21/12/2014 09:00 GMT+7

​Nghèo khó cũng phải cho con đến trường

A LỘC - XUÂN AN
A LỘC - XUÂN AN

TT - Đó là mong muốn chung của 60 hộ nông dân Đồng Nai được hỗ trợ vốn vay không lãi suất của chương trình.

Chị Đinh Thị Thanh giúp con gái Nguyễn Thị Ngọc Lan học bài - Ảnh: A Lộc
Chị Đinh Thị Thanh giúp con gái Nguyễn Thị Ngọc Lan học bài - Ảnh: A Lộc

* Trao vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” dành cho 60 hộ nông dân Đồng Nai
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Greenfeed  * Phối hợp: Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai

Như vợ chồng anh Nguyễn Minh Kháng (32 tuổi) và chị Đinh Thị Thanh (30 tuổi) ngụ ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh chị vẫn quyết tâm cho hai con nhỏ được đến trường.

Vượt qua nghịch cảnh

Trao vốn cho 60 hộ nông dân Đồng Nai

Hôm nay 21-12, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Greenfeed VN tổ chức lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ nông dân thuộc hai huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Mỗi hộ được hỗ trợ vốn 15 triệu đồng và thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng, ngoài ra sẽ được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh...

Tại lễ trao vốn, chương trình còn trao thưởng 1 triệu đồng/suất dành cho con em hộ nông dân vượt khó học giỏi, tặng quà đặc biệt cho năm gia đình tiêu biểu vượt khó lo cho con ăn học và trao thưởng cho sáu hộ nông dân làm ăn hiệu quả từ đồng vốn được cấp trong giai đoạn 2012-2014.

Đến nay sau hơn bốn năm, chương trình đã hỗ trợ tổng nguồn vốn gần 24 tỉ đồng cho 1.200 hộ nông dân ở 14 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Hưng Yên, Quảng Nam, Hải Dương, Nghệ An và Hà Nam (có địa phương được nhận vốn vay lần hai).

Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện chăm lo con em ăn học.

Giai đoạn 4 (2014-2016) của chương trình, ban tổ chức sẽ dành 7 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chí thú làm ăn, có con em học giỏi của bốn tỉnh Bến Tre, Đắk Nông, Nghệ An, Đồng Nai vay vốn không lãi suất để đầu tư vào chăn nuôi gà, vịt, heo, cá.

THÁI BÌNH

Từ đường lộ dẫn vào nhà anh Kháng là con đường đất đỏ quanh co, đầy bụi. Trên 3 sào đất mà vợ chồng anh Kháng được cha mẹ để lại, phần lớn là đất đá cằn cỗi, chỉ trồng được một số loại cây hoa màu ngắn ngày nhưng năng suất không cao.

Đã vậy cái khó lại quấn cái nghèo, cách đây ba năm chị Thanh bị bệnh bướu cổ, khó thở, phải điều trị thường xuyên tại bệnh viện. Bệnh trở nặng, chị không thể làm thuê làm mướn phụ chồng mà chỉ giúp được việc nhà và đưa đón con đi học.

Mỗi tuần ba buổi, chị Thanh phải đón xe gần 100 cây số lên TP.HCM để châm cứu, trị liệu. Vì thế, mọi gánh nặng lại đổ dồn lên đôi vai anh Kháng. Thương vợ thương con, anh Kháng quần quật kiếm tiền, hết làm vườn lại đào ao thả cá, bắt dê nuôi, mua heo rừng về thả...

Đã khó lại càng khó hơn khi một năm trước Nhà nước giải tỏa khu đất nhà anh để làm đường điện cao thế. Mất đất, không nhà trong khi tiền đền bù giải tỏa chỉ được gần 100 triệu đồng.

Vợ chồng anh chị phải vay mượn thêm của bạn bè, người thân vài chục triệu để xây dựng căn nhà khác làm nơi trú ngụ. Dành dụm hết tiền xây nhà nên vợ chồng anh không còn vốn làm ăn.

Vậy là ước mơ có một khoản tiền để sửa sang lại khu chuồng trại chăn nuôi heo, đắp lại bờ ao thả cá, mua ít con dê cái để nhân đàn đến nay anh chị vẫn chưa thực hiện được.

Đời con phải thoát nghèo

Cưới nhau từ năm 2005, đến nay vợ chồng anh Kháng đã có được hai con. Bé lớn tên Nguyễn Thị Ngọc Lan (7 tuổi) hiện đang học lớp 2/6 Trường tiểu học Sông Mây (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), bé nhỏ tên Nguyễn Vũ Minh Khôi (4 tuổi) đang học mẫu giáo.

Anh Kháng cho biết con cái chăm ngoan, học giỏi chính là động lực lớn nhất giúp vợ chồng anh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

“Cuộc sống tuy vẫn còn vất vả, nhưng bằng bất cứ giá nào vợ chồng tôi sẽ cố gắng lo cho các con đến trường. Chỉ có học mới có kiến thức để sau này làm chủ cuộc sống, để không phải vất vả như cha mẹ” - anh Kháng nói.

Mới đây, anh Kháng vừa gom góp tiền thả 20kg cá giống, mười con heo rừng, năm con dê và trồng được hai sào bắp. Đó là tất cả tài sản trong gần 10 năm vợ chồng anh tích cóp được để đầu tư sản xuất.

Một trong những lo lắng lớn nhất của anh hiện nay là thiếu vốn để đầu tư mua thức ăn chăn nuôi, cải tạo trang trại, ao vườn. Bởi vậy khi hay tin gia đình mình sẽ được nhận trợ vốn từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, vợ chồng anh chị mừng rơi nước mắt. Chị Thanh nói: “Mừng đến thao thức hằng đêm không ngủ được”.

Anh chị cho biết sau khi tiếp nhận số vốn này sẽ đầu tư sửa chữa chuồng trại, bắt thêm heo về nuôi, mua thêm cá giống về thả. Hai vợ chồng sẽ cố gắng xây dựng kinh tế gia đình ổn định hơn, có điều kiện tốt nhất để các con học hành nên người.

Chuyện của bà mẹ nuôi sáu đứa con

Nằm cách trung tâm huyện Tân Phú gần 10km, con đường đất dẫn vào ấp Suối Đá, xã Thanh Sơn đi lại rất khó khăn. Ở ấp Suối Đá hỏi nhà chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (41 tuổi) ai cũng biết vì đã nhiều năm nay một tay chị nuôi sáu đứa con ăn học.

Gia đình chị Hằng được liệt vào diện hộ nghèo nhất nhì ấp Suối Đá với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến căn nhà tình thương vừa được Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Sơn xây tặng mẹ con chị Hằng mới thấy hết nỗi khổ của gia đình bà mẹ đơn thân này.

Năm 2013, do mắc phải căn bệnh ung thư gan nên chồng chị qua đời để lại sáu đứa con, từ đó đến nay một tay chị tảo tần nuôi dưỡng các con ăn học bằng việc đi làm thuê làm mướn. Chị không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc gì miễn kiếm được tiền.

Sức khỏe chị Hằng ngày càng sa sút, lại đau ốm thường xuyên nên ba đứa con lớn lần lượt phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ lo cho các em tới trường. Cả ba đứa con được đến trường đều học rất giỏi và chăm ngoan, biết giúp đỡ mẹ công việc gia đình.

Điển hình như con gái nhỏ nhất của chị Hằng là bé Hoàng Thị Ngọc Tuyến, học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Thanh Sơn, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vất vả nhưng năm nào em cũng là học sinh giỏi của trường.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn, cho biết hoàn cảnh mẹ con chị Hằng thuộc loại khó khăn nhất xã, bản thân chị là người chịu khó, có nghị lực vượt khó vươn lên, các con chị đều chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn. Dù vậy do nhà đông con nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

A LỘC - XUÂN AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên