* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên 12 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và 12 tỉnh, thành đoàn đồng bằng sông Cửu Long
* Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty phân bón Bình Điền, VTV9 và báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức)
Trí làm cỏ thuê kiếm tiền đi học - Ảnh: Thùy Trang |
Trang tranh thủ bắt cua phụ cha mẹ mưu sinh - Ảnh: Thùy Trang |
Ước mơ chung của tất cả các bạn là đến được giảng đường đại học, học hành thành tài để giúp gia đình thoát khổ...
“Làm thầy chứ không làm mướn”
Nguyễn Thanh Trí, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã trả lời thẳng thắn như vậy về ước mơ sau này của mình.
Lên 8 tuổi Trí mồ côi cha, tài sản trong nhà cũng kiệt quệ sau căn bệnh hiểm nghèo của cha. Hai mẹ con Trí cất chòi lá ở nhờ trên đất người bà con. Mọi gánh nặng cơm áo hằng ngày đều đè lên đôi vai nhỏ bé của mẹ. Còn nhỏ tuổi nhưng những lúc mẹ đi làm thuê cho người ta, Trí đều lúp xúp chạy theo phụ mẹ, có khi khiêng cỏ, gom củi, lùa vịt...
Trí kể năm học lớp 9 thấy mẹ thường ngất xỉu do cao huyết áp lại làm thuê suốt ngày nên giấu mẹ nghỉ học đi làm phụ hồ. Đến khi mẹ phát hiện, mẹ chặt mấy nhánh mai trước nhà rọc hết lá bắt Trí nằm sấp rồi quất vào mông tới tấp, vừa quất mẹ vừa khóc và nói dù mẹ khổ trăm bề cũng không muốn con dốt nát...
Sau trận đòn đó, Trí đi học lại và càng gắng học giỏi hơn xưa. Hết giờ học, Trí xin đi làm thuê phụ mẹ từ làm cỏ, chặt mía đến bón phân, cào hến... và cam kết không để ảnh hưởng tới việc học. Em đã giữ đúng lời hứa với mẹ, ba năm học cấp III đều đứng đầu lớp.
Trí đậu thủ khoa ngành quản trị kinh doanh và sư phạm Anh Trường ĐH Cần Thơ nhưng chọn ngành sư phạm để mẹ bớt gánh nặng tiền bạc.
Trong khi đó, từ bé gánh nặng gia đình dường như đổ hết lên vai tân sinh viên Võ Thị Trang (Trà Ôn, Vĩnh Long). Ba bị tâm thần, mẹ cũng ngồi một chỗ do bị teo cơ.
Thầy Võ Tấn Lực, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Trang, cho biết sau giờ học Trang lại tất bật ra đồng mò cua bắt ốc để kịp giao hàng mỗi tối cho đầu mối. Có những đợt vô mùa thì sáng em ra đồng tranh thủ bắt một mớ rồi trưa đi học về bắt tiếp. Cố gắng lắm mỗi ngày Trang kiếm được chục ký cua, ốc, bán được gần 100.000 đồng lo chi phí ăn uống trong nhà và thuốc thang cho ba mẹ.
“Có hôm đi học trễ, tưởng em lo bắt cua cúp tiết học nên tôi có rầy la em, hỏi ra mới biết trọn đêm đó em đi khắp xóm để tìm ba đi lang thang...” - thầy Lực bùi ngùi.
Trang tâm sự nhiều lúc cực quá em cũng muốn nghỉ học “Nhưng chỉ có thành tài em mới có thể chăm lo cho ba mẹ tốt hơn, em hi vọng rồi cũng có ngày ba mẹ sẽ được chữa bệnh đàng hoàng” - Trang nói.
Em chọn thi ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Cần Thơ và đạt 22 điểm. Trang đã chạm tay tới ước mơ nhưng nỗi lo đi học xa nhà, ba mẹ không ai chăm sóc luôn làm em đau đáu.
An đi bán vé số để nuôi việc học - Ảnh: Minh Tâm |
Kỳ nỗ lực học để có tương lai sáng hơn - Ảnh: Thùy Trang |
Hai chàng trai mồ côi, bán vé số vào đại học
“Tiếp sức đến trường” đến đồng bằng sông Cửu Long Tối 10-10 tại TP Cần Thơ, học bổng “Tiếp sức đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 384 của báo Tuổi Trẻ sẽ trao 217 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc 12 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau). Tổng trị giá học bổng là 1 tỉ 85 triệu đồng (5 triệu đồng/suất) được trích từ Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” 1 tỉ 15 triệu đồng, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt - ủng hộ 10 suất trị giá 50 triệu đồng cho quê nhà Vĩnh Long và ông Nguyễn Lê Bách bốn suất trị giá 20 triệu đồng cho Cà Mau. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20g ngày 10-10-2014 trên kênh VTV Cần Thơ 1. |
Cha mất khi An còn trong bụng mẹ. Năm An 5 tuổi, vì chén cơm manh áo và chuyện học của con, người mẹ đành đứt ruột gửi con lại cho mẹ mình, lên Cần Thơ kiếm sống với những tờ vé số.
Đến năm An 10 tuổi, bà ngoại mất, mẹ con An thuê phòng trọ bán vé số mưu sinh. Trong thời gian này người mẹ vướng phải căn bệnh não khiến trí nhớ bắt đầu sa sút. Từ đó cậu học trò lớp 5 sau mỗi buổi học lại theo mẹ lãnh phần nhận và thối tiền cho khách.
Cứ vậy, hai mẹ con đi khắp đường phố ngõ hẻm của TP Cà Mau bán vé số...
Trong căn nhà nhỏ, Trương Thái An, 22 tuổi, tân sinh viên ngành khoa học máy tính Trường ĐH Cần Thơ, đang một mình nấu nướng sau bốn tiết học ở trường. Ăn xong cơm, An vội vã đi bán vé số...
Đến khoảng 2g chiều, An trở về nhà bởi em còn học hai tiết cuối. Mặt nhễ nhại mồ hôi, An tâm sự:“Mỗi ngày em chỉ bán 30 tờ, lời khoảng 30.000 đồng. Hôm nào học sáng, em bán trưa. Học chiều, em bán sáng. Học cả ngày, em bán tối...”.
Khi An sắp vào lớp 11, hai mẹ con quyết định rời quê lên Cần Thơ mướn nhà trọ tiếp tục bán vé số. Bấy giờ bệnh não của người mẹ ngày càng nặng, An phải cận kề bên mẹ suốt. Đi bán vé số hoặc làm bất cứ việc gì, An cũng chở mẹ theo.
Tuy nhiên khi đi học, An buộc phải để mẹ ở nhà. Và không biết bao nhiêu lần sau buổi học, về thấy nhà trống hoác là An quáng quàng đi tìm mẹ...
Suốt một năm ròng tự luyện, đợt thi năm 2013 An chỉ thiếu 0,5 điểm là chạm tới ước mơ đặt chân vào giảng đường Đại học Cần Thơ.
Buồn nhưng không nản, An quyết định luyện tiếp cho năm sau. Những tưởng hạnh phúc sắp đến với hai mẹ con thì vào một đêm cuối năm 2013, người mẹ đáng thương đã ra đi bỏ An côi cút trên đời.
Nén đau thương, nửa năm mưu sinh miệt mài đèn sách để rồi chàng trai mồ côi ấy đã vượt vũ môn trong kỳ thi đại học năm 2014 khi cùng lúc đậu hai ngành: quản trị kinh doanh và khoa học máy tính Trường ĐH Cần Thơ.
Có hoàn cảnh bi thương như An là Lê Thiên Kỳ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học cũng đúng ngày giỗ ba mẹ Kỳ. Vì mẹ mất sớm nên Kỳ không nhớ được ngày giỗ, chỉ nhớ ngày giỗ của ba nên hằng năm em cúng ba mẹ cùng ngày.
Lớn tuổi cộng thêm làm việc vất vả nên mẹ Kỳ đột ngột qua đời khi Kỳ vừa bước chân vào lớp 1, trước đó mẹ còn ráng đi bán vé số dành dụm mua cho em bộ đồ mới để đi học.
“Ba rất thương em, không để em thiếu thốn thứ gì, ba làm đủ nghề như bán vé số, chở thuê, bốc vác, không bữa cơm nào ba để em thiếu đồ ăn” - Kỳ nói chậm rãi.
Đến năm Kỳ lên lớp 7, ba cũng bỏ em đi sau một cơn hen suyễn...
Đột ngột bơ vơ giữa cuộc đời, Kỳ nghỉ học liền một tháng. Nhớ tới lời ba lúc còn sống luôn dặn đi dặn lại dù sao cũng phải gắng học để không cực khổ giống ba, Kỳ đi học lại. Nhưng Kỳ cũng chưa biết sẽ sống ra sao vì cơm ăn còn không có, làm sao có tiền đóng học phí, mua tập sách...
Rồi Kỳ tìm đến đại lý vé số quen với ba xin lấy vé số chịu đi bán. Ngoài giờ học, Kỳ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán vé số, “mỗi ngày em kiếm được vài chục ngàn đủ tiền ăn và chi phí lặt vặt, còn tiền trường mỗi năm nhà trường đều miễn nên em đi học không tốn nhiều lắm” - Kỳ nói.
Nỗi cơ cực, côi cút đơn độc không làm Kỳ gục ngã. Những tấm giấy khen học sinh giỏi hằng năm Kỳ đặt ngay ngắn lên bàn thờ để khoe với ba mẹ và cũng tự động viên mình không đầu hàng số phận.
Ước mơ được đến giảng đường đại học của cậu bé mồ côi bán vé số ngày hôm nay đã thành sự thật. Kỳ đã đậu ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Cần Thơ với số điểm 22.
Bây giờ hằng ngày Kỳ phụ bưng bê ở quán để có thêm tiền trang trải trong những năm học sắp tới. Trước đó, em đã ứng trước ba tháng lương và nhờ một số thầy cô, bạn bè ủng hộ, Kỳ đã đóng được học phí đầu năm.
“Bốn năm nữa thôi, em sẽ cố gắng thật nhiều, sẽ không lùi bước. Em tin ba mẹ vẫn luôn dõi bước và phù hộ cho em thành công” - Kỳ khẳng định.
Hai cha con và sọt bánh mì dạo... Là con út trong gia đình có bốn anh em, tuổi thơ của Nguyễn Thị Mỹ Tiên (ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) là những ngày sống kiếp thương hồ, lênh đênh theo cha mẹ trên sông nước. Cả gia đình gồm sáu thành viên sống chen chúc trong chiếc ghe nhỏ. Cha mẹ Tiên theo nghề mua bán trái cây nhưng rồi việc mưu sinh trên sông nước không giúp gia đình đủ sống, nên sau đó họ quyết định lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Không đất đai sản xuất nên cả gia đình chỉ còn cách đi làm thuê làm mướn. Sau đó người cha xoay sang bán bánh mì dạo, còn người mẹ cắt lúa mướn, nuôi vịt... Mỗi ngày để bán 100 ổ bánh mì kiếm lời 40.000 đồng, từ 4g sáng người cha đã đạp xe rong ruổi khắp tuyến đường quê. Có những hôm trời mưa gió bão bùng, lạnh run người nhưng người cha vẫn khoác áo mưa đi bán. Cha Tiên thổ lộ những ngày bão bùng cũng phải bán vì bánh mì đã đặt trước với chủ lò rồi. Hôm nào nghỉ đột xuất là phải ôm “hàng” chịu lỗ. Điều quan trọng là nếu nghỉ bán ngày nào là cái đói xộc vào nhà ngày ấy, rồi còn chuyện học hành của con nữa. Ông tâm sự: “Vợ chồng tui nghèo nên con cái dốt hết, chỉ còn mình Tiên, phải ráng lo cho đường đời nó sáng sủa như người ta”. Biết gia cảnh nghèo nên từ năm lên 10, Tiên đã sớm phụ giúp cha mẹ trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Tiên đi mò cua bắt ốc, cắt cỏ mướn, phụ việc ở quán bún. Lớn lên một chút, Tiên đạp xe đi bán bánh mì dạo khắp các ngả đường. Tiền lời từ những ổ bánh mì Tiên đưa hết cho cha mẹ, còn một ít để dành trang trải việc học. Tiên tâm sự trong ký ức lưu giữ hoài hình ảnh 2g đêm cha mẹ vẫn phải dầm sương cắt lúa mướn để kịp giữ lời hứa với chủ ruộng, nếu không mùa vụ năm sau chủ không mướn cắt nữa. Nhiều lần cha bệnh nặng, hai mẹ con cắt giữa đêm mưa gió mịt mù. Cái lạnh cắt da run lập cập không đáng sợ bằng những tia sấm chớp ngoằn ngoèo kèm theo những tiếng nổ long trời. Hơn ai hết, Tiên biết tính mạng hai mẹ con rất nguy hiểm giữa đồng không mông quạnh... Thương cha mẹ nên Tiên quyết chí học để sau này có cái nghề trong tay, tự lo bản thân và trả hiếu cho cha mẹ. Tiên bộc bạch: “Mấy anh chị em đã lập gia đình, ai cũng nghèo nên không đỡ đần được gì cho cha mẹ. Riêng em may mắn được học hành nên phải cố học để sau này thay anh chị lo phụng dưỡng cha mẹ. Giờ cha em cũng đã lớn tuổi rồi...”. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay Tiên đậu vào ngành sinh học Trường ĐH Cần Thơ. Mới nhập học chỉ mấy ngày Tiên đã xin vào làm ở căngtin trường để kiếm tiền trang trải việc học. Cánh cửa tương lai tươi sáng đã bắt đầu mở ra, tuy nhiên khó khăn vẫn còn phía trước... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận