07/12/2016 11:45 GMT+7

​Giáo dục hướng nghiệp theo nhu cầu xã hội

MINH HUỲNH - KHÁNH LINH
MINH HUỲNH - KHÁNH LINH

TTO - Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của VN đang tụt và thuộc nhóm thấp trong khu vực (thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Thái Lan…).

Hàng ngàn tân cử nhân thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo trong khi nhu cầu tại các doanh nghiệp rất lớn.
Ảnh: Khánh Linh
Hàng ngàn tân cử nhân thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo trong khi nhu cầu tại các doanh nghiệp rất lớn - Ảnh: Khánh Linh

Điều này đặt ra cho ngành giáo dục vấn đề đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn.

Nắm bắt yêu cầu và xu hướng mới, bậc CĐ - ĐH trong hệ thống giáo dục TTC (TTC Edu, trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) đã điều chỉnh nội dung dạy học đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Giáo dục gắn với thực tế

Năm 2016, VN chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế, chính trị, an ninh ASEAN và thỏa thuận MRA-TP có hiệu lực, theo đó tám lĩnh vực nghề được tự do di chuyển trong khu vực gồm: dịch vụ kỹ thuật, y khoa, nha khoa điều dưỡng, kiến trúc, kế toán, khảo sát và du lịch.

Tuy nhiên, phần lớn lao động của VN đều gặp phải những vấn đề về khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ yếu, kỹ năng mềm hạn chế, trình độ tay nghề thấp...

Vấn đề này bắt nguồn từ định hướng giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm qua còn nhiều bất cập, chưa thay đổi phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Nếu nhu cầu của thị trường đối với trình độ ĐH chỉ 12-13%, CĐ và trung cấp hơn 50% thì xu hướng muốn vào ĐH tại các thành phố lớn vẫn chiếm gần 90%.

Ngoài ra, các trường tập trung đào tạo khối kinh tế chênh lệch quá lớn so với khối kỹ thuật.

Bên cạnh đó, giáo trình giảng dạy lại thiên về lý thuyết hơn thực hành, dẫn đến tình trạng khi các sinh viên tốt nghiệp không thành thạo tay nghề cũng như vững chuyên môn nhưng áp dụng vào thực tế lại chưa phù hợp.

Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường

Trước thực trạng trên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy định đổi mới chương trình học ở bậc phổ thông và thay đổi khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đòi hỏi các trường phải có những thay đổi phương pháp dạy học.

Nắm bắt yêu cầu và xu hướng mới, bậc CĐ - ĐH trong TTC Edu đã điều chỉnh chương trình và nội dung dạy học sát với chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nhiều hội thảo để lấy ý kiến các doanh nghiệp bổ sung vào hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, qua đó hướng dẫn sinh viên thực hiện những công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao.

Đối với bậc học phổ thông, các trường tiến hành xây dựng lại kế hoạch giảng dạy, đặc biệt tăng cường dạy học theo hướng tích hợp, liên môn để tinh gọn kiến thức, qua đó có thể phát triển năng lực của học sinh. Các giáo viên, qua sự tư vấn từ các nhà quản lý trực tiếp, các kỹ sư từ các doanh nghiệp sẽ có những tư vấn định hình về môn học, từ đó bổ sung những kiến thức thực tiễn vào quá trình dạy.

Đại diện Ban giám hiệu, giáo viên các trường phổ thông, cao đẳng – ĐH TTC Edu tham quan và làm việc với Nhà máy Đường Thành Thành Công về nhu cầu nguồn nhân lực tại nhà máy.
Ảnh: Khánh Linh
Đại diện ban giám hiệu, giáo viên các trường phổ thông, CĐ - ĐH TTC Edu tham quan và làm việc với Nhà máy đường Thành Thành Công về nhu cầu nguồn nhân lực tại nhà máy - Ảnh: Khánh Linh

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục TTC thường xuyên tổ chức những buổi học hướng nghiệp giúp các em định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn tại Công ty CP nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC), Nông trường TTC Thành Long, Nhà máy đường Thành Thành Công tại Tây Ninh...

Ông Phạm Tấn Hùng - phó giám đốc SRDC - cho biết thời gian qua, nhiều nhóm sinh viên từ các trường ĐH liên quan nông nghiệp cũng đến thực tập hoặc có những chương trình ngoại khóa hè để trải nghiệm thực tế.

Sau mỗi mùa vụ thu hoạch mía, công ty đều tổ chức những buổi nói chuyện với nông dân để chia sẻ kinh nghiệm. Tham dự các buổi nói chuyện này, học sinh có thể hiểu một cách thực tế về các vấn đề nông nghiệp nói chung cũng như cây mía nói riêng.

Đồng thời, học sinh hoàn toàn có thể thực hành các bộ môn lý, hóa, sinh tại các phòng thí nghiệm của trung tâm như phòng nuôi cấy mô, phòng ép mẫu, phòng kỹ thuật canh tác…

Riêng việc tham quan, trải nghiệm từng khâu trong công tác chọn giống, kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm thực tế tại trung tâm cũng sẽ rất hữu dụng cho các em khi học môn sinh học hoặc môn kỹ thuật nông nghiệp.

Đối với Nông trường TTC Thành Long, bên cạnh cơ giới hóa trong tất cả các khâu, nông trường chú trọng đến việc bảo vệ môi trường xung quanh. Khi đến đây khảo sát trực tiếp, học sinh có thể học hỏi thêm kiến thức về sinh, hóa và rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường.

Giáo dục hướng nghiệp tại TTC Edu

Hiện nay, các công ty thuộc ngành nông nghiệp của Tập đoàn TTC rất cần những kỹ sư nông nghiệp, đặc biệt là mảng nông nghiệp hữu cơ.

Tập đoàn sẵn sàng trao cơ hội cho những sinh viên Trường ĐH Yersin Đà Lạt đang nghiên cứu về mảng nông nghiệp hữu cơ sau khi tốt nghiệp về làm việc tại các công ty ở Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Hòa...

Đối với các sinh viên khoa sinh học môi trường nói chung thì các doanh nghiệp thuộc ngành nông sản, mía đường của tập đoàn luôn mở rộng cánh cửa chào đón.

Qua những chuyến đi thực tế tại các công ty trực thuộc Tập đoàn TTC, ban giám hiệu và giáo viên, giảng viên các trường đã có cái nhìn sâu sát hơn về nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại.

Theo đó, Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi sẽ mạnh dạn đào tạo thêm ngành cơ khí nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thực tiễn từ ngành nông sản và mía đường của tập đoàn.

Sắp tới, TTC Edu tiếp tục làm việc với các công ty ngành năng lượng, du lịch khách sạn để mở rộng việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và sinh viên ĐH gắn với việc sản xuất kinh doanh thực tiễn của những công ty này.

 

MINH HUỲNH - KHÁNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên