Quy đổi theo tỉ giá, giá vàng thế giới hôm nay tương đương 72,16 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm 1 triệu đồng/lượng, về mức 89 triệu đồng/lượng (bán ra) và 86 triệu đồng/lượng (mua vào).
Dẹp "loạn" giá vàng cách nào?
Dù quay đầu giảm nhưng mức giá vẫn cao và cách biệt với giá thế giới khoảng 17 triệu đồng mỗi lượng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập kiêm giám đốc Think Future Consultancy, đưa ra một số giải pháp đáng chú ý, thay vì tốn ngoại tệ nhập vàng.
Trong đó, việc tăng lãi suất sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ giúp kiểm soát bong bóng tài sản mà còn hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế. "Bởi ổn định cũng là một phần không thể thiếu của tăng trưởng. Chỉ khi có sự ổn định, tăng trưởng mới thực sự bền vững", ông Linh nói.
Ông Linh cũng không đồng tình việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá, bởi sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.
"Ngoài lãi suất, trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì", ông Linh nhấn mạnh.
Vì sao lại đề xuất giải pháp tăng lãi suất, ông Linh nhắc lại những yếu tố thúc đẩy sóng vàng. Trong đó, chỉ ra lãi suất thấp như giai đoạn 2021 - đầu 2022 hay cuối 2023 đến nay là một môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ một loại tài sản nào, không riêng gì vàng.
Trong khi sóng vàng lên, biến động giá mạnh, chênh lệch mua vào - bán ra càng lớn, càng tạo nhiều lợi nhuận cho các "nhà cái".
Năm nay theo ông Linh, việc tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021 - 2022. Do đó, có thể nói rằng có cả yếu tố "thiên thời" và "địa lợi" cho việc tạo sóng vàng.
Với "nhân hòa"? Ông Linh cho rằng tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi sóng. Sóng càng cao càng dễ hút tiền. Bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý "đám đông" như vậy.
"Thay vì chứng kiến hàng dài người xếp hàng mở tài khoản chứng khoán thì chúng ta thấy cảnh kiên nhẫn xếp hàng ở các cửa hàng vàng", ông Linh băn khoăn.
Nâng lãi suất để "cân" cả tỉ giá lẫn giá vàng?
Việc nâng lãi suất với lộ trình theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường, cũng là giải pháp được ông Trần Minh Hoàng - giám đốc nghiên cứu phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - cùng các cộng sự nhắc đến để giải tỏa vấn đề tỉ giá, giá vàng hiện nay.
Theo ông Hoàng, mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỉ giá luôn thường trực khi chỉ số đồng USD (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.
Cũng giai đoạn này, giá vàng ghi nhận áp lực tăng mạnh và liên tục đạt đỉnh. Theo chuyên gia VCBS, xu hướng tăng giá xuất phát từ tâm lý đầu cơ tích trữ, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp và lo ngại bất ổn định địa chính trị. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới dãn rộng.
Một số ý kiến đề xuất việc nhập vàng, tuy nhiên việc nhập vàng sẽ tốn kém ngoại tệ, gây tác động lên tỉ giá. Chuyên gia VCBS cũng cho biết dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 ước tính đạt khoảng 3,3 tháng nhập khẩu. Con số này cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do IMF đề xuất.
Do đó, chuyên gia VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD - VND, để phần nào giải tỏa áp lực tỉ giá thường trực. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50 - 100 điểm cơ bản khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận