04/10/2016 09:06 GMT+7

Giấc mơ giảng đường bên quán chè đêm

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Mấy ngày qua, quán chè đêm ven đường - chỗ làm thêm của Sự - bỗng chộn rộn hẳn với cái tin Sự sắp trở thành tân sinh viên.

*** Error ***
Đi làm để có tiền đi học là niềm vui của Sự - Ảnh: N.TÀI

“Sự là học trò ngoan, sớm lam lũ và rất có hiếu. Hiếm có em nào được như em vừa đi học vừa đi làm lại năng động trong các hoạt động của trường

Thầy HÀ MINH TRÍ (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Sự)

Người dân thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã quá quen với hình ảnh cô học trò Đặng Hồng Sự (Trường THPT Lai Vung 1) bưng bê chè suốt ba năm học THPT.

Bà Trần Thị Ngọc Yến (mẹ Sự) làm công ở xưởng kem rồi phụ việc nhà với thu nhập 50.000 đồng/ngày, vừa đủ đong gạo và sinh hoạt phí trong nhà. Để đỡ đần cho ngoại, cho mẹ, mới lên 10 Sự đã biết tranh thủ cuối tuần, ngày hè cắp rổ ra đồng bắt ốc, hái rau mang ra chợ bán.

Nhà không có nhiều đất, vậy mà Sự vẫn tìm mấy cái thau bể, rổ hư hoặc mấy cái thùng xốp bỏ để trồng một ít rau thơm, mấy cây ớt, cây hành, dăm bụi nha đam. Rau thì để nhà dùng, còn nha đam Sự dành để bán cho mấy tiệm chè.

Cặp mé nhà Sự cũng trồng ít cây đu đủ. Đất đai cằn cỗi lại chẳng được bón phân nhưng những cây do Sự trồng vẫn sống tốt, đơm hoa kết trái.

Khi lớn hơn, cứ sau bữa cơm chiều mỗi ngày là Sự tất tả đạp xe ra chợ Lai Vung chạy bàn cho một quán chè ven đường đến nửa đêm mới về. Mỗi đêm Sự kiếm được 30.000 đồng tiền công, tích góp để đi học.

Bà Yến dù trong bụng trong dạ không yên mỗi lần thấy con về khuya nhưng cũng đành vậy vì con quá ham học mà tiền công giúp việc nhà của bà thì không thể kham nổi. Khi phụ bán hàng, gặp bạn bè nhưng Sự vẫn không thấy mặc cảm.

“Kể cả công việc giúp việc nhà của mẹ tôi cũng chẳng giấu giếm nếu ai hỏi. Với tôi miễn được đi học là vui rồi”, Sự cười.

Bà Dương Thị Hoa, chủ quán chè, cho biết: “Nhìn ốm nhách vậy chứ siêng và nhanh nhẹn lắm. Chiều học gần 5g mới tan trường nhưng 5g30 đã có mặt ở quán dọn bàn ghế ra sẵn. Có hôm thấy Sự bệnh cũng ráng làm, tui nói mấy cũng không chịu nghỉ”.

Khi vãn khách, dọn quán xong Sự lục đục đạp xe về nhà cách đó hơn 5km. Thân gái một mình, đường về nhà giữa trời đêm khuya khoắt nên nhiều hôm Sự nấn ná đợi cô chú chủ quán chè để về cùng một đoạn cho đỡ sợ.

Ba năm làm thêm Sự ky cóp được một số tiền. Đùng một cái, mẹ Sự bị ung thư buồng trứng ác tính, phải phẫu thuật và vô hóa chất. Thế là số tiền dành dụm của hai mẹ con đều dành cả cho mẹ điều trị.

Thấy mẹ rầu lo và tự trách bản thân, Sự trấn an mẹ: “Con đã sớm thiếu vắng tình thương của cha, nếu mẹ cũng vậy thì con nương tựa vào ai”.

Hay tin con thi đậu, dù vết thương sau phẫu thuật chưa lành hẳn, bà Yến vẫn gắng gượng đi lột hột điều rồi đan lợp. “Tui tự lo cho bản thân để con Sự không quá cực nhọc” - bà Yến nói.

“Tôi sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền đi học và lo thuốc thang cho mẹ” - giọng Sự nghẹn ngào khi thấy mẹ thở dốc trên giường.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên