27/08/2016 14:27 GMT+7

Thủ tướng lưu ý việc “xin” giao dự toán thấp

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Mặc dù đã cải tiến nhiều trong công thức dự toán nhưng ở chỗ này chỗ khác còn vấn đề thỏa thuận dự toán. Trung ương thì không tăng nhưng địa phương lại vượt quá nhiều...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu còn tình trạng bí thư, chủ tịch các tỉnh, TP vẫn lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp để thực hiện vượt thu - Ảnh: XUÂN LONG
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu còn tình trạng bí thư, chủ tịch các tỉnh, TP vẫn lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp để thực hiện vượt thu - Ảnh: XUÂN LONG

Thủ tướng có truyền đạt, nhắc và yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ việc khi xây dựng dự toán giao cho các địa phương, Bộ Tài chính chưa chín chắn. Bí thư, chủ tịch các tỉnh, TP vẫn lên Bộ Tài chính đề nghị giao dự toán thấp để thực hiện vượt thu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng như vậy khi tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính sáng 26-8. Vượt thu thì có một phần được dành làm lương, một phần để lại đầu tư.

Vẫn còn thỏa thuận dự toán

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết quan điểm của bộ là rất quyết tâm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. “Bộ Tài chính đã cho rà soát 70 quy trình về thuế để rút giờ thực hiện, hải quan cũng vậy. Sau đó cả bộ máy thực hiện mới đảm bảo được cải cách thực sự. Chúng tôi hứa với Chính phủ là tiếp tục cải cách, đưa cải cách đi vào thực chất” - ông Dũng cam kết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận ngay trong lĩnh vực thuế cũng có cái làm tốt, có cái làm chưa tốt. “Bộ Tài chính vừa xây dựng, vừa hướng dẫn và vừa thực hiện. Vì thế, cũng có người nói như vậy là không khách quan, nhưng chỗ này chắc chưa thể thay đổi được” - ông Dũng nói.

Đề cập đến vấn đề xây dựng dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận trách nhiệm và tiếp thu những nội dung Thủ tướng lưu ý. Ông Dũng cho biết tình hình thu ngân sách trung ương năm nay đang gặp khó khăn, đồng thời cũng thừa nhận thu ngân sách các địa phương đã đạt trên 70%, còn trung ương mới đạt 53-54%. “Trung ương giữ vai trò chủ đạo mà hụt thu thì căng. Vì thế, ngay từ đầu năm chúng tôi đã xác định tập trung cho vấn đề ngân sách trung ương” - ông Dũng nói thêm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng với những nội dung Thủ tướng nhắc và lưu ý, bộ trưởng Bộ Tài chính đã nghiêm túc thực hiện kiểm điểm. “Ngay cả vấn đề giao dự toán, mặc dù đã cải tiến nhiều trong công thức dự toán nhưng ở chỗ này chỗ khác còn vấn đề thỏa thuận dự toán.

Trung ương thì không tăng nhưng địa phương lại vượt quá nhiều. Hải quan, thuế có tiến bộ về thủ tục, thời gian nhưng ở chỗ này, chỗ khác như cửa khẩu, cơ quan thanh toán ngoại quan, hải quan vẫn còn doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Bộ trưởng đã tiếp thu, tôi cho đây là thái độ cầu thị và nghiêm túc” - ông Mai Tiến Dũng nói.

Nhận trách nhiệm vì... còn nợ Chính phủ

Đề cập đến nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong số 170 nhiệm vụ Thủ tướng giao, hiện nay Bộ Tài chính đang chậm bốn nhiệm vụ. “Bốn nhiệm vụ chậm thì anh em sẽ giải trình, còn về trách nhiệm tôi xin nhận với Thủ tướng” - ông Dũng nói.

Giải trình việc nợ dự thảo nghị định mức chi tiêu của hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội VN, hạn 30-6 đến nay chưa hoàn thành, ông Lại Văn Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết nội dung này hiện đang lấy ý kiến các bộ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc thực hiện nội dung trên đã chậm 88 ngày, tức là gần ba tháng rồi. “Nếu mà kéo thêm hai tháng nữa tức là mất thêm năm tháng. Từ 10-6 đến giờ có thể nói là công việc giao thực hiện rất ít. Vì vậy, phải chắc chắn hoàn thành trước 30-9” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về việc chậm thực hiện nghị định chống chuyển giá, ông Cao Anh Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết ban đầu Chính phủ yêu cầu trình trước 30-6, sau đó được lùi thời hạn trình đến tháng 11-2016. Giải trình về nguyên nhân, ông Tuấn nói: “Bộ đã có công văn gửi chín bộ và năm UBND các tỉnh, TP tập trung nhiều doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, dễ xảy ra chuyển giá để đề nghị cử người tham gia tổ soạn thảo.

Đến thời điểm hiện nay còn Bộ Khoa học - công nghệ, UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Ninh chưa cử người tham gia ban soạn thảo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính trong hôm nay sẽ thành lập ban soạn thảo. Như vậy, trong tháng 11 có thể kịp trình Chính phủ ban hành”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng mấy năm vừa qua đã rất quyết liệt trong thanh tra, giảm lỗ, giảm khấu trừ hàng chục nghìn tỉ đồng cũng từ chuyển giá, tuy nhiên quy trình chuyển giá rất phức tạp. “Tôi nghĩ có trách nhiệm trong việc này có cả ngành khác chứ không chỉ ngành tài chính. Ví dụ khâu đầu tư kêu gọi đầu tư 100 tỉ nhưng khai 200 tỉ, sau này ông hạch toán khấu hao 200 tỉ đấy chính là chuyển giá.

Vì thế, có trách nhiệm cả những ngành khác và Bộ Kế hoạch - đầu tư cần nghiên cứu thêm việc này” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu. “Có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi nghĩ việc xây dựng nghị định là cần thiết nhưng không đơn giản vì liên quan nhiều công đoạn trong quy trình, từ cấp phép đầu tư đến ngành đầu tư dự án nhà máy đến sản xuất và kinh doanh.

Chính phủ giao thì Bộ Tài chính nhận nhưng nội dung này không đơn giản. Việc xin lùi đến tháng 11-2016 cũng là cách xin, nhưng tôi nói thật có thể mình xây dựng nghị định mang tính nguyên tắc, còn cụ thể hóa không đơn giản và quá trình điều hành thì vô cùng phức tạp” - ông Đinh Tiến Dũng nói thêm.

Nhắc lại nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng việc hoàn thành dự thảo nghị định về chống chuyển giá với thời hạn hoàn thành trong tháng 11-2016 là một sức ép lớn, nhưng Bộ Tài chính cần phải nỗ lực hoàn thành theo đúng thời gian đã được gia hạn.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nội dung chống chuyển giá là vấn đề lớn, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, vì vậy cần có đánh giá, khảo sát để đưa ra quản lý tốt, mạnh và chống thất thoát đối với vấn đề này. “Trước khi tổ công tác đi làm việc với các bộ, Thủ tướng đều thông báo ý kiến truyền đạt. Đây là chỉ đạo rất sát và thể hiện quyết tâm hành động rất cao của Thủ tướng Chính phủ. Ngay tổ công tác dù mới thành lập nhưng tới ngày 30-8 này đã phải báo cáo Thủ tướng kết quả làm việc” - ông Mai Tiến Dũng nói.

Văn phòng Chính phủ không ở trên bộ nào

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã tính toán rất kỹ trước khi tham mưu cho Thủ tướng, các phó thủ tướng trong việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng có bất hợp lý từ cơ quan tham mưu của Văn phòng Chính phủ... Nếu như chỗ nào còn vướng giữa các bộ thì Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp cùng các bộ thảo luận để có sự thống nhất cao hơn.

Tinh thần là không đẩy việc lên. Văn phòng Chính phủ không phải ở trên bộ nào cả, chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ. Không nên đặt vấn đề trên bộ nào để căng thẳng vấn đề.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên