Bộ Công thương ngày 23-3 đã có văn bản gửi Bộ Tài chính phê phán thẳng việc Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khi trả lời phỏng vấn báo chí đã chỉ trách nhiệm chủ trì của Bộ Công thương trong việc để doanh nghiệp xăng dầu lãi khoảng 3.500 tỷ nhờ hưởng thuế thấp suốt 2015 khi nhập được xăng dầu từ các thị trường ASEAN, Hàn Quốc.
Trước đó, dư luận bất bình việc doanh nghiệp trong nước đã nhập được xăng dầu từ ASEAN, Hàn Quốc với thuế dầu chỉ 5% trong khi mức thuế tính giá xăng dầu trong nước vẫn giữ từ 10-13% (tùy chủng loại dầu) khiến các doanh nghiệp đầu mối thu lợi được khoảng 3.500 tỷ trong năm 2015.
Văn bản do ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa ủy quyền Bộ trưởng Công thương ký nêu rõ ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế khi được phóng viên hỏi trách nhiệm trong việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (mãi gần đây báo chí vào cuộc mới đưa ra cách tính thuế mới -PV) đã phát biểu: “Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định".
Theo Bộ Công thương, phát biểu này “chưa hiểu đúng chức trách nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu".
Ông Thi ngày 23-3 cũng xuất hiện trên báo chí nói về việc chậm áp thuế khiến doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn, trong đó công nhận “việc chưa giám sát, chưa đề xuất sớm là trách nhiệm của hai bên, hai Bộ gồm Bộ Tài chính cũng như Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 đã quy định rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì quyết định và công bố việc đó".
Văn bản của Bộ Công thương đổ ngược lại trách nhiệm, theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan phải chủ trì vấn đề thuế, chứ không phải Bộ Công thương. Theo Bộ Công thương thì trong phối hợp, Bộ này đã làm hết chức năng nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 83/2014.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, Nghị định 83/2014 quy định rõ “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu”; Bộ Tài chính cũng được giao “chủ trì phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở”.
Bộ Công thương cũng nêu hàng loạt văn bản của mình cũng như của các doanh nghiệp trực thuộc gửi Bộ Tài chính liên quan chuyện thuế nhập khẩu từ ASEAN, Hàn Quốc và đề nghị đích danh Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cần thông tin đúng cho báo chí…
Trong lúc hai Bộ Công thương - Tài chính vẫn đang chỉ trích trách nhiệm của nhau thì còn hàng loạt câu hỏi báo chí quan tâm nhưng chưa được các bộ giải đáp chính thức như tại sao cơ quan chức năng hai bộ lại im lặng lâu đến vậy và chỉ khi báo chí nêu thì mới xử lý trong khi giải pháp không khó, rất nhanh được thông qua? Trong khi mỗi ngày các doanh nghiệp hưởng hợi gần tỷ, cả năm 2015 là khoảng 3500 tỷ thì không biết có phải chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi hay còn ai khác?
Để ngăn ngừa “sự im lặng đáng giá ngàn vàng”, có lẽ cần một cơ quan thứ ba vào cuộc để phân trách nhiệm, để đưa ra quan điểm khách quan cũng như đề xuất hướng xử lý, tránh khả năng các cơ quan đợi dư luận lắng xuống rồi… thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận