09/12/2016 11:11 GMT+7

Học trò diễn thời trang để học hóa học

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Các người mẫu - học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM tinh nghịch trình diễn những bộ trang phục đầy màu sắc, phá cách được làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường, tái chế từ rác thải.

Học sinh khối 11 trình diễn trang phục làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường hoặc tái chế từ rác thải - Ảnh: Phương Nguyễn

Cuộc thi “Thời trang và hóa học” là một phần trong nội dung buổi sinh hoạt ngoại khóa mang tên “Hóa học vui”, do tổ hóa học của trường tổ chức, cùng sự tham gia của toàn thể học sinh khối lớp 11.

Thông điệp từ thầy cô

Bước ra trong tiếng vỗ tay reo hò từ khắp sân trường, Thanh Phương (lớp 11A14) mặc trên mình chiếc váy màu hồng bay bổng, đáng yêu làm bằng giấy. Theo sau Thanh Phương là các bạn nữ khác cũng mặc những chiếc váy ngộ nghĩnh, được gắn thêm ống hút, ly nhựa, vỏ chai một cách khéo léo, thẩm mỹ.

“Giấy là một loại vật liệu được làm từ thành phần chính là các sợi cellulose, và được tạo thành mạng lưới nhờ lực liên kết hydro không có chất kết dính...

Với chất liệu giấy lụa mềm và nhẹ, cùng với các vật dụng khác như ống hút, ly nhựa, các nhà thiết kế đã cho ra mắt những bộ trang phục trẻ trung, năng động, kêu gọi bảo vệ môi trường” - MC của chương trình giới thiệu.

Không chỉ dừng lại ở các bộ trang phục dạo phố hay dự tiệc, trong buổi trình diễn thời trang này, các nhà thiết kế học sinh còn mang đến trang phục truyền thống của các nước như kimono của Nhật Bản, sari của Ấn Độ, áo bà ba Việt Nam...

Mỗi bộ trang phục đều được các bạn giới thiệu chi tiết từ chất liệu làm ra nó là chất hóa học nào, và các ứng dụng của chất đó trong cuộc sống hằng ngày.

Đặc biệt, lớp 11A3 đã thể hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ qua những bộ trang phục lạ mắt, cùng câu chuyện về các phản ứng hóa học giữa đồng và các chất khác.

Thời gian cho học sinh chuẩn bị là ba tuần. Tuần thứ nhất, mỗi lớp nhận được một thông báo đề tài. Sau đó, thầy cô đứng lớp trao đổi, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn học sinh về đề tài.

Ví dụ, khi nhiều em băn khoăn không hiểu có sự liên quan gì giữa hóa học với thời trang, thầy cô đã chỉ ra những sự liên quan và gợi ý hướng đi đề tài cho học sinh.

Tuần thứ hai, thầy cô theo sát, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức và chỉnh sửa nội dung thuyết trình cho học sinh. Tuần cuối cùng, khi các em thực hiện các bộ trang phục và tập dượt trình diễn, thầy trò cùng nhau duyệt đi duyệt lại, kiểm tra nhiều lần, để đảm bảo kiến thức hóa học gắn liền với từng trang phục là chính xác.

"Vấn đề bảo vệ môi trường đang rất cấp thiết. Và những việc mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ môi trường đó chính là tái chế rác thải, và sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường". Đây là thông điệp mà thầy cô tổ hóa học gửi đến học sinh toàn trường qua buổi sinh hoạt ngoại khóa này.

“Em rất bất ngờ với thông điệp của thầy cô. Ban đầu, em đoán thông điệp của thầy cô sẽ liên quan đến một nhà hóa học hay một nguyên tố hóa học nào đó. Em không nghĩ thầy cô sẽ gửi đến chúng em thông điệp bảo vệ môi trường. Hóa ra hóa học lại liên quan đến nhiều điều trong cuộc sống như vậy” - Lê Minh Thư, học sinh lớp 12A1, chia sẻ.

Luôn đổi mới trong giảng dạy

Bên cạnh cuộc thi "Thời trang và hóa học”, buổi sinh hoạt ngoại khóa còn đem đến cho học sinh Trường Trần Khai Nguyên những màn trình diễn hóa học thú vị từ thầy cô. Hàng ngàn đôi mắt tò mò đã chớp không ngớt khi dõi theo các thí nghiệm như mồi lửa bằng nước, biến đổi màu sắc chất lỏng với amoniac...

Theo cô Trần Vân Thu, tổ trưởng tổ hóa học của trường, tất cả các thành viên trong tổ đã đóng góp ý tưởng và lên kế hoạch cho buổi sinh hoạt ngoại khóa “Hóa học vui” từ đầu tháng 9.

“Để có buổi sinh hoạt chất lượng như ngày hôm nay, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng. Đây là một sự chắt lọc kiến thức dài hơi, chứ không phải ngày một ngày hai mà làm được. Thầy cô lúc nào cũng phải suy nghĩ để tìm ra ý tưởng mới trong giảng dạy” - cô Thu nói.

Mỗi năm, chương trình “Hóa học vui” tổ chức ngoại khóa dưới sân trường một lần. Chủ đề và phương thức thực hiện buổi ngoại khóa được đổi mới theo từng năm, để không trở nên nhàm chán cho cả người thực hiện và người xem.

Qua học kỳ II, chương trình sẽ thay đổi theo hình thức sinh hoạt câu lạc bộ trong phòng, vì các buổi sinh hoạt này cần có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị.

Kết thúc buổi sinh hoạt ngoại khóa “Hóa học vui”, thầy Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, chia sẻ:

“Tôi thấy những hoạt động ngoại khóa như thế này có sự nhẹ nhàng và lan tỏa, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Để thực hiện được các buổi sinh hoạt ngoại khóa hiệu quả, đội ngũ giáo viên phải hết lòng hết sức vì điều này.

Người thầy không chỉ có năng lực mà còn phải có tâm huyết, nhiệt tình khơi gợi sự hứng thú, sáng tạo nơi học sinh”.

Cơ hội để học sinh thể hiện sự sáng tạo

“Chúng tôi muốn các em có niềm đam mê, trải nghiệm nhiều hơn trong học tập. Bên cạnh việc học những kiến thức khô khan, thì những lần sinh hoạt ngoại khóa như thế này là cơ hội để học sinh thể hiện suy nghĩ cá nhân và sự sáng tạo của bản thân.

Đó cũng là mục đích việc thay đổi phương pháp dạy học của nhà trường trong những năm qua, lấy học sinh làm trung tâm, theo hướng phát triển năng lực của các em” - thầy Huỳnh Công Phúc, một trong những giáo viên lên ý tưởng cho buổi sinh hoạt “Hóa học vui”, cho biết.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên