'Không thể tiếp tục triển khai để lại… đổi mới và sửa'

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Đó là ý kiến của một số đại biểu về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Cô Nguyễn Thụy Anh Thư đang hướng dẫn học sinh lớp 1/7 Trường tiểu học Phan Đình Phùng Q3, TP.HCM nề nếp trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô Nguyễn Thụy Anh Thư đang hướng dẫn học sinh lớp 1/7 Trường tiểu học Phan Đình Phùng Q.3, TP.HCM nề nếp trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hội nghị diễn ra ngày 21-8 tại Hà Nội, được kết nối qua mạng với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành trên cả nước.

Đề nghị chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tại hội nghị, nhiều địa phương như Thừa Thiên Huế, Nam Định, Nghệ An… đề nghị Bộ GD- ĐT lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các địa phương này đều cho rằng việc đổi mới giáo dục phổ thông là cần thiết, nhưng để triển khai chương trình mới cần có sự chuẩn bị đồng bộ, chu đáo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhất là ở những vùng miền núi, vùng còn nhiều khó khăn. 

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng lưu ý vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới “làm sao có chương trình học tốt nhất cho các em”.

“Một lần làm là một lần khó. Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy cô trọn vẹn. Một điều rất thử thách nữa là chuẩn bị điều kiện cơ sở. Có lẽ chúng ta phải xem xét rất kỹ điều này. Không thể tiếp tục triển khai để lại đổi mới và sửa. Chúng ta làm thật chậm thật kỹ, thật trọn vẹn” - ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định đổi mới là “làm một lần để áp dụng cho nhiều năm”, nên chất lượng là trên hết.

Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị, nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ GD-ĐT có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ.

“Khi tinh thần đổi mới thấm đến từng giáo viên, họ sẽ có ý thức để tự đổi mới. Một thầy giáo có biết bao thế hệ học trò, vì vậy, nếu thầy giáo tốt sẽ có những thế hệ học sinh tốt và ngược lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trong các nhiệm vụ của năm học mới sẽ có ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần sự chung tay tiếp sức, hiến kế của các cơ sở giáo dục cũng như sự phồi hợp chặt chẽ từ các bộ ngành, địa phương.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu là chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo. Bộ GD- ĐT cũng cam kết đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Bộ GD-ĐT thừa nhận 10 hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục

Trình bày tại Hội nghị tổng, thứ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định bên cạnh những đổi mới tích cực, giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế, yếu kém trong năm học cũ.

Thừa, thiếu giáo viên

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai.

Tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết.

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hướng nghiệp chưa hiệu quả

Công tác giáo dục hướng nghiệp đã được tăng cường, tích hợp, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh.

Nhưng theo Bộ GD-ĐT, phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông  vẫn còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả.

Chuẩn ngoại ngữ còn chưa đạt

Thực tế, nhiều giáo viên phổ thông vẫn chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Số học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm còn thấp.

Điều kiện dạy học thiếu

Theo Bộ GD-ĐT, cơ sở vật chất của các nhà trường đã được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa, số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia được tăng lên.

Nhưng so với yêu cầu hiện nay thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu.Nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp; công tác xã hội hóa giáo dục chưa thực sự hiệu quả.

Tự chủ, nhưng trách nhiệm giải trình hạn chế

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác tự chủ, trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường.

Việc tiếp cận công nghệ, mô hình giáo dục nước ngoài, các chương trình học bổng nói chung ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn rất ít. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mầm non “còn nhiều bất an”

Một trong những thành quả đạt được từ năm học trước là cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ được đổi mới theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Nhưng chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền Một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đổi mới GD phổ thông chưa đảm bảo lộ trình

Bộ GD-ĐT khẳng định đã chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đặc biệt, bộ đã rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được thông qua.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra.

Việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu.

Cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chưa nghiêm

Đây là vấn đề gây nhức nhối xã hội trong thời gian qua. Theo đánh giá của chính Bộ GD- ĐT, việc quản lý tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học của một số địa phương còn hạn chế; việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thực hiện chưa nghiêm.

Sinh viên thất nghiệp còn nhiều

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều

Xử lý vi phạm sau thanh tra còn chưa nghiêm

Việc ban hành văn bản còn chậm, chưa đồng bộ; công tác xử lý vi phạm sau thanh tra ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác truyền thông chưa thực sự chủ động, việc xử lý thông tin có lúc chưa kịp thời.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên