26/05/2017 09:45 GMT+7

Khi học sinh tiểu học bàn về giới tính

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Một bạn học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) T.L.T.N. đã làm được việc có ý nghĩa: tổ chức các buổi sinh hoạt nói về xâm hại tình dục với bạn bè trong lớp.

Một buổi sinh hoạt về kiến thức chống xâm hại tình dục cho bạn bè trong lớp do T. N. tổ chức - Ảnh: T.TUYỀN
Một buổi sinh hoạt về kiến thức chống xâm hại tình dục cho bạn bè trong lớp do T. N. tổ chức - Ảnh: T.TUYỀN

N. thường đọc báo, có những gì thấy hay N. ghi vào một cuốn sổ. N. quan tâm nhiều đến các thông tin liên quan đến xâm hại tình dục, nhất là thấy nhiều vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi tiểu học. N. lên lớp kể các bạn nghe và cùng nêu giải pháp khi bị “yêu râu xanh” tấn công.

N. đã chép lại các điều hay xem và xây dựng một số tình huống chia sẻ với bạn bè bằng câu hỏi và trả lời. Chẳng hạn lúc ở nơi vắng, ít người ở, phải làm gì khi có kẻ khả nghi đi theo sau lưng mình? Giải đáp: nên tìm đám đông đi cùng hoặc rời khỏi con đường đó càng nhanh càng tốt nhưng phải khéo nhá. Hoặc khi bị xâm hại ở nơi vắng người, phải làm gì? Giải đáp: về nhà báo với cha mẹ đưa đi bệnh viện khám để lấy bằng chứng...

Các bạn cùng lớp bảo rằng sinh hoạt như vậy rất hào hứng và dễ hiểu. “Nói chuyện với các bạn, em thấy có nhiều bạn không biết hoặc chỉ biết sơ sơ về vấn đề này. Khi nói em rất tự tin vì con nít nói với nhau thì đâu có gì mà ngại” - N. nói.

Cô Đ.T.K.K. - giáo viên chủ nhiệm lớp của N. - cho biết ở lớp N. là một học sinh giỏi và là ủy viên ban chấp hành chi đội. “Khi biết em tự tổ chức sinh hoạt cho bạn bè, tôi rất ủng hộ mô hình này. Các em tự trao đổi với nhau sẽ thoải mái nói ra những thắc mắc của mình, bổ sung kiến thức cho nhau. Tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ và định hướng thêm nội dung, tư vấn cách truyền đạt cho em” - cô K. nói.

N. kể trước đây khi em hỏi chuyện này thường bị mẹ la: “Tại sao con tò mò thế hả? Chỉ nên quan tâm đến chuyện của con thôi, chuyện này là của người lớn”. Nhưng nay mẹ N. đã là “đồng minh” của bạn nhỏ này rồi.

Một số người bạn của mẹ N. thấy N. xuất hiện trên truyền thông nói về xâm hại tình dục thì tỏ ra lo ngại “chuyện đó nhạy cảm quá”. “Thật vui vì mẹ đã trả lời một câu rất đúng ý em: Nếu như ai cũng vậy thì cả cái xã hội này không ai dám lên tiếng. Mẹ ủng hộ em. Có những lúc hai mẹ con còn đóng cửa tập dượt với nhau”.

Chị L.T.V. - mẹ của N. - cho biết: “Khi biết con tổ chức sinh hoạt nói chuyện với các bạn, tôi rất bất ngờ. Hôm tôi đi dạy về thấy cháu ngồi lúi húi với một tệp câu hỏi dày cộp. Cháu bảo mẹ phụ trả lời. Lúc thấy những câu hỏi mà các bạn đặt ra, tôi thấy thú vị quá và khuyến khích con tiếp tục làm những điều có ích đó”.

Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; rà soát, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

QUỐC DŨNG

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên