phía sau cái bàn nhựa rồi nói như phân trần: “Mẹ con tui ăn vậy quen rồi chú”.

Bà kể khoảng năm lên 6 tuổi, gia đình phát hiện bà bị hở van tim bẩm sinh, nhưng vì không có tiền nên đành chịu vậy. Đến lúc lấy chồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Thoa phải làm thuê quanh xóm để phụ giúp miếng ăn trong nhà. Lúc mang thai rồi sinh con vừa tròn 2 tháng tuổi, chồng bà không nói lời nào đã bỏ nhà đi biền biệt từ đó tới nay chưa một lần trở về thăm con.

Không còn chồng, bà Thoa lẳng lặng ôm con quay về ở nhờ nhà mẹ ruột. Sức khỏe ngày càng yếu, bà không làm thuê được nữa, 2 mẹ con Tùng sống hoàn toàn bám nhờ vào nhà ngoại. Nhưng cũng không được lâu, bà ngoại Tùng mất.

Các cậu, dì ra điều kiện Tùng phải nghỉ học để đi làm mướn nuôi mẹ, chứ dòng họ ai cũng nghèo làm sao bảo bọc 2 mẹ con Tùng suốt đời được. “Tui nhìn nó ham học, năm nào cũng học giỏi được thưởng tập sách miễn phí có tốn đồng nào đâu, mà thương con đứt ruột. Không lẽ vì tui mà nó phải bỏ học, rồi tương lai sau này tăm tối, nghèo khổ nữa” - bà Thoa nói.

Vậy là 2 mẹ con Tùng khăn gói dọn ra khỏi nhà ngoại. Một người em của bà Thoa thương tình cho ở nhờ trong căn nhà sửa lại trên nền nhà bếp cũ. Nhưng đây cũng chỉ là nơi ở tạm, vì em của bà Thoa sắp bán nhà lấy tiền trang trải nợ nần.

Hai mẹ con Tùng trước căn nhà ở tạm tại ấp An Trung, xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM
Hai mẹ con Tùng trước căn nhà ở tạm tại ấp An Trung, xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM

Ước mơ trở thành giáo viên

Hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng Tùng chưa khi nào có ý định bỏ học. Ngoài giờ tới trường, Tùng loay hoay với cả mớ việc từ chẻ củi, nấu cơm, giặt đồ, rồi chăm sóc mẹ… Hôm nào mẹ tới đợt tái khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh cách nhà gần 50km thì Tùng phải đi theo rồi lật đật chạy về cho kịp giờ học. Tan trường lại tất tả đi xe ôm ra viện với mẹ.

Tùng kể, bản thân em cũng bị hở van tim giống mẹ. Nhưng có lẽ nhờ tuổi còn nhỏ, nên bệnh tình chưa đến nỗi nào. Chỉ có điều là làm hơi nặng chút xíu thì phải nghỉ mệt, đi bộ cũng chỉ 4-5 phút phải dừng lại thở dốc cho hết cơn mệt rồi mới đi tiếp.

“Cạnh nhà em có mấy cơ sở làm bánh kẹo, nước lọc đóng chai…, em có xin làm nhưng họ không dám nhận. Em xin chỉ lãnh phân nửa tiền công họ cũng không chịu. Họ sợ em làm rồi lỡ có chuyện gì thì họ phải chịu trách nhiệm” - Tùng kể giọng buồn buồn.

Khi được hỏi: “Sau này em muốn làm nghề gì?”, mắt em chợt sáng lên, rồi Tùng hào hứng nói một mạch: “Em muốn làm giáo viên. Em thích làm giáo viên lắm. Em sẽ giống như thầy Hương quan tâm giúp đỡ học trò nghèo được tới trường”.

Bà Thoa tiếp lời con, thầy Hương mà Tùng mới nhắc là thầy Nguyễn Văn Hương. Thầy dạy lớp 10, không phải lớp của Tùng, nhưng thấy hoàn cảnh nghèo quá nên thầy thường xuyên xin tiền, xin gạo cho mẹ con Tùng, xin cả quần áo cũ cho Tùng mặc đi học. “Thầy tốt lắm, tết năm nào thầy cũng nhường phần bánh mứt, tiền tết của mình cho Tùng hết. Không có thầy Hương, chắc giờ này con tui đã bỏ học rồi” - bà Thoa nói.

Thầy Nguyễn Văn Hương cho biết Tùng tuy ốm yếu hơn bạn cùng lứa, nhưng được cái chăm ngoan, sáng dạ nên từ nhỏ tới hết lớp 8 năm nào cũng học giỏi. “Tôi không có gì nhiều cho các em khó khăn như Tùng, nhưng cũng cố gắng hết sức chạy tới chạy lui vận động cho các em được chút nào hay chút đó. Chỉ mong sao các em nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để thành người có ích sau này” - thầy Hương tâm sự.

Ưu tiên chính sách cho gia đình của Tùng

“Thấy hoàn cảnh mẹ con cô Thoa vậy địa phương rất thông cảm. Mấy lần thầy giáo của Tùng cùng với tụi tôi đi vận động xin tiền cất nhà tình thương cho 2 mẹ con nhưng vì cô Thoa không có đất nên đành chịu.

Hiện địa phương đã cấp sổ hộ nghèo để Tùng được miễn toàn bộ học phí, cô Thoa được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh tim.

Hằng tháng, địa phương cũng cấp sổ trợ cấp cho cô Thoa được 400.000 đồng. Số tiền tuy ít nhưng cũng đủ để 2 mẹ con cô mua gạo đắp đổi qua ngày” - bà  Nguyễn Thị Kiều Oanh, phó chủ tịch UBND xã Định An, cho biết.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên