Thầy cô - hai từ thiêng liêng lắm!

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TT - Tôi nhớ PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, từng nhắc nhở lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy, đại ý là lứa tuổi học sinh rất bồng bột, đầy sức phản kháng.

Có thể rồi chúng tôi sẽ gặp những học sinh chửi thề, thậm chí đánh lại thầy cô giáo khi bị thầy cô nhắc nhở, la mắng vì có những hành vi vi phạm nội quy trường, lớp.

Nghề giáo, “con đò cũ” nhưng “khách sang sông” luôn thay đổi. Có học sinh tính cách thế này, có học sinh tính cách thế khác cũng là điều dễ hiểu. Mỗi em có hoàn cảnh gia đình khác nhau, cách thức giáo dục ở nhà cũng khác nhau.

Thế nên thầy cô biết kiềm chế cảm xúc của mình, có cách xử lý linh hoạt trước những học sinh ngang bướng, manh động là rất quan trọng. Giáo học pháp chẳng đã dạy sinh viên sư phạm rằng: dạy học sinh phải nắm rõ hoàn cảnh của học sinh. Chỉ có điều hiện nay không nhiều thầy cô làm tốt việc này.

Có khi thầy cô phải biết “tạm quên” hành động tiêu cực nhất thời của một học sinh nào đó để tiếp tục giờ học hay làm những việc khác.

Lúc này, thầy và trò cùng có thời gian để hiểu hơn về sự việc và cũng để cho những phẫn nộ, uất ức, xấu hổ qua đi. Lẽ dĩ nhiên, qua được tâm trạng đó thì trong tâm hồn lúc này sẽ lấp đầy sự hối lỗi, muốn được sửa sai và cả sự tha thứ.

Khó đấy, bởi ai bị xúc phạm mà chẳng nóng mặt, nhưng nhà giáo phải thế - biết chịu đựng - âu đó cũng là phẩm chất nhà giáo. Phải chăng vì lẽ đó mà nghề giáo không phải ai cũng làm được?

Đã có bài viết nhắc nhở rằng thầy cô - hai từ thiêng liêng lắm. Muốn vậy phải rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp để đối mặt với những tình huống phức tạp. Giáo dục con người khó lắm, và càng khó hơn bởi thầy cô muốn đạt được mục tiêu dạy người - ngoài vững vàng kiến thức, nhuần nhuyễn và linh hoạt phương pháp giáo dục còn lại phải vừa gần gũi, vừa thông hiểu học sinh của mình.

Nghề giáo mình, kết quả những biện pháp giáo dục đâu chỉ nhận biết được ngay, phải biết chờ đợi. Có khi thời gian chờ đợi phải tính bằng tháng, bằng năm, thậm chí là cả chục năm.

Nỗi đau thể xác rồi sẽ qua đi, phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp biết cả đấy. Đức tính chịu đựng, biết hi sinh, tấm lòng vị tha của thầy cô sẽ là những bài dạy đạo đức thật khó quên trong tâm khảm học sinh.

Tôi tâm đắc với quan điểm của thầy hiệu trưởng Trường TQK chia sẻ với Tuổi Trẻ. Chuyện đã xảy ra rồi, hi vọng cô giáo X. sẽ mau qua đi những buồn phiền để tiếp tục yêu bục giảng của mình hơn. Còn học sinh T., thầy và chắc là nhiều thầy cô nữa sẽ tha thứ cho lỗi lầm của em. Mong lắm những ngày sắp tới của T. sẽ không như vậy nữa.

Vậy đó, chúng ta hãy chung tay để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên